Tính khả thi biểu thị khả năng thực hiện của phương án quy hoạch sử dụng đất khi hội tụ đủ một số điều kiện hoặc yếu tố nhất định cả về phương diện tính toán, cũng như trong thực tiễn. Như vậy, để nhìn nhận một cách đầy đủ về góc độ lý luận, tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất sẽ bao hàm “Tính khả thi lý thuyết”- được xác định và tính toán thông qua các tiêu chí với những chỉ tiêu thích hợp ngay trong quá trình xây dựng và thẩm định phương án quy hoạch sử dụng đất; “Tính khả thi thực tế” chỉ có thể xác định dựa trên việc điều tra, đánh giá kết quả thực tế đã đạt được khi triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất trong thực tiễn.
Khi triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất trong điều kiện bình thường, sự khác biệt giữa “Tính khả thi lý thuyết’ và “Tính khả thi thực tế” thường không đáng kể. Tuy nhiên, không ít trường hợp luôn có những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất do tác động của nhiều yếu tố khó đoán trước được như: tính kịp thời về hiệu lực thực thi của phương án quy hoạch; nhận thức và tính nghiêm minh trong thực thi quy hoạch của các nhà chức trách và người sử dụng đất; các sự cố về khí hậu và thiên tai; những đột biến về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; khả năng về các nguồn lực; áp lực mới về các vấn đề xã hội, thị trường, an ninh quốc phòng; tác động của nền kinh tế quốc tế...
thông qua 5 nhóm tiêu chí sau (Võ Tử Can, 2006):
(1). Khả thi về mặt pháp lý, có thể bao gồm các tiêu chí đánh giá về:
- Căn cứ và cơ sở pháp lý để lập quy hoạch sử dụng đất gồm các chỉ tiêu: Các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật; Các quyết định, văn bản liên quan đến triển khai thực hiện dự án...
- Việc thực hiện các quy định thẩm định, phê duyệt phương án quy hoạch sử dụng đất: Thành phần hồ sơ và sản phẩm; Trình tự pháp lý...
(2). Khả thi về phương diện khoa học - công nghệ, bao gồm:
- Cơ sở tính toán và xác định các chỉ tiêu sử dụng đất: Tính khách quan của các yếu tố tác động đến việc sử dụng đất: điều kiện tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; Sử dụng các định mức, tiêu chuẩn; Xây dựng các dự báo theo quy luật phát triển khách quan; căn cứ theo mô hình mẫu...
- Phương pháp công nghệ được áp dụng để xử lý tài liệu, số liệu và xây dựng tài liệu bản đồ...
(3). Khả thi về yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, gồm các tiêu chí đánh giá về:
- Mức độ đầy đủ các nội dung chuyên môn theo các bước thực hiện quy hoạch và các nội dung cụ thể của phương án quy hoạch sử dụng đất...
- Nguồn tư liệu và độ tin cậy của các thông tin phụ thuộc vào cách thức thu thập, điều tra, xử lý và đánh giá;
- Tính phù hợp, liên kết (từ trên xuống dưới) của các chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất các cấp.
(4). Khả thi về các biện pháp cần thiết để phương án quy hoạch thực hiện được. Theo kinh nghiệm, tiêu chí này có thể được đánh giá căn cứ theo đặc điểm hoặc tính chất đầu tư của nhóm các biện pháp sau đây:
- Nhóm 1: Là các biện pháp về tổ chức lãnh thổ nhằm tạo điều kiện không gian phù hợp với cơ cấu tổ chức sản xuất kinh doanh và mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp và người sử dụng đất.
- Nhóm 2: Bao gồm các biện pháp về xây dựng các hạng mục và thiết bị công trình trên lãnh thổ, cần lượng vốn đầu tư cơ bản khá lớn và thực hiện theo dự án đầu tư hoặc thiết kế kỹ thuật chi tiết, như các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hệ thống ruộng bậc thang trên đất dốc và các thiết bị công trình bảo vệ đất; hệ thống công trình thuỷ lợi, ao hồ chứa nước.
- Nhóm 3: Bao gồm các biện pháp bảo vệ đất và môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Các biện pháp thuộc nhóm này được đề xuất trong phương án quy hoạch sử dụng đất tuỳ theo đặc điểm của lãnh thổ, vốn cơ bản và cũng được triển khai thực hiện theo dự án đầu tư hoặc luận chứng kinh tế - kỹ thuật.
- Nhóm 4: Bao gồm các biện pháp không đòi hỏi vốn đầu tư cơ bản, nhưng được thực hiện bằng dự toán chi phí sản xuất bổ sung hàng năm của doanh nghiệp hoặc người sử dụng đất như nâng cao độ phì và tính chất sản xuất của đất, áp dụng các quy trình công nghệ gieo trồng tiên tiến, thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác chống xói mòn, sử dụng các chế phẩm hoá học, bón phân, bón vôi... Để triển khai thực hiện các biện pháp thuộc nhóm này, trong phương án quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ các thông số cần thiết về đặc điểm mang tính công nghệ của từng khu đất, cũng như những kiến nghị về hướng cải tạo việc sử dụng đất.
(5). Khả thi về các giải pháp tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, được đánh giá theo nhóm các giải pháp gồm:
- Các giải pháp về nguồn lực và kinh tế: Huy động các nguồn lực về vốn và lao động để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án; Giải quyết tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án...
- Các giải pháp về quản lý và hành chính: Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện và quản lý quy hoạch; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã được quyết định, xét duyệt; Kiểm soát chặt chẽ tình trạng tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản hoặc chuyển sang sử dụng vào các mục đích khác không theo quy hoạch; Thực hiện tốt việc đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đối với lao động có đất bị thu hồi...
- Các giải pháp về cơ chế chính sách: Tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với nhu cầu thị trường; Bảo đảm cho đồng bào dân tộc miền núi có đất canh tác và đất ở; Tổ chức tốt việc định canh, định cư; Ổn định đời sống cho người dân được giao rừng, khoán rừng; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ có liên quan đến sử dụng đất nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.