Bi kịch chối bỏ quá khứ

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 41 - 46)

5. Bố cục đề tài

2.5. Bi kịch chối bỏ quá khứ

Trong thời đại ngày nay, văn minh ngày càng phát triển, con người dường như nhỏ bé hơn trước thế giới ngày càng mở rộng về biên độ. Vì thế, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cô đơn, lạc lõng. Nossack - nhà văn Đức quan niệm: “Người ta rất dễ bỏ chạy, bỏ lại mọi thứ sau lưng; chạy hoài, dừng lại mới là khó” [16]. Điều đó càng không xa lạ với những con người vong thân. Vậy nên chối bỏ quá khứ cũng là một trong những bi kịch của con người trong Và khi tro bụi.

Trước hết, những con người trong tiểu thuyết muốn chối bỏ cái trật tự nhàm chán đã được truyền thống cất xây và giữ gìn. Họ chối bỏ sự thân thuộc, gắn bó như quê hương, người mẹ, người em. Vì thế, An Mi bước đã đến một đất nước xa lạ cũng như một chuyến tàu xa lạ để rồi có lúc cô phải hoài nghi “quê hương là gì nếu không phải là sự lặp lại” [24, tr.13]. Thế giới xa lạ và vô nghĩa nên tình yêu quê hương cũng hóa thành một thứ tình mong manh không thể cứu chuộc linh hồn hoang tàn vụn vỡ của con người.

Trên hành trình tìm đến cái chết, trong lúc xâm nhập vào cuộc đời của những người hoàn toàn xa lạ, thỉnh thoảng, phần kí ức đã từ lâu An Mi chối bỏ cứ ùa về, những phần kí ức mà cô đã giam kín sâu trong tâm hồn vì không đủ dũng cảm để đối mặt với nó. Kí ức về chiến tranh, về mẹ, đặc biệt là kí ức về cô em gái bé nhỏ luôn lẽo đẽo theo sau cô như cái bóng, người đã tin cậy dựa dẫm vào cô biết bao trong khi cô lại quay lưng bỏ chạy không hề ngoái lại tìm em suốt 25 năm: “Tôi chỉ nhắm mắt một mình chạy đi. Tôi chạy đi mãi, đi mãi, 25 năm chưa bao giờ quay đầu lại với đứa em nhỏ chờ tôi đến cứu nó khỏi nỗi kinh hoàng” [24, tr.82]. Lúc cận kề cái chết, An Mi mới nhận ra tất cả bi kịch của đời mình đã bắt nguồn từ sự chối bỏ khủng khiếp kia. Cô vạch trần chính mình thẳng thừng và thô bạo: “trong câu chuyện của Antina, tôi tưởng tôi Marcus bị bỏ rơi. Bây giờ tôi mới chợt hiểu ra mình là Michael

đã chọn lấy sự mất trí nhớ để đổi lấy sự ấm êm trong căn nhà của Sophie” [24, tr.181].

An Mi luôn chối bỏ quá khứ: “Nếu tôi có một địa chỉ để ở, một tiệm bánh mì để mau bánh mỗi sáng, một con đường mà tôi biết từng khung cửa sổ của những căn nhà thì rồi tôi cũng sẽ coa nhũng người quen, có kỉ niệm, có một nơi chốn thuộc về mình… Tôi không muốn tất cả những thứ ấy. Tôi biết mặt đất là thứ khó chia tay nên tôi sẽ sống trên những chuyến tàu”. “Tôi sẽ sống trên những chuyến xe lửa. Ở đó tôi sẽ gặp nhiều người nhưng tôi sẽ không gặp bất cứ một người nào biết tôi là ai. Tôi muốn họ mãi mãi là những người lạ và mỗi khi tôi nói chuyện với ai đều không có lần thứ hai” [24, tr.13]. Vì chối bỏ quá khứ, cô lạc loài trong hiện tại: “Một hôm thức dậy ở một phòng trọ rẻ tiền, tôi không biết mình đang ở đâu. Thường người ta chỉ cần một giây để nhớ lại. Buổi sáng đó tôi hoang mang trong ba mươi dây, và một nỗi sợ to lớn, mịt mùng chợt tràn tới. Mất không gian và thời gian, tôi mất cả trọng lực, tôi như dang rơi vào khoảng không” [24, tr.116].

An Mi không dám quay lại nhìn về quá khứ tang thương cũng giống như Micheal đã từ bỏ chính quá khứ của mình. Michael lúc nhỏ rất trong sáng, quyết liệt, không chấp nhận dối trá, muốn tìm cách trả thù cho mẹ. Lớn lên, Michael bắt đầu hiểu sự thật là một thử thách ghê gớm không thể vượt qua được nên bắt đầu nghĩ ra cách có một sự thật nào để sống với nó hơn, thuận lợi hơn. Anh ta tự cắt xén, may vá lại sự thật như người ta may những chiếc áo vừa cho mình mặc. Nhưng vừa cho Michael thì sẽ không vừa cho người khác. Sau một thời gian theo đuổi câu chuyện về cái chết của người mẹ, anh ta đã bỏ cuộc giữa chừng. Marcus thì sống trong câm lặng, mãi mãi là một dấu hỏi lớn về hình ảnh người mẹ. Micheal đã phủ nhận câu chuyện trong quyển sổ, rằng mẹ anh không phỉa cha anh giết, em trai anh không mất tích mà đã đi theo mẹ anh từ nhưng năm trước. Câu chuyện về gia đình anh đã mơ

hồ nay lại càng mơ hồ hơn. Nếu câu chuyện trong cuốn nhật kí có thật thì anh là người chối bỏ sự thật, chối bỏ quá khứ ấy. Anh trốn vào trong vỏ bọc ngọt dịu bởi âm nhạc của Sophie để lãng quên tất cả quá khứ đau buồn.

Còn ông Kempf là người luôn bị quá khứ đeo bám. Qúa khứ đối với ông là nhũng kỉ niệm đen tối, kinh hoàng. Những ngày tháng hiện tại ông sống trong dằn vặt bởi quá khứ: “Ông khóc và ông không thể nhấc cánh tay lên chùi những giọt nước mắt được. Tôi tự hỏi tại sao trên một thân thể chín mươi phần trăm bất động, cái tuyến nước mắt vẫn hoạt động để làm gì” [24, tr.107]. Ông cất giữ quá khứ trong một góc khuất của căn nhà, trong chiếc hộp đựng cây đàn của người vợ.

Cậu bé Marcus cũng chọn cách chối bỏ quá khứ để tồn tại. Đón nhận từ cuộc sống hết bi kịch này đến bi kịch khác, Marcus đã mất niềm tin. Em nhốt mình trong tinh cầu giá lạnh, chối bỏ quá khứ khi An Mi muốn em tìm về. Khi An Mi xuất hiện, buộc em đối mặt với quá khứ, thái độ của em luôn luôn là né tránh: “Marcus không bao giờ nhìn tôi”, “tôi biết em tránh ánh mắt tôi” [24, tr.154]. An Mi biết trong em vẫn còn quá khứ nào đó: “có một thoáng gì như là ánh sáng trong mắt em. Trong một giây, dường như em vừa tìm được một vật của quá khứ, một dấu vết dẫn em về tuổi thơ có mẹ” [24, tr.154]. Nhưng chỉ cần cô cố gắng gợi nhắc hay khuyến khích em chạm vào nó, em lại chối bỏ và kịch liệt phản ứng: “Marcus nói lớn, với một chút giận dữ: Em không có cha mẹ làm sao mà có anh được”[24, tr.71]. Em cự tuyệt An Mi một cách tuyệt đối qua câu trả lời “Không. Không. Không” [24, tr.155]. Em muốn mọi người hiểu rằng có những quá khứ nên tìm lại để biết mình là ai nhưng để biết mình là ai trong cuộc đời này mà phải đón nhận những tấn bi kịch thì tốt nhất nên chôn vùi quá khứ.

Quả thực, với Và khi tro bụi, Đoàn Minh Phượng muốn đặc tả về những

đổ vỡ. Tất cả các nhân vật trong Và khi tro bụi đều mang trong mình một thế giới tâm hồn đầy thương tổn và mát mát, họ vấp ngã, rồi trượt dài từ bi kịch này đến bi kịch khác: bi kịch tha hương ám ảnh con người tự cắt bỏ mình khỏi cội nguồn, bi kịch của nỗi cô đơn truyền kiếp, bi kịch cam chịu, thúc thủ trước các đòn giáng khắc nghiệt của số phận và bi kịch đánh mất mình thật đau đớn để rồi chối bỏ quá khứ một cách kịch liệt. Những bi kịch ấy ám ảnh, bao trùm lấy họ từng ngày. Đó chính là hệ quả của những gì xã hội công nghiệp hiện đại tạo ra và cũng là hệ quả của sự hiện sinh, như cố nhạc sĩ Trịnh

Công Sơn từng thốt lên đầy day dứt trong lúc gọi tên bốn mùa của đời người:

“Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Đi sâu vào tấn bi kịch riêng của từng nhân vật trong tiểu thuyết, người đọc thức nhận ra bao điều về sự thật, hay nói đúng hơn, sự không tồn tại của Sự thật. Theo như trong tác phẩm, Sự thật chỉ là Sự thật của một người và không có Sự thật cho tất cả mọi người. Vì vậy, người ta có nhiều khả năng sẽ hoang mang, lạc lối trong một thế giới thiếu sự dẫn đường, thiếu sự soi sáng, có khả năng trọn kiếp u mê hay tự lựa chọn trọn kiếp u mê.

Yếu tố bi kịch trong Và khi tro bụi đậm đặc trong thế giới nghệ thuật của

tác phẩm, nhưng không phải để người đọc đắm chìm lạc lối mà tràn đầy chất nhân văn, thể hiện rõ tính chất của cái Bi trong mỹ học. Càng dấn sâu vào bi kịch con người ta lại khát khao sống mãnh liệt, càng bị bứt lìa khỏi nguồn cội con người ta càng mong muốn tìm về với cội nguồn của mình. Trọn tác phẩm không còn là hành trình con người đi tìm cái chết mà là hành trình con người tìm sự sống, tìm chính mình, tìm về cội nguồn, quê hương và kí ức. Thậm chí nếu An Mi ở vào cuối truyện có chết đi, thì cô đã chết trong sự giải thoát vì đến khi tro bụi bay về, cát bụi trở về cát bụi, cô cuối cùng đã quyết liệt nhìn nhận lại bản thân mình, đã đối mặt trực diện với quá khứ, đã khẳng định được

cô cũng đã có chỗ để bám vào, cô đã được trở về cận kề quê hương nguồn cội.

Có thể thấy dường như những triết lí về lẽ sống - chết trong Và khi tro

bụi là sự dung hòa giữa văn hóa phương Đông và triết lí hiện sinh ở phương

Tây. Chính sự dung hòa để tạo ra triết lí ấy khiến yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết không rơi vào bi lụy mà vẫn thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả.

Chương 3

BI KỊCH HÓA TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT

VÀ KHI TRO BỤI

Trong bài viết Bi kịch hóa trần thuật - Một phương thức tự sự (Trên cứ

liệu Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư), TS. Nguyễn Thanh Tú đã nhắc đến việc các nhà văn hiện đại đã sử dụng lối kể mang tính bi kịch hóa như một phương thức để đổi mới kĩ thuật viết: “Chúng tôi đặt vấn đề bi kịch hoá trần thuật, cụ thể hơn là bi kịch hoá nhân vật người kể chuyện để tìm hiểu sâu hơn một bước cụ thể hoá hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Theo chúng tôi khi người kể được nhân vật hoá sẽ thoả mãn hai chức năng: chức năng miêu tả hoàn cảnh, không gian, thời gian, các biến cố sự kiện và chức năng phát hiện ra thế giới bên trong của nhân vật người kể chuyện. Người kể không chỉ kể mà còn đóng vai là một nhân vật, do vậy tất yếu phải biểu hiện những quan niệm, suy nghĩ, tình cảm với ngôn ngữ, giọng điệu của một con người cụ thể. Vì thế câu chuyện không chỉ lôi cuốn sự chú ý của người đọc theo dòng các sự kiện mà còn lôi cuốn người đọc vào cả lời kể, cách kể. Nhờ thế đã tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả về tính khách quan của nội dung câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện” [34].

Tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, với lối kể được bi kịch hóa như thế, đã khiến yếu tố bi kịch không chỉ tồn tại trong cảm thức của các nhân vật mà hiển hiện ra trên bề mặt văn bản tự sự.

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 41 - 46)