5. Bố cục đề tài
2.1. Bi kịch tha hương
Tha hương là việc con người buộc phải rời bỏ quê hương, đi đến nơi xa lạ khác để sinh sống. Trong văn học nước ta từ xưa đến nay vẫn thường nhắc đến hình ảnh những con người tha hương cầu thực. Đó là nhân vật người mẹ
trong Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, vì cuộc sống quê nhà quá thiếu
thốn nên đành bỏ lại đứa con thơ tìm đến những miền đất mới với hi vọng đổi đời; là đủ loại người từ các vùng quê nghèo đổ xô lên Hà Nội kiếm miếng ăn
trong Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng. Đó cũng là những con người
không chịu được lề thói tư tưởng cũ nát của một vùng đất mà dứt áo ra đi,
kiểu như những nhân vật giàu lí tưởng và khát vọng trong tiểu thuyết Tự lực
văn đoàn…
Thế nhưng chưa bao giờ trong văn học hình ảnh con người tha hương lại hiện lên đậm nét, chân thực mà ám ảnh như sau năm 1975. Đặc biệt hơn, khi viết về đề tài này, tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 có những tìm tòi và phát triển mới với những gương mặt đến từ dòng văn học hải ngoại. Chủ đề tha
hương có mặt trong hầu khắp các tiểu thuyết Paris 11 tháng 8, Phố
Tầu (Thuận), Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng)…
Tha hương có thể nói là kết quả tất yếu của xu hướng di dân của loài người qua nhiều thế kỉ. Đến nay, không chỉ người Việt đang sống ở các nước khác rất nhiều, mà bất cứ dân tộc nào cũng có cư dân đang sinh sống ở hải
ngoại. Sự di dân có nhiều nguyên nhân khác nhau. Có người, tha hương là sự
bắt buộc phải ra đi, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ giã thành phố quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Họ ra đi mang trong mình một nỗi khắc
khoải không biết ngày trở về. Có người, tha hương là tự lựa chọn, vì khát khao một cuộc đời mới tốt đẹp. Nhưng dẫu sao, ở xứ xa, người bắt buộc hay tự nguyện ra đi đều cùng chung nỗi bi kịch tha hương. Đó là bi kịch không được sống trên đất nước của mình, bi kịch bị cắt lìa ra khỏi nguồn cội. Vậy nên, dù ý thức hay vô thức, tâm trạng tha hương vẫn ít nhiều chi phối sáng tác của các nhà văn xa xứ - những con người đủ can đảm, đủ nhận thức để và có cái nhìn chân thực nhất về chính bản thân họ. Từ bi kịch tha hương, nhiều tác phẩm của họ còn nới rộng phạm vi quan tâm đến sự vong thân của con người trong một thế giới xa lạ, lạnh lẽo. Đó hẳn là trường hợp của Đoàn Minh
Phượng với tiểu thuyết Và khi tro bụi.
Khác với sáng tác của một số nhà văn hải ngoại như Thuận thiên về khai thác tình trạng con người tự lưu vong, đánh mất bản sắc trong một thế giới xa lạ, nhưng đồng thời cũng không tìm thấy hơi ấm kí ức ấu thơ nơi miền đất quê nhà; Lê Ngọc Mai hay Phạm Hải Anh thì sáng tác luôn gắn với tên một vùng đất, luôn đề cập đến hai chữ quê hương; còn trong tiểu thuyết Đoàn Minh Phượng, ta cứ thấy bàng bạc một nỗi bi thương của những tâm hồn lạc loài vì li hương, cội nguồn phân cách: “Tôi thấy mình lạc lõng và luôn có cảm giác như mình không tồn tại trên mặt đất. Như thể mình bị cắt rời khỏi phần máu
thịt của mình” [16]. Được cận kề quê hương trở thành nỗi khát khao luôn tồn
tại thẳm sâu trong miền vô thức của nhân vật, dù chẳng nói ra.
Nhân vật chính An Mi chỉ là một trong những con người sống cách biệt với quê hương xứ sở trong tiểu thuyết Và khi tro bụi. Cả cuốn tiểu thuyết xoáy sâu vào cảm xúc, vào tâm trạng và vào cuộc đời lưu lạc của An Mi. Nhân vật phải chịu đựng đến hai lần bi kịch tha hương: lần thứ nhất khi là cô bé mồ côi người Việt Nam, buộc phải rời quê hương sau chiến tranh đến sống trên đất Đức, lần thứ hai sau nhiều năm sống ở Đức, chồng cô chết và cô trở thành một người đàn bà không có một sợi dây gắn kết với bất cứ nơi nào, chỉ
biết tha hương tìm kiếm chính mình trên những toa tàu “vì tôi biết mặt đất là thứ khó chia tay” [15].
Bi kịch tha hương của An Mi chắc hẳn đã bắt đầu từ lâu lắm, khi tự sâu trong trái tim, An Mi luôn biết mình không phải là người Đức. Không phải ngẫu nhiên mà trong lễ tang chồng, An Mi chọn mặc áo tang màu trắng theo phong tục Việt Nam, và từ chối khoác lên người màu áo tang đen như những người Đức. “Đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh” [24, tr.9]. An Mi chọn cho mình màu áo tang trắng không hẳn là không có lý do. Dù đã lâu rồi cô không còn nhắc đến quá khứ xuất xuất thân của mình (phải chăng thời gian đã làm cô quên hay trong thâm tâm cô cố ý quên đi quê hương nguồn cội?), nhưng sau bao năm sống nơi đất khách cô vẫn giữ tận sâu trong vô thức một chút hồn quê. Bây giờ, trong nỗi tang thương mất mát, lí trí không thể kiềm giữ, vô thức vùng lên thành một hành động có phần bướng bỉnh và quyết liệt - mặc áo tang màu trắng để tự chứng minh mình là một kẻ tha hương: “Ở nơi tôi sinh ra, mầu trắng là màu tang chứ không phải đen. Tôi tưởng tôi đã quên điều này, vậy tôi lại nhớ, và khi nhớ rồi điều đó trở nên quan trọng” [24, tr.9]. Chiếc áo tang màu trắng còn cho thấy tâm trạng và cảm xúc đau đớn của An Mi lúc này, khi mất người chồng - nguồn yêu thương duy nhất của cô nơi đất khách. Cô dự tang chồng với áo tang màu trắng lạc loài giữa rừng áo tang đen, đã báo hiệu điều gì đó bất thường. Hai màu trắng và đen nhưng là khoảng ngăn cách mênh mông giữa Việt Nam và nước Đức, giữa quê hương và xứ người, giữa tôi và những người khác tôi. Những mảng đối lập của truyện đã hiện ra, để rồi cô nhận ra mình cô độc trên cõi đời. Cô là một cô gái Việt Nam sống trên đất Đức, lạc lõng, không còn người thân, không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Cuộc sống xung quanh cô, tâm hồn cô chỉ còn là một khoảng trắng trống rỗng hư vô bị động không một chỗ dựa, không biết đi về đâu, lơ lửng
giữa cuộc đời.
Không chỉ màu trắng của chiếc áo tang, khi đối mặt với màu trắng của trang giấy, cảm giác tha hương của An Mi trở lại. Bao lần trăn trở lần giở quyển sổ để viết ra một điều gì đó về đời mình, nhưng mãi An Mi cũng chỉ viết được hai dòng ngắn gọn: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ đất nước có chiến tranh” [24, tr.37]. Hai dòng chữ và những trang trắng - một cuộc đời trắng không quá khứ, không hiện tại, không tương lai, không cội nguồn quê hương… Nhân vật luôn tự ý thức về bi kịch của người xa quê: “Tôi là khách lạ bất cứ đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ” [24, tr.116]; “Tôi mồ côi, không có quá khứ, tình yêu, ước mơ, tôi không có một cái tên, chân dung hay linh hồn. Tôi là một gian nhà trống… tôi không có gì để nhớ”.
Sau khi chồng chết, An Mi lâm vào bi kịch tha hương thêm lần nữa. Cô rời bỏ ngôi nhà từng gắn bó mình với chồng để thực hiện chuyến hành trình vô định trên những con tàu. Cô gọi đó là hành trình tự hủy diệt: “Chỉ còn lại cái chết được chọn lựa”. Cô sống trên những con tàu, đi qua những miền xa lạ của nước Đức, không gắn kết với ai và nơi nào quá lâu để hiểu nó hoặc để nó hiểu mình. Hành trình đi tìm cái chết của An Mi chỉ vì vô tình mà biến thành một cuộc tìm kiếm để ngăn chặn một cái chết khác. Toàn bộ câu chuyện ẩn trong một màn sương mờ ảo, hoang mang, đôi lúc rất khó nắm bắt. Ta chỉ thấy, có một thân phận tha hương đang phải chịu đựng những xung đột về mặt văn hóa, phân vân giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Để cuối cùng người đàn bà ấy nhận ra chị cũng chỉ là một trong số những người chị từng gặp và tiếp tục đi tìm. Một người từ bỏ cội nguồn của mình sẽ không thực sự bám rễ vào đâu hết. Phải chăng đây chính là điều trăn trở của Đoàn Minh Phượng - một Việt kiều luôn ý thức sâu sắc về cuộc sống xa quê hương, xa cội nguồn dân tộc?
Và khi tro bụi không chỉ là tấn bi kịch tha hương của nhân vật An Mi mà đó còn là bi kịch lưu lạc chung cho kiếp người bơ vơ khắp nẻo. Nếu như An Mi lưu lạc vì xa xứ thì gia đình ông Kempf lại lưu lạc ngay trên chính đất nước mình vì hạnh phúc gia đình đổ vỡ: Ông Kempf mất vợ, mất con, Michael Salascher đi khắp nơi tìm em trai; cậu bé Marcus đi lạc trong rừng sâu được đưa về nuôi trong trại mồ côi ở Weilenthal.
Atina, Marcus và Michael đều là những kiếp người tha hương. Bị cắt lìa khỏi quê hương xứ sở, Anita mất đi sức sống, mất đi động lực làm người tựa như cá ra khỏi nước. Atina không chăm lo được cho gia đình, rơi vào nghiện ngập, cô không biết làm ấm ngôi nhà. Michael trốn chạy tổ ấm gia đình, trốn chạy quá khứ và dần dần, anh càng chạy càng xa, càng chạy càng không muốn trở về và đối mặt. Marcus lạc lối trong khu rừng, bơ vơ, lạnh lẽo, đơn độc. Em bị chính những người thân của mình bỏ rơi, đến cuối cùng, tự bản thân em quyết định trốn sâu vào một thế giới của riêng em, không còn biết mình là ai nữa.
Chính bi kịch tha hương là nguồn cơn tạo ra nỗi cô đơn và bi kịch đánh mất bản ngã của các nhân vật trong tác phẩm. Con người sống trong cuộc đời cần có một điểm tựa để neo giữ chính mình vào đâu đó, một nơi chốn vững chắc để che chở và bao dung mình. Với Đoàn Minh Phượng, điểm tựa ấy, nơi chốn ấy chính là quê hương. Thiếu quê hương, dường như là thiếu tất cả, là bi
kịch lớn nhất của một kiếp người. Cảm thức thiếu quê hương, mặc cảm lạc loài
vì thế mà luôn thường trực, ám ảnh ngòi bút Đoàn Minh Phượng. An Mi sở dĩ luôn cảm thấy mình “mất cả trọng lực”, như đang “rơi trong khoảng không” và “rất dễ vỡ” vì “tôi là khách lạ ở bất cứ nơi đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá” [24, tr.116].
Có thể thấy, Và khi tro bụi là sự phản ánh một cách chân thực và sinh động bi kịch tha hương của những người Việt xa xứ. Họ đã và đang sống một
cuộc đời tha phương cầu thực, nhàm chán và rơi vào bế tắc.