5. Bố cục đề tài
2.2. Bi kịch cô đơn
Văn học hiện đại và hậu hiện đại có nhiều thay đổi về tư duy nghệ thuật trong việc tiếp cận với hiện thực đời sống con người. Con người trong văn học hiện đại được quan niệm không còn đơn giản xuôi chiều, thay vào đó, nhà văn nhìn con người ở nhiều thang bậc giá trị, ở những tọa độ ứng xử khác nhau, ở nhiều chiều kích, chân thực và toàn diện hơn. Từ chỗ nhà văn cắt nghĩa các vấn đề cuộc sống liên quan đến con người theo hướng đa chiều mà cấu trúc thế giới nghệ thuật ở mọi thể loại văn học, từ đề tài, chủ đề phản ánh, kiểu thức kết cấu cho đến thế giới nhân vật, đã có những thay đổi sáng tạo, thử nghiệm mới mẻ, giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới bên trong đầy bí ẩn và phức tạp. Và kết quả là càng đi sâu càng lạnh, càng khám phá chính mình, người ta càng hoảng hốt trước một cõi giới bên trong mênh mông, trống trải, đơn côi.
Có thể nói, cô đơn là một trạng thái bi kịch, là nỗi đau tinh thần, là nỗi trăn trở của con người. Triết học hiện sinh thường nói rất nhiều về bi kịch cô đơn. Theo các nhà hiện sinh, con người là một cá thể duy nhất và đơn độc trong một thế giới vô nghĩa, đầy mâu thuẫn thù địch, nên phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình và được tự do định đoạt số phận của mình. Gánh nặng của việc phải trở thành người anh hùng của chính mình trong thời đại mất Chúa, đã tạo ra tâm lí lo âu và nỗi cô đơn hiện sinh.
Tắm trong bầu không khí rộng rãi của văn chương hải ngoại, Đoàn Minh Phượng có cơ hội tiếp nhận nguồn tri thức phong phú của triết học phương Tây. Dường như chị đã đến với hiện sinh, bởi các sáng tác của Đoàn Minh Phượng là một bản hợp âm của cuộc sống trong đó có sự đan xen giữa thực và
hư, sống và chết. Và khi tro bụi là câu chuyện nói về bi kịch cô đơn của cá
chống lại quá trình bào mòn các cảm xúc của con người trong xã hội hiện đại. Trên hành trình đi tìm bản thể nhọc nhằn, con người thường dễ rơi vào tâm
trạng cô đơn, khủng hoảng. Và khi tro bụi có thể gọi là chuyến hành trình của
An Mi – một con người cô đơn đi tìm cái chết để tìm ra bí ẩn của sự chấm dứt vĩnh viễn của con người trên cõi đời này. An Mi tìm mãi nhưng đến khi cận kề cái chết, cô không những không tìm ra bí ẩn của cái chết mà lại nhận ra niềm khát khao sống cháy bỏng ở mình. Và không chỉ An Mi, hầu như lượng nhân vật ít ỏi xuất hiện trong tiểu thuyết đều đắm chìm trong cõi riêng đầy cô đơn của họ, trong khi tất cả họ cùng mang một nỗi cô đơn lớn hơn – nỗi cô đơn của sự hiện sinh.
An Mi là hiện thân của bi kịch cô đơn. Cô gái một mình nơi xa xứ, dần mất tất cả người thương yêu: mẹ, em gái ở Việt Nam, bố nuôi, rồi người chồng cô yêu nhất. Đơn độc, lẻ loi đã dẫn cô đến quyết định đi tìm cái chết trên những chuyến tàu. An Mi cô đơn trước hết vì khác biệt. Chồng chết, cô không thể khóc trong đám tang. Tang chồng, cô tiễn đưa bằng chiếc áo trắng đối lập chói gắt với màu áo tang đen thông thường của nước Đức. Cô lang thang trên những chuyến tàu, không dừng lại ở đâu lâu đủ để tạo ra bất kì một sự gắn kết nào. Cô suýt ân ái với một người đàn ông xa lạ vì “tất cả chực vỡ ra” khi cô nhìn thấy anh ta có vóc dáng giống chồng mình. Cô cố chấp đi tìm sự thật trong câu chuyện của người trực đêm, ngay cả khi những người trong cuộc đều ngoảnh mặt chối từ sự thật mà cô trao cho họ. An Mi khác biệt, vì khác biệt nên cô đơn, kiểu như một bản sao nữ của nhân vật Meursault trong
Người xa lạ. An Mi cô đơn, còn bởi cô nhận ra cuộc đời mình trống rỗng và vô nghĩa khi mất đi cội nguồn. Quá khứ của cô là những trang trắng với hai dòng khô khốc: “Tôi là một đứa trẻ mồ côi... Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh” [24, tr.38, 39]. Khi cắt bỏ cội rễ quê hương thì An Mi cũng không thể bám rễ vào đâu được, không thể hòa nhập với cộng đồng. Phải đến
trước lúc chết, An Mi mới chợt hiểu ra điều ấy.
Không chỉ An Mi, mà hầu như các nhân vật khác trong tác phẩm đều mang trong mình bi kịch cô đơn, từ cha mẹ nuôi của An Mi, Anita, Marcus, Michael cho đến ông Kempf.
Anita là sự phân mảnh của nỗi buồn và nỗi cô đơn. Anita cô đơn, lạc loài ngay trên mảnh đất cô đang sống. Nơi miền đất lạ không phải quê hương, cảm giác lạc lõng càng tăng thêm gấp bội khi cô không được ai thấu hiểu. Người ta xem cô là người đàn bà xấu và xa lánh cô, như sau này An Mi hỏi ra thì: “Tất cả những người tôi gặp trong làng đều chống lại Anita, với họ, chị nghiện rượu và lang chạ” [24, tr.150]. Cô đơn từ khi là một cô gái đặt chân đến miền đất không thuộc về mình, không là quê hương cô, cô luôn “nhớ tới tiếng sóng âm thầm dưới đáy sông của dòng sông mênh mông nơi quê hương ở miền biển Đông, nhớ tới màu tím ngắt của bầu trời” [24, tr.136]. Trong nỗi cô đơn, cô chỉ biết chơi nhạc cùng cây hồ cầm vì không ai hiểu được nỗi buồn của cô: “nỗi buồn của tôi sẽ là vực thẳm để tiếng nhạc của tôi rơi vào đó” [24, tr.136], Khi nỗi cô đơn dâng cao hơn, cô muốn ra đi, cô muốn say trong cơn men để quên đi nỗi cô đơn, quên đi cuộc sống tẻ nhạt. Nỗi cô đơn đã khiến cô lạnh lẽo từ tận trong tim, đã khiến cô trở thành người không làm ấm được ngôi nhà, và tất nhiên, đẩy cô vào kết thúc đầy bi kịch.
Sự cô đơn của người mẹ dường như lây lan tạo nên một bi kịch cô đơn truyền kiếp ở những đứa con của chị. Michael sinh ra đã là một định mệnh của sự cô đơn. Đôi mắt anh đẹp nhưng chất chứa đựng sự lạc lõng vô chừng “Đôi mắt anh nghiêm nghị nhưng bất an, mịt mùng trong đó nỗi buồn của loài thú lạc” [24, tr.57]. Khi Sophia khước từ không chia sẻ cùng anh những nỗi đau về gia đình mà anh gánh chịu, Michael đã ra đi trên hành trình đấu tranh để sống và đi tìm sự thật cho mẹ và em ở một nơi xa lạ với một cái tên xa lạ và một công việc nhàm chán. Anh giấu tất cả nỗi đau vào bên trong và sống
một mình với nó, anh không dám chia sẻ những điều mình biết với một ai ngoài quyển sổ vô tri. Chính đôi mắt buồn mang nỗi cô đơn sâu thẳm của anh đã kéo An Mi vào cùng anh để đi tìm sự thật.
Trong sự ra đi của người mẹ, không phải một Michael ít nhiều đã trưởng thành mà người bất hạnh nhất là cậu bé Marcus. Trong đêm tối em đi tìm mẹ, em hoảng sợ chạy vào rừng và lưu lạc, lạc mất cuộc đời mình vào cõi cô đơn lạnh giá, nơi ấy không ai chạm vào được. Cũng như Michael, bi kịch cô đơn ấy khi em sinh ra đã mang định mệnh, biểu hiện qua đôi mắt lạc loài có lẽ di truyền từ người mẹ: “Đôi mắt của em đẹp, em thu hút tôi, có lẽ vì cái khoảng không buồn buồn của em, có lẽ vì em sống ở nơi lạnh và vắng” [153] Một đứa bé hết sức đáng thương, em bị lạc ra một không gian khác, một thời gian khác, cô lập và im lặng đáng sợ: “Em tự cô lập mình, sống một nơi gọi là mặt trăng, trên đó rất lạnh, rất trống, hoàn toàn vắng người” [24, tr.149].
Người cha nuôi của An Mi cũng như đang sống trong cõi riêng của mình, không muốn tiếp xúc với một ai, “không có lời nào cho những chuyện đã qua” [24, tr.92]. Người cha dành tình yêu cho đứa con nuôi, tình yêu được giấu như nỗi cô đơn riêng ông, điều đó khiến ông mang một nỗi cô đơn ghê sợ: “ông là một người cô đơn ghê gớm. Ông ẩn náu trong nỗi cô đơn mịt mùng” [24, tr.96]. Hay ông Kempf, cũng như người cha nuôi của An Mi, sống trong một gia đình mà không có tình yêu giữa vợ chồng. Chính nỗi cô đơn của những con người sống cùng trong một gia đình mà không có tình yêu đã dẫn đến bi kịch. Người vợ và những đứa con lần lượt ra đi để lại ông trong căn nhà lạnh lẽo, sống cùng với bệnh tật để rồi khi nằm trong bệnh viện với nỗi cô đơn không người thân.
Mối dây liên kết những con người cô đơn trong tiểu thuyết tưởng đã xuất hiện phá vỡ sự cô đơn khi toàn bộ tấn bi kịch của gia đình Micheal đột ngột chen lấn vào cuộc đời An Mi - thông qua những dòng ghi chép trong cuốn sổ
tay. Nó đẩy An Mi đi tìm sự thật, kéo An Mi về gần phía con người và sự sống. An Mi gặp và nói chuyện với những nhân vật trong câu chuyện. Cô được nghe cùng một câu chuyện qua lời kể của ba nhân vật. Có những tình tiết do họ tưởng tượng ra để nhốt mình vào đó, không chủ đích làm sáng tỏ sự kiện mà làm sáng tỏ những trạng thái cảm xúc, cái trực cảm mà họ đón nhận. Nhưng rốt cuộc, sau tất cả, họ vẫn không gắn kết được lại với nhau. Anita đã chết. Michael quay lưng. Marcus chối từ sự giúp đỡ. Ông Kempf bất động. An Mi bơ vơ với cái sự thật cô chẳng còn biết phải trao cho ai nữa. Các nhân vật vẫn chỉ là những con người cô đơn đến tột cùng.
Tác phẩm gây ám ảnh bởi nỗi cô đơn của con người trong xã hội đương
đại. Các nhân vật trong Và khi tro bụi dù có dấn thân hay có cuộc sống yên ổn
cũng đều rơi vào bi kịch cô đơn. Con người cô đơn, lạc lõng như là hiện thân của sự đơn độc tột cùng trong thế giới biệt lập. Cách nhìn con người của nhà văn có phần già dặn, triết lý, gửi gắm ước ao tìm kiếm những giá trị nhân sinh tiềm ẩn trong tâm hồn con người và trong dòng chảy vô biên của cuộc đời.