4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1.3 Thực trạng vấn đề xã hội của đồng bào dân tộc vùng núi Hà Tĩnh
4.1.3.1 Hôn nhân và gia đình - Quan hệ hôn nhân
Người Mã Liềng lập gia đình sớm, con trai 16 tuổi, con gái 15 tuổi được bố mẹ cho tự do tìm bạn đời của mình. Trai gái khi tiến hành hôn nhân,
có một thời gian tự do tìm hiểu. Việc chọn người yêu được gắn liền với quan điểm thẩm mỹ bắt nguồn từ lao động. Họ cho rằng người con trai đẹp là người khoẻ mạnh, biết làm rẫy, đi săn giỏi. Người con gái đẹp biết đeo cái giỏ đi hái rau, bắt ốc.
Quan hệ hôn nhân hiện nay phổ biến là hôn nhân nội tộc, rất hiếm thấy hôn nhân ngoại tộc (chỉ có một trường hợp). Tuy vậy, ở người Mã Liềng không chấp nhận hôn nhân giữa những người cùng huyết thống (cùng khâu Cu muých trong), con cháu của những thành viên thuộc Cu muých ngoài mới được quan hệ hôn nhân với nhau. Quan niệm về những người thân thuộc và việc ngăn cấm hôn nhân cũng như đối tượng kết hôn không phân biệt là phía cha hay phía mẹ mà chỉ tính sự gần gũi về thế hệ. Sự thân thiết buộc phải ngăn cấm hôn nhân chỉ ở hai đời: Anh chị em ruột và các con trai con gái của những người ruột thịt. Từ thế hệ thứ 3, nhất là thế hệ thứ 4, nghĩa là các cháu chắt hoàn toàn có thể kết hôn với nhau.
Hôn nhân của người Mã Liềng là hôn nhân một vợ một chồng đã bền vững, ít thấy có sự bất hoà. Vợ chồng chung thuỷ thương yêu nhau không có chuyện ngoại tình xẩy ra. Quá trình hôn nhân ít nhiều chịu ảnh hưởng của người Kinh thể hiện ở các bước trong hôn nhân, thể hiện vai trò phụ quyền đậm nét, tuy nhiên vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố cổ. Trong quá trình hôn nhân, vai trò của ông cậu là việc thách cưới, chế độ ở rể khi chưa đủ sính lễ đang được coi trọng. Do sống giữa vùng núi rừng cách biệt, do điều kiện kinh tế - văn hoá lạc hậu, thanh niên Mã Liềng chỉ kết hôn với nhau trong nội bộ bản hoặc người đồng tộc ở Quảng Bình hoặc ở Lào, dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang có xu hướng gia tăng. Đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng giải pháp bảo tồn và phát triển tộc người này.
- Gia đình
còn mang tính truyền thống đậm nét. Nó đã và đang thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống, có tác động đến sự phát triển và ý thức tộc người. Gia đình Mã Liềng là gia đình nhỏ phụ hệ. Hình thức gia đình nhỏ phổ biến là gia đình có hai thế hệ sinh sống: cha mẹ và con cái. Con trai khi đã lấy vợ thường ra ở riêng. Trong gia đình không thấy thế hệ thứ ba là ông bà. Ông bà già Mã Liềng thường thích ở riêng hoặc ăn riêng. Chỉ khi nào không còn khả năng lao động nữa họ mới ở chung cùng con cái và thường ở với người con trai cả. Trong nhà người cha nắm quyền quyết định mọi công việc. Ông là người chủ gia đình, là lao động chính trực tiếp điều hành công việc sản xuất, làm ăn cũng như chủ trì trong các nghi lễ như ma chay, cúng bái, cưới hỏi... Tuy vậy, sự phân biệt địa vị trong gia đình chưa đến mức sâu sắc. Bà vợ chủ nhà là người chịu trách nhiệm chính trong việc nội trợ và cùng với ông dạy dỗ con cái cho đến lúc trưởng thành.
Gia đình Mã Liềng là một đơn vị kinh tế độc lập. Bất cứ gia đình nào cũng có tài sản riêng của mình. Những tài sản này bao gồm: Tài sản cá nhân và tài sản gia đình. Tài sản cá nhân là những trang phục, y phục,.... của riêng từng người. Tài sản gia đình là nhà cửa, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, gia súc, gia cầm... và ruộng, nương. Diện tích nương rẫy rộng hay hẹp, nhiều hay ít là do khả năng khai phá của từng gia đình quyết định. Nếu gia đình đông người, khoẻ mạnh.... thì diện tích rẫy của gia đình đó lớn; gia đình ít người neo đơn... thì diện tích rẫy sẽ hạn hẹp. Đối với người Mã Liềng ở bản Rào Tre diện tích ruộng nước đã được chính quyền địa phương chia cho từng gia đình trên cơ sở số lượng nhân khẩu, lao động và khả năng sản xuất của từng hộ. Dù sao thì ruộng, rẫy cũng là tài sản riêng của từng gia đình, do các gia đình quản lý và sử dụng, họ cũng có quyền chuyển nhượng, cầm cố,... Tuy nhiên tính tư hữu về ruộng, nương của người Mã Liềng còn rất thấp.
Trong gia đình của người Mã Liềng mọi người từ già đến trẻ đều có những đóng góp nhất định vào quá trình làm nên củ sắn, hạt cơm. Người già có công việc của người già, người mạnh khoẻ có công việc của người mạnh khoẻ. Trẻ con có công việc của trẻ con,... Ở người Mã Liềng sự phân công lao động theo giới tính và theo tuổi tác là sự phân công bao trùm. Những công việc nặng nhọc như phát cây, khiêng gỗ, làm nhà.... là những công việc của đàn ông. Người phụ nữ và trẻ em thường chỉ làm những công việc phù hợp như bắt ốc, hái lượm, nấu ăn,...
Mặc dù quy mô gia đình không lớn 4,3 con/gia đình nhưng gia đình vẫn là đơn vị kinh tế cơ bản, con người là sức lao động, đồng thời cũng là của cải mọi hoạt động sản xuất của từng gia đình đều dựa vào sức cơ bắp và sự cần cù của con người. Cho nên nhu cầu muốn có nhiều nhân lực vào hoạt động sản xuất của gia đình đã góp phần hạ thấp tuổi kết hôn và làm tăng tỷ lệ sinh đẻ trong các gia đình. Ngoài ra truyền thống văn hoá, đặc điểm tâm lý xã hội ở một chừng mực nhất định còn chi phối quan niệm số con trong một gia đình. Người Mã Liềng thường đề cao những gia đình đông con, thường lưu truyền quan niệm cho rằng hạnh phúc của người phụ nữ được thể hiện qua khả năng sinh nở. Điều bất hạnh đối với mỗi cặp vợ chồng là không có con. Ngoài mong muốn có đông con nhiều cháu, nhất thiết phải có con trai.
Ngoài việc tái sản xuất ra dân số (sinh đẻ), gia đình Mã Liềng còn có chức năng quan trọng hơn là tái sản xuất ra văn hoá tộc người. Gia đình duy trì và trao truyền các truyền thống văn hoá tộc người thông qua quá trình xã hội hoá cá nhân, hình thành nhân cách các thành viên trẻ từ nhiều bình diện. Như chúng ta đã biết sự phân công lao động theo giới tính và theo tuổi tác đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào và để lại những dấu ấn khó phai mờ. Những ngày còn nằm trên lưng mẹ, theo bố mẹ lên rẫy vào rừng, đứa trẻ đã được mẹ hát cho nghe những bài hát về núi rừng, tình yêu... Khi đứa trẻ biết đi, có khả năng nhận biết các ông bố, bà mẹ bày vẽ cho chúng những hiểu biết
đầu tiên về cỏ cây, muông thú,... Họ cũng làm cho con cái những đồ chơi, tập cho con cái những công việc theo giới tính và tuổi tác. Ví như đối với con trai thì họ làm cho cái nỏ.... để quen dần với việc săn bắn. Đối với con gái họ sớm trang bị cho những cái giỏ và tập cho chúng quen dần với công việc hái rau, bắt cá,... Theo cùng thời gian bọn trẻ đã tiếp thu và tích luỹ được những kiến thức về cuộc sống, về thế giới xung quanh, về quan hệ giữa con người và con người. Cùng với sự phát triển về thể lực các em đã dần dần thành thạo với công việc hàng ngày. Đến tuổi trưởng thành chúng đã nhập vào nhịp điệu lao động chung của toàn thể gia đình, của cộng đồng,... Gia đình là trường học đầu tiên và tốt nhất về lao động của các em. Gia đình giáo dục cho các em về ý thức lao động, về cách thức tiến hành công việc, những kinh nghiệm trong săn bắn, hái lượm,.... Gia đình giúp các em biết được cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc dù còn rất đơn sơ, quen dần với cách chữa bệnh thông thường, quen dần với cách ăn mặc, trang sức hiểu thêm về dòng họ, về tộc người của mình,... nhờ những chỉ dạy của ông, bà cha mẹ. Những câu chuyện cổ, những bài hát ru, các dàn điệu dân ca,... là những gì hết sức quý giá và bổ ích cho con người, các thế hệ đã lớn lên, nối tiếp nhau giữ được cái riêng văn hoá tộc người chính là nhờ vào chiếc nôi đầu tiên đó: gia đình.
Tóm lại, gia đình Mã Liềng là gia đình nhỏ phụ quyền. Tuy có sự phân biệt vị trí giữa đàn ông và đàn bà, giữa con trai và con gái, nhưng mối quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ - con cái là mối quan hệ tôn trọng, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Mọi thành viên đều gắn bó với nhau trong một mái ấm gia đình. Chính mối quan hệ tốt đẹp đó, đã làm cho gia đình người Mã Liềng, tuy sống nghèo đói, thiếu thốn về mọi mặt những vẫn hoà thuận, êm ấm.
4.1.3.2 Quan hệ dòng họ
Dòng họ của người Mã Liềng là một cộng đồng người thân tộc gồm nhiều gia đình riêng lẻ, có quan hệ huyết thống với nhau hợp thành. Người cùng một dòng họ (Người Mã Liềng gọi là khâu Cu muých - cùng ma) không
chỉ có quan hệ huyết tộc (một ông tổ) để nhận biết nhau trong hôn nhân, trong hệ thống thân tộc, mà còn có quan hệ giúp đỡ, tương trợ nhau về mặt kinh tế.
Người Mã Liềng vốn không có họ, họ Hồ là do ảnh hưởng của người Kinh. Đó là quá trình ảnh hưởng tự nhiên của các cư dân trong cùng một khu vực lịch sử dân tộc học. Người cùng một dòng họ, nhận biết nhau qua sự lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Mỗi dòng họ có một bàn thờ khâu Cu muých, đặt tại phòng ngủ của tộc trưởng (choọc trương). Bàn thờ họ rất đơn giản, đó là chiếc liếp tre hình vuông có cạnh dài khoảng 0,4 m, được treo trên buồng ngủ của tộc trưởng gần cột nhà chính - cột coloốc. Đó là nơi dâng lễ vật cho ma tổ tiên và cũng là nơi để ma tổ tiên trú ngụ. Xung quanh liếp người ta treo những ống đựng cung tên, bẫy đánh ong,... Ý muốn cung cấp dụng cụ lao động và sinh hoạt cho tổ tiên. Bàn thờ là nơi thiêng liêng, chỉ có tộc trưởng mới đến gần, còn đàn bà, con gái, người lạ không được đến đó [24].
Người đứng đầu dòng họ là tộc trưởng. Theo chế độ quyền thừa kế con trai trưởng thì người trưởng họ là người cao tuổi nhất, tức là anh cả của họ. Tộc trưởng có nhiệm vụ duy trì quan hệ thân tộc trong dòng họ, tổ chức cúng ma họ. Đối với họ hàng ông là người mẫu mực, luôn quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của con cháu. Đối với xã hội tộc trưởng là một người quan trọng, tiếng nói của ông là tiếng nói của họ hàng đối với láng giềng, xã hội và nhiều tộc trưởng giữ chức vụ Pứ Cavel. Mỗi thành viên trong họ có quan hệ tương ái hoà thuận, một nhà trong họ đói cả họ có nhiệm vụ giúp đỡ, để tổ tiên "khỏi buồn", "khỏi tức giận".
Người có quan hệ cùng khâu Cu muých trong xã hội người Mã Liềng được phân thành hai nhánh: Khâu Cu muých trong và khâu Cu muých ngoài. Cu muých trong là con cháu ba thế hệ của egô và chú bác e gô, còn con cháu ba thế hệ của o, cậu, dì của egô đều thuộc Cu muých ngoài. Như vậy dòng họ
của người Mã Liềng mang màu sắc chế độ phụ quyền đậm nét. Trong điều kiện sống quá khắc nghiệt, con người phải gắn bó với nhau mới sống được, thì dòng họ người Mã Liềng với ý nghĩa của nó càng có cơ sở để tồn tại.
Sức mạnh dòng họ của người Mã Liềng còn thể hiện rõ ở các tập tục ma chay, tín ngưỡng.... Mỗi một dòng họ của người Mã Liềng bao giờ cũng có khu nghĩa địa riêng. Đồng bào quy định ông, bà chết chôn ở trên cao, con cháu chết chôn chỗ thấp hơn,... Những trường hợp chết xấu (chết non, chết do cây đè....) không được chôn vào nghĩa địa này. Hàng năm các gia đình của dòng họ đều tập trung về nhà tộc trưởng để cúng bái tổ tiên, ông bà....
Như vậy, tổ chức dòng họ không giống như một cơ cấu hành chính, không chịu sự điều hành của các cấp chính quyền. Sự vận hành của dòng họ dựa vào luật tục, tình cảm, ý thức,... của các thành viên trong họ.
4.1.3.3 Quan hệ xã hội và tổ chức xã hội
a. Quan hệ xã hội
Cho đến nay, xã hội người Mã Liềng còn bị chi phối rất nặng nề bởi quan hệ huyết thống. Trong các Cavel (Bản) bên cạnh quan hệ láng giềng, các quan hệ dòng họ - những người cùng Cu muých (cùng ma) còn tồn tại rất đậm nét. Những người cùng ma thường xuyên giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong những tháng ngày giáp hạt đi lang thang trong rừng.
Trong xã hội người Mã Liềng, khái niệm người giàu (Kchau) và người nghèo (Plới) đã xuất hiện. Nhưng trên thực tế người giàu và người nghèo không có gì để phân biệt rõ ràng. Nhà giàu ở đây không phải do bóc lột sức lao động của các thành viên trong cộng đồng, mà do nhân lực trong gia đình nhiều, do tìm được đất đai tốt, do có công cụ lao động.... nên sản xuất được mỳ, được lúa... Cơ sở kinh tế của nhà giàu và nhà nghèo không phân biệt nhiều lắm. Vốn cách đó không lâu, có khi vụ mùa trước, nhà giàu này đang
còn nghèo đói, hoặc chỉ cần vụ mùa năm sau thất bát nhà giàu chuyển xuống địa vị nghèo khổ.
Nhà nghèo xét về mức độ tài sản trong gia đình thua kém nhà giàu chủ yếu là về công cụ lao động. Nhà nghèo thường thiếu rìu, rựa, không phát được nhiều rẫy hoặc làm rẫy chậm thời vụ (do phải mượn công cụ của nhà khác) dẫn đến mất mùa, thiếu đói triền miên. Nhưng chỉ cần năm sau mùa màng tươi tốt, được mùa họ lại trở thành "nhà giàu".
Với một nền kinh tế quá nghèo nàn, lạc hậu, xã hội người Mã Liềng không đủ sức để tồn tại một quan hệ bóc lột nào. Nhiều lúc cả nhà giàu, nhà nghèo phải bình đẳng, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau mới vượt qua được những hiểm nghèo của một điều kiện sống khắc nghiệt.
Như vậy, môi trường sống đã đoàn kết con người lại thành một khối. Tuy nhiên, ít nhiều đã xuất hiện tư tưởng cá nhân, quan hệ sở hữu, nhưng nhìn chung đồng bào đều có ý thức cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm rất cao.
b. Tổ chức xã hội
Tổ chức xã hội cơ sở của người Mã Liềng là Bản (Cavel). Bản, trước hết đó là không gian sinh tồn của cộng đồng dân cư mà ranh giới của nó đã được vạch định và được các cộng đồng Bản khác thừa nhận. Trong không gian sinh tồn đó có mảnh đất để lập Bản với những ngôi nhà được cất dựng theo những quy cách riêng, có đất đai canh tác gồm ruộng, rẫy, những khoảng rừng rú... nơi con người có thể săn bắn, hái lượm, có bãi tha ma, sông suối để đánh bắt cá... Tất cả những cái đó thuộc quyền sở hữu công cộng của cả Bản.
Số lượng cư dân trong mỗi bản có thể lớn nhỏ khác nhau nhưng đều thuộc về những gia đình có mối quan hệ huyết thống hay láng giềng. Các gia đình trong bản hợp thành một cộng đồng xã hội tự quản, vận hành xã hội theo các nguyên tắc của luật tục hay tập quán pháp, trong đó tính cộng đồng là nguyên tắc ứng xử và quan hệ xã hội nền tảng.
Bản còn là một cộng đồng về văn hoá, thể hiện trước nhất và rõ rệt nhất là những nghi lễ và tín ngưỡng.
Là tổ chức xã hội tự quản. Đứng đầu Cavel là Pứ cavel, tức là bố Cavel. Pứ Cavel được các thành viên trong Cavel bầu lên theo thể thức dân chủ