Trong phần lựa chọn chỉ có một phương án đúng gọi là đáp án, ba phương án còn lại đều sai gọi là phương án nhiễu. Một câu hỏi TNKQ NLC có chất lượng tốt cần được hiểu là ngoài đáp án thì các phương án nhiễu phải phản ánh được các phương pháp tư duy khác nhau của HS nhưng chưa dẫn đến kết quả đúng vì thiếu chính xác. Từđó suy ra một câu hỏi có chất lượng kém là câu hỏi có các phương án nhiễu không có mối quan hệ gì với phương án đúng, dẫn đến không phản ánh được các sai lầm của HS. Một câu hỏi TNKQ có các phương án nhiễu hấp dẫn sẽ làm tăng sự hứng thú, kích thích sự tìm tòi khám phá, phát triển năng lực tư duy của HS. Vì vậy khi biên soạn câu hỏi TNKQ NLC cần ý thức được vai trò và tầm quan trọng của các phương án nhiễu. Dưới đây chúng tôi đề xuất một số kĩ thuật soạn thảo các phương án nhiễu như sau:
- Trong khi giải toán địa lí, những sai sót mà HS có thể mắc phải rất đa dạng, nhưng trong đó có những lỗi sai thuộc loại có hệ thống, tức là những lỗi sai mà nhiều HS thường mắc phải, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, GV có thể dễ dàng dự đoán trước được các phương án nhiễu nhằm vào những lỗi này. Ví dụ: lỗi sai phổ biến nhất là HS thường không để ý đến đơn vị của các đại lượng địa lí hoặc có để ý đến đơn vị nhưng khi đổi đơn vị thì bị sai.
- Một đại lượng địa lí có quan hệ với nhiều đại lượng địa lí khác nhau. Vì vậy nếu học không kĩ hoặc không để ý đến thứ nguyên của các đại lượng HS có thể chọn nhầm công thức. Do đó khi giải bài tập dù biến đổi toán học đúng thì vẫn dẫn đến kết quả sai. Các phương án nhiễu có thể nhằm vào lỗi này.
- Sử dụng các đáp số sai bắt nguồn từ cách biến đổi, suy luận toán học sai để làm phương án nhiễu: ở mỗi bậc học, yêu cầu cần có trình độ toán học cơ bản để
có thể giải quyết các vấn đề của địa lí học luôn được quan tâm. Một HS không thể học tốt môn địa lí nếu học yếu môn toán học. Vì vậy có thể sử dụng các lỗi sai cơ bản mà HS thường mắc phải khi biến đổi toán học để soạn thảo các phương án nhiễu. Ví dụ: với công thức chứa căn bặc hai, HS thường quên không khai căn thức
hoặc bình phương hai vế (khi đại lượng cần tìm nằm trong căn thức); HS thường nhầm lẫn giữa mối quan hệ về tỉ lệ thuận với hàm bậc nhất; nhầm lẫn khi suy luận từ công thức toán học sang dạng đồ thị tương ứng; không hiểu chính xác về mối quan hệ phần trăm giữa các đại lượng; lẫn lộn giữa giá trị lớn nhất với giá trị cực đại, giá trị nhỏ nhất với giá trị cực tiểu...
- Có thể xây dựng các phương án nhiễu dựa trên việc định nghĩa quá rộng hoặc quá hẹp của khái niệm.
- Có thể xây dựng các phương án nhiễu dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa các đại lượng địa lí: Khi xây dựng các khái niệm, định luật địa lí... thường có các biểu thức toán học biểu thị mối quan hệđịnh lượng giữa các đại lượng địa lí và từ các biểu thức này có thể biến đổi thành các biểu thức khác. Tuy nhiên quan hệ nhân quả giữa các đại lượng chỉ thể hiện ở biểu thức gốc, không có ở các biểu thức hệ quả.
- Dùng những khái niệm, sự vật, hiện tượng, tính chất có nét tương đồng thường gây nhầm lẫn cho HS, tạo cảm giác gần đúng hoặc khó phân biệt để làm phương án nhiễu.
Có thể nói các phương án nhiễu bắt nguồn từ các quan niệm sai lầm và các sai lầm mà HS thường mắc phải là các phương án nhiễu hấp dẫn HS nhất. Để có các phương án này người biên soạn cần có kiến thức sâu sắc vềđịa lí học, có kinh nghiệm dạy học và đặc biệt cần có những trao đổi trong cộng đồng các giáo viên địa lí.