Thông qua ngôi kể

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 48 - 51)

5. Bố cục đề tài

3.1.2. Thông qua ngôi kể

Để đi sâu vào trạng thái tâm lý phức tạp của con người trên hành trình sống, trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, Đoàn Minh Phượng đã chọn cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất, xây dựng người kể chuyện đóng vai là một nhân

vật với điểm nhìn bên trong để kể lại tất cả những trải nghiệm, riêng tư, cô đơn, cam chịu, thù hận… Đây là cái mà Nguyễn Thanh Tú gọi là “bi kịch hoá nhân vật người kể chuyện” trong hình thức trần thuật ở ngôi thứ nhất. Với hình thức kể chuyện này, cùng kết cấu truyện lồng truyện, đã tạo ra nhiều nhiều cái tôi cùng kể chuyện trong tiểu thuyết. Những tấn bi kịch được mở ra, từ bi kịch của một người phụ nữ xa xứ cô đơn lạc lõng cam chịu trước nỗi đau để rồi đánh mất mình trên hành trình tìm đến cái chết, cho đến bi kịch của các nhân vật khác như Micheal, Marcus, Anita… Tất cả hiện lên qua từng lớp truyện đan xen.

Câu chuyện đầu tiên mở ra là câu chuyện của An Mi được chính cô xưng “tôi” kể lại. An Mi với tâm trạng tha hương, lạc loài đi tìm cái chết để bừng ngộ về lẽ sống. An Mi luôn mang theo nỗi đau thăm thẳm cùng với những giằng xé trên hành trình tìm cội nguồn của chính mình. Trần thuật với nhân vật “tôi” không còn xa lạ với tiểu thuyết hiện nay. Nhưng điều làm rõ tính bi kịch trong tác phẩm là sự trùng khít giữa người kể chuyện xưng “Tôi” với nhân vật. “Tôi” không còn người kể chuyện mà còn là người trải nghiệm, phơi bày hết những điều thầm kín trong tâm hồn. An Mi kể về cuộc đời mình sớm đã mang bi kịch, từ khi còn là một đứa trẻ bị đứt rời cội nguồn, gia đình vì bom đạn chiến tranh. Suốt 25 năm trên hành trình sống ở nước người, An Mi sống cuộc đời buồn chán, cô đơn, mất phương hướng… Trôi theo lời kể của nhân vật “Tôi”- người kể chuyện kể lại từng biến cố, bi kịch diễn ra trong cuộc đời mình. Từ việc sống trong trại mồ côi, người cha nuôi tự tử, chồng mất, tìm đến cái chết, gặp câu chuyện của gia đình Michael Kempf. Vì câu chuyện được kể theo điểm nhìn của nhân vật “Tôi” nên còn mang tính chủ quan, trật tự tuyến tính câu chuyện không còn mà thay vào đó là câu chuyện được kể theo mạch cảm xúc để phát triển. Nên lần lượt những mảnh vỡ về kí ức của nhân vật hiện lên trong dòng tâm tư đứt đoạn, tất cả như nhốm màu sắc

của tâm trạng hay chịu ảnh hưởng tâm lý của người kể chuyện.

Tưởng chừng câu chuyện chỉ dừng lại với một bậc trần thuật ở ngôi thứ nhất, một nhân vật tôi - An Mi - kể về chuyến hành trình tìm chết của mình. Thế nhưng với cuộc gặp gỡ bất ngờ của An Mi và người trực đêm Micheal, với việc cô tiếp nhận quyển sổ chứa đầy kí ức của anh, lần lượt, nhiều cái tôi khác đã xuất hiện và cùng kể chuyện, tạo nên kết cấu truyện trong truyện trong tác phẩm. Đi cùng với cốt truyện chính An Mi kể về mình là tuyến truyện thứ hai, câu chuyện về gia đình Michael Kempf do chính anh xưng tôi kể lại. Anh kể về bi kịch gia đình mình với cái chết của mẹ, em trai mất tích, lòng thù hận với người bố đã giết mẹ. Và nằm trong tuyến truyện thứ hai còn có tuyến truyện thứ ba với những dòng tự thuật của Anita về cuộc đời đầy bất hạnh của cô, một người phụ nữ Do Thái lưu lạc ở Đức, có chồng và hai con trai nhưng vẫn luôn thấy cô đơn cùng cây đàn.

Cả ba mạch truyện đều được kể theo ngôi thứ nhất. Và có thể thấy giữa

các cái tôi trong Và khi tro bụi ngoài sự đồng điệu về số phận và tâm hồn là

sự đồng dạng của bi kịch, dù họ sống trong những tình cảnh khác nhau. Ta tìm thấy một phần An Mi trong Anita, trong Michael. Sử dụng ngôi kể thứ nhất với nhiều cái tôi kể chuyện đồng dạng, tác phẩm tạo nên tính đa dạng ngôi kể và cũng để cho người đọc thấy được tấn bi kịch cuộc đời của con người hiện đại cứ như một vết loang trên mặt nước, càng loang càng rộng, càng lan càng xa không chừa bất cứ một ai.

Theo TS. Trần Thanh Tú, bằng việc bi kịch hóa nhân vật trần thuật, tác phẩm có khả năng tạo ra hai hiệu quả: tạo ra ảo giác ở độc giả về tính khách quan của nội dung câu chuyện và thể hiện đậm nét dấu ấn chủ quan của người kể chuyện. Quả thực, trần thuật ở ngôi thứ nhất trước hết sẽ tăng thêm độ tin cậy cho độc giả về câu chuyện cuộc đời của nhân vật. Ta thấy người kể chuyện theo từng bước chân của nhân vật An Mi từ khi lên tàu thực hiện cuộc

phiêu lưu khắp châu Âu và sau đó là đi tìm bí ẩn câu chuyện người gác đêm. Từ vị trí trung tâm, An Mi lùi khỏi câu chuyện, trở thành chứng nhân để theo dõi một bi kịch khác - bi kịch của gia đình Kempt. Nhờ nhân chứng An Mi, câu chuyện gia đình Kempt được soi chiếu từ nhiều điểm nhìn và tăng thêm tính khách quan.

Nhưng đồng thời, An Mi là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất với những cảm nhận, suy tư mang tính chủ quan. An Mi tự kể về thân phận của mình với giọng điệu triết lí của con người từng trải nghiệm. An Mi thường tự vấn về cái chết, muốn nhận thức về bản thân, về cái chết để cái chết đó có ý nghĩa. Cô trăn trở: “Cái chết vẫn là một sự tắt ngấm tuyệt đối. Cái chết dù của ai nó cũng có ý nghĩa như nhau, nghĩa là không có ý nghĩa”. [24, tr.43]. Cách giải quyết vấn đề của nhà văn và nhân vật đến cuối tác phẩm cũng mang đậm tính chủ quan.

Chọn điểm nhìn bên trong với ngôi kể thứ nhất, cùng với việc tạo ra nhiều cái tôi kể chuyện, có thể nói, Đoàn Minh Phượng đã đi sâu hơn trong việc khám phá những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của nhân vật. Ranh giới giữa nhà văn và nhân vật bị xóa nhòa, chỉ còn một cái tôi với nhiều nỗi niềm trăn trở, với hành trình đi tìm lại bản thân và chiêm nghiệm cuộc đời từ bài học của những câu chuyện khác.

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 48 - 51)