3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1.1 Điều kiện tự nhiên và những vấn đề về môi trương sinh thái
Vùng núi Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 417.519 ha và dân số 554.076 người [17], là vùng đất nằm tập trung ở phía Tây của tỉnh, có dãy Hoành Sơn giăng ngang ở phía Nam, núi Trường Sơn vây kín ở phía Tây, vùng đồi bán sơn địa khép lại ở phía Đông - Bắc. Vùng núi Hà Tĩnh có vị trí hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng. Nơi đây chứa đựng nhiều tiềm năng về kinh tế rừng, là nơi có nhiều núi cao, rừng rậm, thác nước nổi tiếng, nhiều đỉnh núi cao tiêu biểu như: Rào Cọ 2.235 m, Ba Mụ 1.367 m, Giăng Màn 931 m, là nơi có đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đi qua và là nơi căn cứ địa của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Vùng núi Hà Tĩnh bao gồm 4 huyện là Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh, ngoài ra 5 huyện khác tuy không phải là huyện miền núi nhưng có xã miền núi và tổng số xã miền núi của Hà Tĩnh là 126 xã. Trải dài từ 17°54’ đến 18°50’ độ vĩ Bắc và từ 103°48’ đến 108°00’ độ kinh Đông. Có thể nói vùng núi Hà Tĩnh chia ra 2 phần rõ rệt. Một phần nằm tập trung dọc theo triền Đông của dãy Trường Sơn. Địa hình hẹp và dốc, phía Bắc giáp huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp nước bạn Lào và phía Nam giáp huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch của tỉnh Quảng Bình. Núi ở đây nghiêng dần theo hướng Tây - Đông và do đó độ dốc không đều nhau. Các dãy núi nối liền trùng điệp tạo thành hình vòng cung có một đầu nhô ra sát biển (dãy Hoành Sơn). Phía Đông là một phần không lớn bao gồm nhiều ngọn núi thoải trải dài, giữa chúng có khi gián đoạn bởi các cánh đồng và làng mạc hoặc có những ngọn núi độc lập lọt thỏm giữa các cánh đồng hoặc kề ngay sát biển nằm rải rác giữa các huyện Nghi Xuân,
Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên.
Như vậy có thể hình dung địa hình miền núi Hà Tĩnh là phía Tây là núi cao kế tiếp là đồi bát úp.
Về mặt cấu tạo địa chất, núi ở đây là một khối đá biến chất rất cổ, có từ trước kỷ đề vôn mà đặc điểm đặc biệt là có rất nhiều mạch granít cắt ngang.
Những khối đá granít bị đứt gãy đã làm cho đất feralít trào ra bao phủ một vùng rộng lớn.
Mặt khác, do sự chuyển biến phức tạp của quá trình trầm tích và phun trào đá vôi qua các thời kỳ kiến tạo địa tầng, nên địa hình ở đây không đều, có vùng núi nhấp nhô trùng điệp, có vùng đất trầm tích tạo thành những thung lũng tương đối bằng phẳng có núi đứng riêng lẻ xung quanh.
Cũng do các cuộc kiến tạo địa tầng phức tạp nên đất đai ở đây có nhiều loại khác nhau thích nghi với từng loại cây trồng có giá trị như đất Feralít vàng đỏ phát triển trên đá granít. Loại đất này chiếm một diện tích rất lớn thích nghi với các loại cây lâu năm như: bưởi, cam, chè....
Ở đây còn có đất nâu thẩm phát triển trên đá Paragnai hay đá phiến thạch, loại đất này thường thấy ở các sườn đồi thích hợp cho việc trồng hoa màu như: khoai, sắn, lạc.... Ngoài ra ở đây còn có loại đất thích hợp cho việc phát triển lúa nước, ngô, mía.... Đó là đất dốc tụ và đất phù sa cổ. Đất dốc tụ do quá trình trầm tích của đá vôi tạo thành và thường là những khoảnh ruộng bậc thang ở vùng các thung lũng, còn đất phù sa thì nằm dọc theo triền các con sông, suối lớn. Và do đặc trưng của hệ thống sông, suối đầu nguồn, nên đất phù sa ở đây được chia làm 3 loại: Phù sa cổ, phù sa Feralít hoá trồng lúa, phù sa được bồi đắp hàng năm.
Phù sa cổ là loại đất được bồi đắp từ thời xa xưa, ngày nay do dòng chảy thu hẹp, đất bị nâng lên bậc thềm cao không được bồi đắp. Loại đất này trồng được các loại hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, lạc,
mía,... Đất phù sa Feralít hoá cũng là loại đất không được bồi đắp hàng năm, nhưng ở bậc thấp hơn phù sa cổ nên có thể đắp đập, be bờ làm lúa. Tuy vậy loại đất này thường bị chua phèn nên năng suất lúa không cao, còn loại đất phù sa được bồi đắp hàng năm rất thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Nhưng do tác động của hệ thống sông, suối đầu nguồn nên loại đất này ở vùng núi Hà Tĩnh thường không nhiều và chỉ tập trung ở một vài vùng núi có con sông lớn chảy qua như Ngàn sâu, Ngàn phố.
Như vậy, đất trồng ở miền núi Hà Tĩnh có nhiều loại, nhiều tầng canh tác cho phép chúng ta phát triển một nền nông nghiệp toàn diện gồm nhiều loại cây trồng và vật nuôi.
Ngoài ra, đất trồng và địa hình ở đây còn là điều kiện thuận lợi cho các hệ động thực vật phát triển phong phú và đa dạng cả về số lượng và chủng loại.
Với 180.000 ha chiếm gần 40% toàn bộ diện tích tự nhiên, rừng Hà Tĩnh là một kho tài nguyên phong phú về lâm thổ sản với nhiều loại gỗ quý như lim xanh, sến mật, đinh gõ, pơ mu, lim, táu, dổi, chò, kiền kiền... Ngoài gỗ quý rừng ở đây còn có nhiều loại tre, nứa, song, mây.... đó là nguyên liệu để phát triển tiểu thủ công nghiệp và nhiều loại cây dược liệu có giá trị như: sa nhân, sến, trầm,... Rừng trồng ở Hương Khê còn có những đồi thông bát ngát, gỗ và nhựa thông là nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó đồng cỏ ở đây cũng là một nguồn lợi thiên nhiên quý giá xen lẫn giữa sông, suối, núi rừng, trên các sườn đồi là những bãi cỏ xanh tươi. Nguồn lợi thiên nhiên này là điều kiện quan trọng để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Núi rừng Hà Tĩnh còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài chim, thú như hươu, nai, lợn rừng, chồn, cáo... một vài khu rừng già còn tồn tại nhiều động vật như voi, hổ, báo, vượn đen, dê sừng thẳng, gấu, sơn dương, sao la,
công,... mà đặc biệt là khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang; nơi lưu giữ nhiều động vật, thực vật quý hiếm có giá trị cao cho du lịch và nghiên cứu khoa học.
Nhìn chung, thảm thực vật và các loại động vật có điều kiện phát triển thuận lợi. Rừng Hà Tĩnh nhiều tầng, nhiều lớp chứa đựng một tiềm năng kinh tế lớn không chỉ trên lĩnh vực khai thác gỗ và lâm sản, dược liệu, hương liệu.... mà còn là môi trường lý tưởng cho nhiều loại thú quý sinh trưởng.
Vùng núi Hà Tĩnh có một hệ thống sông suối dày đặc. Một vài con sông lớn và các phụ lưu bắt nguồn từ vùng này đổ ra biển Đông như Ngàn Sâu, Ngàn phố, sông Tiêm, sông Rác.... đã chia cắt địa hình ở đây đến mức cứ vài chục km có nơi vài km đã thấy xuất hiện những sông, suối khá lớn.
Sông ở đây có hiện tượng đảo lòng khá mạnh bắt nguồn từ vùng thượng lưu có độ cao (trên 800 m) sau đó thấp dần đến vùng hạ lưu và đổ ra
biển Đông. Vì thế chúng có độ dốc lớn (từ 10 - 300) lòng sông cạn và hẹp.
Lưu lượng nước của các sông suối được thay đổi theo mùa, mùa nắng mực nước những dòng sông, con suối thường thấp thuận tiện cho việc đi lại của con người, nhưng gây trở ngại lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp, cũng như đến đời sống hàng ngày của đồng bào. Vào mùa mưa lưu lượng nước rất lớn, từ hàng trăm con suối lớn nhỏ nước chảy xuống các lòng sông đổ ra biển cả cuốn phăng cây cỏ, bào mòn các sườn đồi. Mặt khác do lưu lượng của các dòng chảy lớn nên việc đi lại và các hoạt động bình thường khác của đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Về khí hậu, miền núi Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới điển hình ở miền Nam và một mùa Đông giá lạnh của miền Bắc. Hàng năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa có nhiều bão, lụt kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, lượng mưa trung bình cao trên 2.000 mm, do vậy lũ thường xuyên xẩy ra. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 7,
đây là mùa nắng gắt, có gió Tây (thổi từ Lào) nóng, lượng bốc hơi lớn gây hạn hán nghiêm trọng.
Nhiệt độ trung bình hàng năm là 24,30. Ở thời điểm cao nhất nhiệt độ
lên đến trên 400, thời điểm thấp nhất nhiệt độ xuống dưới 100.
Về tài nguyên khoáng sản ở miền núi Hà Tĩnh có thể kể đến một trữ lượng lớn: Mỏ thiếc Sơn Kim (Hương Sơn), mỏ than (Hương Khê), mỏ vàng (Kỳ Anh - Hương Khê), đá các loại, cát sỏi và các vật liệu xây dựng khác cũng có trữ lượng khá cao. Ngoài ra còn có nguồn suối nước nóng.
Nhìn chung điều kiện tự nhiên vùng núi Hà Tĩnh rất phong phú và đa dạng. Với địa hình chia cắt nhiều tầng, đất trồng nhiều loại với chế độ khí hậu tương đối ổn định, vùng đất này có điều kiện phát triển nhiều loại giống cây trồng và vật nuôi. Thảm thực vật và các loại động vật phong phú là những tiền đề có tính quyết định đến việc ổn định và phát triển nền kinh tế - văn hoá xã hội của đồng bào các dân tộc trong vùng.
Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên ở đây không kém phần khắc nghiệt khí hậu nhiệt đới lắm nắng, nhiều mưa, gây nên hạn hán kéo dài về mùa khô và lũ lụt về mùa mưa; thêm vào đó chế độ gió Lào và gió mùa Đông - Bắc trải đều hai mùa trong năm. Đặc biệt địa hình hiểm trở, sông suối dày đặc những điều đó đã gây không ít khó khăn trong việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống và quá trình giao lưu đi lại của đồng bào.