Thông qua hoàn cảnh

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 46 - 48)

5. Bố cục đề tài

3.1.1. Thông qua hoàn cảnh

Tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện, là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác; giữa hoàn cảnh và môi trường sống với nhân vật. Qua đó nhân vật bộc lộ tình cảm,

tính cách hay thân phận và góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả.

Và khi tro bụi đã tạo dựng nên một hoàn cảnh đầy bi kịch làm phông nền cho nhân vật người kể chuyện xưng tôi - An Mi - xuất hiện. Đó là bi kịch của một người vợ có người chồng chết bất ngờ vì tai nạn giao thông. Phải chịu một cú sốc lớn trước sự ra đi đột ngột của người chồng, An Mi đã quyết định đi tìm cái chết bằng cách rời bỏ ngôi nhà đang sống, lang thang vô định trên những chuyến tàu đi khắp nước Đức, và sau ba tháng, cô sẽ uống thuốc ngủ chấm dứt cuộc đời vô nghĩa của mình. Những tình huống này không còn mới lạ, bởi trong xã hội này, luôn hàm chứa đâu đó những bất ngờ của sự đổ vỡ khiến con người khó có thể vượt qua. Trong Và khi tro bụi, người phụ nữ đứng trước hoàn cảnh đau thương, mất mát đã bằng lòng để nỗi đau quyết định số phận, cuộc sống của mình. Trước đó nữa, hoàn cảnh chiến tranh của xứ sở quê nhà đã buộc An Mi phải đến một nơi xa lạ sống cuộc đời cô đơn. Hoàn cảnh đó như lời dự báo cho số phận bi kịch của An Mi sau này.

Không chỉ An Mi mà trong Và khi tro bụi, hầu như các nhân vật đều được đặt trong những hoàn cảnh khơi gợi lòng cảm thương, xót xa đối với người đọc. Hoàn cảnh gia đình nhà Michael Kempf khá tiêu biểu cho hoàn cảnh của những gia đình thời hiện đại. Ngày nay không khó để có thể đọc được những tin về chồng giết vợ, con giết cha hay tận mắt chứng kiến anh em lạc mất nhau vì gia đình tan vỡ. Hay vợ bỏ nhà ra đi, chồng lâm bệnh nặng, người anh bỏ nhà ra đi và đứa em nhỏ không ai chăm sóc phải vào trại vào trại mồ côi. Hai hoàn cảnh bi kịch, của An Mi và của gia đình nhà Kempf, đan cài vào nhau trong tiểu thuyết khi người kể chuyện xưng “tôi” - tức An Mi - trong hành trình trên chuyến xe lửa đi tìm cái chết thì ngẫu nhiên được đọc những dòng nhật ký trong một quyển sổ ghi chép của một chàng trai trực đêm ở khách sạn. Lại là một cái chết oan uổng khác: một người chồng giết vợ, đứa con 5 tuổi nhìn thấy, sợ quá mà bỏ trốn vào rừng. Người anh Michael lớn lên

cùng một ý chí mãnh liệt tìm em Marcus và trả thù cho mẹ Anita. Sự ngẫu nhiên của số phận đã kết nối An Mi và gia đình Kempf, tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa họ và dẫn đến một tình huống nữa đầy kịch tính: tình huống nhà thám tử truy tìm sự thật về một cái chết bí ẩn.

Câu chuyện bắt đầu hấp dẫn dần lên bởi cái chất trinh thám trong cốt truyện. Tiểu thuyết có kết cấu truyện lồng trong truyện với năm sáu lớp truyện mà “Tôi” vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật cứ bước hết từ lớp truyện này sang lớp truyện khác cho đến khi câu chuyện về gia đình Michael được làm sáng tỏ. Câu chuyện kết thúc tạo ra sự bất ngờ cho nhân vật và người đọc. Tính hấp dẫn của câu chuyện điều tra thể hiện ở những sự bất ngờ từ các nhân vật với các mối quan hệ mới, các lời phủ định hay tự thú. Chàng trai Michael phủ nhận nội dung nhật ký của chính mình. Ông bố Kempt tự thú đã giết vợ. Đứa em Marcus bị mất trí nhớ. Cô giáo Sophie có thể coi là một nhân chứng trong vụ án có những lời ngụy biện che giấu sự thật bằng cách phân tích tâm lý trẻ em rất có sức thuyết phục. Sophie là tình nhân của người cha Kempt rồi trở thành nhân tình của người con trai Michael. Rồi người chồng lần lượt rũ bỏ nhà cửa, những kỉ vật về người vợ ra đi không thương tiếc. Đó đều là những hành động tiêu cực và trong tình huống này, làm tăng cường tính bi kịch cho câu chuyện, lôi cuốn sự chú ý dõi theo những sự kiện tiếp theo.

Sự sắp xếp của Đoàn Minh Phượng, tạo ra các tình huống bi kịch giả định như thế để bắt đầu và phát triển câu chuyện, đã cho thấy một màu sắc của cái Bi bao phủ xuyên suốt nội dung tác phẩm.

Một phần của tài liệu Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng. (Trang 46 - 48)