Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất

Một phần của tài liệu Báo cáo 70 năm ngành quản lý đất đai (Trang 34 - 35)

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác quy hoạch đất đai đối với việc quản lý nhà nước về đất đai, ngay từ năm 1980, thực hiện Quyết định số 201/CP ngày 1-7-1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành 1 trong 7 nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về đất đai và được Ngành triển khai thực hiện thường xuyên. Ngành đã tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất, kết quả là đã xây dựng được hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn về công tác lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất khá đầy đủ, khoa học. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có bước tiến rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 2004, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của cả nước đã được Quốc hội Khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua. Năm 2006, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của cả nước được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 9 thông qua. Các tỉnh tập trung lập quy hoạch sử dụng đất các cấp. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp đã dần đi vào nền nếp. Đến nay, ở cấp quốc gia, Quốc hội đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia (Nghị quyết số 17/2011/QH13). Chính phủ đã xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) cho 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ở địa phương, đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện: có 600 đơn vị hành chính cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 85%); có 6.800 đơn vị hành chính cấp xã được cấp có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 61,41%). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất đã tạo tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu

kinh tế, phân công lại lao động trong khu vực nông thôn góp phần phát triển nông nghiệp hàng hóa, khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Quy hoạch sử dụng đất đã bố trí quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị góp phần thu hút vốn đầu tư phát triển trong, ngoài nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, Ngành quản lý đất đai đang triển khai điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai đồng bộ trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương.

Một phần của tài liệu Báo cáo 70 năm ngành quản lý đất đai (Trang 34 - 35)