Bi kịch đánh mất bản ngã

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 38 - 41)

5. Bố cục đề tài

2.4. Bi kịch đánh mất bản ngã

Con người hiện đại luôn muốn được sống là mình, luôn muốn truy nguyên bản thể, muốn trả lời cho đến tận cùng câu hỏi “Tôi là ai?”. Thế nhưng, vì nhiều lí do, trên chặng đường kiếm tìm bản ngã, họ lại dần đánh mất bản ngã của chính mình. Đó là lúc người ta lâm vào tấn bi kịch của đời sống hiện đại - bi kịch mất bản ngã. Vì sống cam chịu trước số phận, nhiều

nhân vật trong Và khi tro bụi đã đánh mất mình, thậm chí, có người chủ động

xóa bỏ cuộc đời thật của mình để theo đuổi những điều hư vô, sống cuộc đời của người khác để đổi lấy sự an toàn giả tạo.

Cô bám víu vào cha nuôi, vào chồng, nương tựa vào câu chuyện của người trực đêm khách sạn, câu chuyện của Anita. Tồn tại của cô mờ nhạt, và càng bị khuất lấp dưới quyền uy của những người khác. Từ cô bé người Việt An Mi, sang Đức, cô thành Anna Michaela Wienandsiki. Cô đã sống những chuỗi ngày dài đánh mất mình như thế, mãi đến khi đủ trưởng thành để nói “tôi không phải Anna Michaela”. Sau khi chồng chết, An Mi cũng thôi không sống cuộc đời thật của chính mình: “Tôi nhuộm nâu mái tóc, chọn mầu phấn trắng và màu son tối. Tôi mua một cái va li và vài túi xách sang trọng, cho vào đó quần áo mới: quần tây, áo lụa, áo ngủ… đồ lót mềm mại, xà phòng và mỹ phẩm đắt tiền, lược chải đầu, gương cầm tay. Những thứ đắt tiền để bù đắp cho sự thiếu tiện nghi khi sống trên tầu. Những thứ đắt tiền mang trên người nó những giá trị giả dối, làm cho người dùng nó cũng thấy mình không thật” [24, tr.14]. An Mi dần biến mất trong đời sống, thậm chí cô muốn trở nên vô hình với những người xung quanh, với cuộc đời và ngay với chính bản thân mình.

Sau đó, cô “sống bám” vào cuộc đời của các nhân vật trong gia đình Kempf: Micheal, Marcus, Anita. Và cuối cùng khi cận kề cái chết An Mi nhận ra rằng bấy lâu nay cô sống bằng cái tôi của kẻ khác, sống trên xứ người không quê hương không cội nguồn: “Tôi chợt hiểu ra tất cả. Tại sao trong tất cả những năm của cuộc đời mình tôi đã không tìm được một thứ keo đẻ gắn lại các mảnh đời và gắn mình vào thế giới loài người. Tôi đã cố hét sức nhưng mọi thứ đều rời rạc, tan nát và tôi mãi mãi là một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi. Bởi vì trong khoảnh khắc kinh hoàng nhất của cuộc đời, vào lúc người ta cần nhau nhất để cứu nhau ra khỏi tai ương, trí óc tôi đã chọn xóa đi cái khoảnh khắc ấy ngay khi nó đang xảy ra” [24, tr.182].

Micheal cũng là một nhân vật tự đánh mất bản ngã. Micheal chối bỏ mình, chối bỏ câu chuyện mà anh ghi lại về gia đình, về những gì trước đây

anh đã làm như dự định đi tìm em, trả thù cha… để đổi lấy cuộc sống yên ả nương tựa vào Sophia, tìm chỗ trú ẩn cho tâm hồn đổ vỡ. Hay người cha nuôi An Mi tự sát bởi “ông đã sống quá lâu cuộc đời của một người khác, không phải của mình” [24, tr.100]. Ông đau khổ, bế tắc khi nhận cuộc đời này ông chưa một lần sống riêng cho riêng ông, ông không dám sống với cái tôi của mình, ông chạy trốn bản thể, sống trên cuộc sống của kẻ khác.

Hay cậu bé Marcus ra khỏi nhà vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo và từ đó em không bao giờ trở về nữa. Đúng là em đã đi lạc, lạc mất chính mình, như vị bác sĩ trong trại trẻ mồ côi đã nói với An Mi: “Em bị mất trí nhớ và mất khả năng giao thiệp với người chung quanh. Cô sống ở một nơi gọi là trái đất. Còn Marcus, em tự cô lập mình, sống ở một nơi gọi là mặt trăng, trên đó rất lạnh, rất trống, hoàn toàn vắng người” [24, tr.149].

Những nhân vật trong tiểu thuyết khiến người ta không thể xác định được đường viền tính cách, tâm lí. Như Anita, Micheal, Sophie…; họ được nhiều người nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau, không có sự đánh giá thống nhất. Điều đó khiến cái Tôi của họ mờ đi và chúng ta thực sự phân vân khi được hỏi họ là ai. An Mi nữa, cô là ai? Người phụ nữ với những tổn thương tinh thần sâu sắc ấy, liệu có thể là người nắm giữ và trao cho độc giả chiếc chìa khóa của sự thật từ góc quan sát của cô không? Hay cô cũng lộ ra nhiều dấu vết của một nhân chứng chẳng hề đáng tin cậy?

Có thể nói, các nhân vật trong Và khi tro bụi vì những nguyên nhân khác

nhau đã đánh mất mình trên hành trình tìm kiếm bản thể. Bởi trong xã hội khi những thang bậc giá trị mà trước giờ được xem là vĩnh cửu không còn, con người mất niềm tin, con người thường rơi vào trạng thái hoài nghi, lạc lõng phân vân trước sự hư vô bất định của cuộc đời để rồi đánh mất mình. Bi kịch đánh mất bản ngã hiện diện như một tất yếu của cuộc sống trong xã hội đầy rẫy những biến cố này.

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)