4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.2.1 Phát triển kinh tế, thực hiện định canh-định cư bền vững
Những năm qua các chương trình 135, 143, định canh - định cư, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn,.... đã đầu tư xây dựng đường giao thông, đập thuỷ lợi, khai hoang ruộng nước, điện, nước sinh hoạt, làm nhà cho dân, lớp học tại bản... Đó là những yếu tố phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống. Đối với đồng bào Mã Liềng ở hai bản Rào Tre (Hương Liên) và Giàng II (Hương Vĩnh) các yếu tố phục vụ sản xuất đã tương đối cơ bản. Vấn đề đặt ra là khai
thác có hiệu quả các yếu tố đó để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế tự nhiên săn bắt, hái lượm là chính sang kinh tế tự cung, tự cấp tiến tới kinh tế hàng hoá sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Cụ thể, cần thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau đây :
* Đảm bảo nhu cầu về ăn (an toàn lương thực): An toàn lương thực cần được hiểu theo nghĩa rộng đó là đảm bảo cho người dân nhu cầu ăn (lương thực, thực phẩm nói chung bao gồm cả những lương thực, thực phẩm truyền thống của họ như các loại rau, củ...). Để thực hiện điều này cần phải :
- Quy hoạch hệ thống canh tác đa canh thích hợp cho từng hộ gia đình. Đồng thời với việc khai hoang mở rộng diện tích lúa nước là chia lại số diện tích đã có giao cho từng hộ theo nguyên tắc các hộ phải có ruộng tốt - ruộng xấu, ruộng gần - ruộng xa, ruộng cao - ruộng thấp. Đưa cây lúa nước trở thành cây trồng chính. Tăng cường kỷ thuật thâm canh với việc lựa chọn giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt phù hợp điều kiện tự nhiên.
- Phát huy truyền thống hợp lý của nông nghiệp nương rẫy (đa canh, xen canh, gối vụ), giảm dần tiến tới xoá bỏ nương rẫy du canh chuyển sang vườn rừng, vườn đồi. Trồng các loại cây bản địa như: Khoai, mỳ, môn, chuối, các loại rau, đu đủ... Lựa chọn kỷ thuật hợp lý để giảm mức độ xói mòn cho cây, tăng độ màu cho đất.
- Quy hoạch vườn hộ quanh nhà (ngô, khoai, các loại rau, cây ăn quả). - Cung cấp giống cây, giống con, sức kéo, vật tư phân bón, dụng cụ sản xuất,... và lương thực trong thời điểm giáp hạt hoặc thời điểm thời vụ gieo trồng để dân bản có cái ăn, tham gia sản xuất.
* Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
- Tổ chức quỹ chăn nuôi theo mô hình bản (Quỹ do dân bản đóng góp hoặc huy động vốn từ bên ngoài: Đầu tư của Nhà nước, của cán bộ khuyến
nông, khuyến lâm). Việc quản lý vốn do những người tham gia chăn nuôi. - Hướng dẫn các kỷ thuật chăn nuôi trâu bò, lợn, gà. Vùng này thích hợp cho phát triển trâu bò (quy định bãi chăn thả súc vật, hướng dẫn và tổ chức phòng chữa bệnh cho gia súc...)
- Hướng dẫn các thông tin về thị trường (Giá có thể bán tại một số địa điểm như ở chợ huyện, chợ xã) và hạch toán kinh tế giản đơn.
* Sử dụng hợp lý và quản lý nguồn tài nguyên rừng
- Tăng thêm thu nhập thông qua việc chăm sóc bảo vệ rừng.
- Thành lập hội bảo vệ rừng thôn bản: Vấn đề chăm sóc và bảo vệ rừng nên tổ chức theo bản, sau khi họp cả bản, thống nhất về quy ước bảo vệ rừng, quy ước này bao gồm các điều cấm, các hình thức xử phạt nếu vi phạm, các quyền lợi trong việc thu lượm một số lâm sản trong rừng. Điều quan trọng là các quy ước này phải được các cơ quan có trách nhiệm thông qua và ủng hộ, nhất là khi xẩy ra các sự va chạm với người ngoài bản. Một trong những lý do giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng cho bản (không theo từng hộ) là người Mã Liềng có tính cộng đồng rất cao (Khi bắt được con thú trong rừng chia đều cho cả bản). Do vậy vấn đề này cần phải có kế hoạch tổ chức một cách chi tiết và tỷ mỷ, phải có sự phối hợp tốt của các cơ quan hữu quan của tỉnh, huyện và chính quyền xã.
- Khai thác các lợi thế của tự nhiên rừng phong phú (Mật ong, song, mây, măng rừng, thú rừng,...) vừa khai thác, vừa bảo vệ, vừa tận dụng, vừa gìn giữ các điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế. Nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài, khai thác rừng những vẫn nuôi rừng để rừng nuôi người.
Để thực thi có hiệu quả các biện pháp trên cần phải tăng cường đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án trên cùng một địa bàn. Huy động tổng hợp nguồn lực, không những nguồn vốn Nhà nước, địa phương, cộng đồng mà còn phải tranh thủ nguồn vốn nước ngoài (của các tổ chức phi Chính phủ...).
Song song với việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng là đầu tư trực tiếp cho hộ. Lấy hộ gia đình làm đơn vị để phát triển kinh tế, ổn định đời sống và cũng là đối tượng để đầu tư phát triển sản xuất. Xã chỉ là đơn vị cư trú và hành chính. Định canh - định cư hiện tại đang đầu tư theo từng dự án và lấy xã làm đơn vị xây dựng dự án, nhưng cần hết sức coi trọng đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Vì gia đình là đơn vị sản xuất kinh tế và là tế bào của xã hội.