Bi kịch cam chịu

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 35 - 38)

5. Bố cục đề tài

2.3. Bi kịch cam chịu

Con người trong thế giới kĩ trị dường như đã quen đối mặt với những mất mát, bất an của cuộc đời. Ta thấy trong văn học hậu hiện đại, nhân vật thường dửng dưng trước những biến cố của đời sống. Chẳng hạn nhân vật của G. Marquez sống cùng nhà với ông già có cánh mà chẳng cần truy nguyên nguồn gốc của nhân vật dị thường này, hay nhà văn Hồ Anh Thái thản nhiên kể những câu chuyện hoang đường về thế giới chuột - người lẫn lộn trong

SBC là săn bắt chuột… Từ chống chọi, phản kháng, người ta dần bất lực, chịu thua và chấp nhận sống chung với sự phi lí vô nghĩa của đời sống.

Nhân vật trong tiểu thuyết Và khi tro bụi lâm vào bi kịch cam chịu cũng

là vì thế. Họ đã cố sức chống chọi với bất hạnh nhưng không thể nào vượt qua số phận nên đành an phận - cam chịu như một định mệnh. Càng dấn bước trên

hành trình tìm kiếm, nhân vật của Đoàn Minh Phượng càng hoang mang, hoài nghi, ngờ vực, không phân biệt thực hư, thật ảo. Bi kịch cam chịu trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với người phụ nữ.

Trong Và khi tro bụi Đoàn Minh Phượng không đi sâu miêu tả chân

dung hay khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, đặc biệt là nhân vật phụ nhưng thông qua những nét chấm phá giàu sức gợi, những quan sát đậm chất điện ảnh, nhà văn khắc họa bi kịch cam chịu của từng nhân vật. Họ sống những cuộc đời khác nhau, trải nghiệm những số phận khác nhau nhưng cùng một bi kịch cam chịu không nói nên lời. Trước những bất trắc của đời sống, họ âm thầm gánh chịu, chống chọi và rồi đến một lúc phải buông xuôi tất cả.

An Mi là người phụ nữ đã chấp nhận đầu hàng số phận. Cuộc đời An Mi là một chuỗi dài mất mát nên thật dễ hiểu khi cô muốn an phận để không phải gánh thêm nỗi buồn nào nữa, cô muốn “đốt đi kí ức” và “sẽ sống như một bóng ma kí ức”, không vùng vẫy, không đấu tranh, chỉ hờ hững đi giữa cuộc đời. Bi kịch thuở ấu thơ với bom đạn chiến tranh, cái chết của mẹ và đứa em gái nhỏ; tiếp đó là người cha nuôi tự sát, rồi sự ra đi đột ngột của người chồng vì tai nạn; những nỗi đau khiến An Mi bị tổn thương sâu sắc. Trong cuộc kiếm tìm sự bình an cho tâm hồn, An Mi nhiều lúc cố tình bỏ quên trí nhớ. Cô cam chịu số phận nghiệt ngã bằng cách không đương đầu nữa mà dứt khoát quay đi: “Tôi sám hối, nhưng không xóa được tội lỗi, chỉ xóa đi trí nhớ của tôi về những ngày tháng trước khi tiếng súng của cha tôi nổ vang trong nhà thờ” [24, tr.95]. Và: “Sau khi mang hết những gì có thể sẽ nhắc nhở tôi rằng anh đã từng có mặt trên đời này, cương quyết giữ lấy lời hứa sắt đá rằng tôi sẽ quên anh” [24, tr.12]. Tuy nhiên, khi lựa chọn không đối mặt, cô nhanh chóng rơi vào một bi kịch khác - bi kịch cam chịu. Cô buông theo nỗi đau, đi tìm cái chết và sự huỷ diệt. Không gào thét, phá phách, thác loạn; sự cam chịu, chịu đựng đẩy cô tới một thái cực khác: mê sảng, trống rỗng, không còn

cảm giác, không còn trí nhớ, không còn trọng lượng, không còn lực hút nào. Không chỉ riêng An Mi - một người phụ nữ Việt xa xứ - sống chuỗi ngày cam chịu mà trong cuộc sống hiện đại tất cả mọi người đều phải cam chịu theo một phương cách nào đó.

Cha nuôi An Mi lựa chọn một cuộc sống ổn định nhưng đơn điệu và buồn chán. Ông yêu Bach và Bethoven nhưng không đủ can đảm theo đuổi tình yêu âm nhạc. Ông dựa vào thứ âm nhạc ê a của mình để kiếm cơm, đóng khung đời mình với những nốt nhạc vô cảm mỗi ngày chủ nhật. Ông chọn một người vợ đảm đang, chung thủy; đủ an toàn và dễ chịu để sống chung nhưng không biết buồn và không hiểu tình yêu. Đời ông vô vị: “Ông thứ âm nhạc không có âm thanh” [24, tr.96]. Bởi vậy, việc ông tự sát cũng xem như là nỗ lực cuối cùng để ông kết thúc tấn bi kịch cam chịu của cuộc đời mình.

Không giống cha nuôi An Mi, người đàn ông đi toa hạng nhất cùng cô lại không có đủ can đảm để chấm dứt cuộc sống đầy đủ nhưng cô đơn, giàu có nhưng bất hạnh của mình: “Ông không đủ thông tin về nơi đến, nên không bắt đầu chuyến đi. Dù chán đời, ông ta đâu bao giờ muốn chết, ông chỉ nghĩ đến một chọn lựa nữa thêm vào những chọn lựa ông có trên đời” [24, tr.20]. Đời sống an toàn và nhàm chán hết ông thui chột hết dũng khí. Ông đành chấp nhận bi kịch cam chịu để sống một cuộc sống bình yên. Những người như ông thường tự nhủ như một lời an ủi chính mình rằng “giữa lưng chừng bổn phận và sự lệ thuộc có một sự thuần phục dịu dàng rất giống như tình yêu” [24, tr.100].

Nhiều nhân vật nữa cũng sống kiếp đời cam chịu. Họ không tìm kiếm giá trị nữa, hoặc họ đã thất bại trong tìm kiếm. Nên họ đành chấp nhận những điều tương tự như thế, dựa vào đó để tồn tại qua chuỗi ngày lặng lẽ. Đó là cha mẹ nuôi An Mi, chấp nhận sống cùng nhau nhưng chẳng hiểu nhau. Đó là Sophie, dùng thứ mùi hương ngọt ngào trong căn phòng để lừa dối mọi người và trốn tránh cuộc đời thật. Đó là Michael khước từ sự thật để tìm một cuộc

sống an phận cùng Sophie. Đó là An Mi, luôn nghĩ mình là một ai đó khác,

một người mình - muốn - là thay cho một người mình - thực - sự - là: “trong

câu chuyện của Anita, tôi tưởng tôi là Marcus bị bỏ rơi. Bây giờ tôi mới chợt hiểu ra mình là Michael đã chọn lấy sự mất trí nhớ để đổi lấy sự ấm êm trong căn nhà của Sophie” [24, tr.182]. Về bản chất, họ như nhau. Họ nương nhờ cuộc sống êm dịu và buồn tẻ. Họ tự bao bọc mình trong thế giới không có khổ đau và sự hận thù, nhưng cũng trống rỗng tình yêu.

Bi kịch cam chịu đã ám ảnh tất cả mọi lớp người trong xã hội hiện đại. Khi con người tưởng đã trở thành chủ nhân của cuộc sống với đầy đủ tiện nghi phục vụ mình, họ không ngờ mình đang bị cuộc sống công nghiệp đó điều khiển lại. Họ sống một cuộc sống bình lặng, yên ổn nhưng giả tạo và quá ư cứng nhắc. Đó là bi kịch thời hậu hiện đại mà nạn nhân của nó là lớp người sống sau thế chiến như gia đình ông Kempf, cha nuôi của An Mi, người mẹ nuôi của An Mi, cô Sophie, gia đình hàng xóm ông Kempf… Cuộc sống với bao đổ vỡ không thỏa nguyện cho bất kì ai, khi đó con người rơi vào bi kịch, dường như họ chẳng tìm thấy cho mình một con đường giải thoát nào. Họ đành cam chịu và nhận phận…

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)