Thông qua hoạt động quản lý như lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, đấu giá đất giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, Ngành đã có những đóng góp đáng kể góp phần tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng thu ngân sách.
Năm 1994, nguồn thu từ đất chủ yếu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất, tổng thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tổng thu từ đất năm 1999 là 3.641 tỷ đồng. Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, nguồn thu từ đất tăng đều qua các năm. Trong những năm từ 2005 đến 2015 trung bình hàng năm nguồn thu từ đất đóng góp 10 - 12% thu ngân sách nhà nước. Với chủ trương chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn lực đất đai đang và sẽ là một trong những nguồn lực quan nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu đến năm 2020 mức thu 20 - 22% tổng thu ngân sách.
Trải qua chặng đường 70 năm, ngành Quản lý đất đai đã vượt qua không ít khó khăn, đặc biệt trong thời gian 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khắc phục những hậu quả của chiến tranh, các tàn dư của chế độ cũ trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, ngành Quản lý đất đai đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đó là: Tài nguyên đất quốc gia được điều tra một cách toàn diện hơn, xác định đúng tiềm năng làm cơ sở cho việc khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững; tài sản đất đai quốc gia đã được giao đến tận tay người sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) đúng pháp luật để sản xuất, khai thác làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước; hệ thống pháp luật đất đai ngày càng được hoàn chỉnh, nhận thức pháp luật của nhân dân được nâng cao, tổ chức thi hành pháp luật về đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai.
Chương III
Một số bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác quản lý đất đai
Qua tổng kết quá trình liên tục đổi mới công tác quản lý đất đai, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, chính sách, quản lý đất đai phải bắt kịp và đón đầu những biến đổi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Từ những kinh nghiệm sử dụng đất không hiệu quả trong giai đoạn tập thể hóa ồ ạt và từ những bài học thực tiễn, Ngành đã tích cực đề xuất, tháo gỡ những rào cản do chính sách, luật pháp gây ra đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dũng cảm xóa bỏ các giáo điều đã trở nên lỗi thời, liên tục đề xuất đổi mới chính sách pháp luật đất đai để phù hợp với quá trình phát triển, góp phần ổn định được tình hình chính trị và phát triển vững chắc nền kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ hai, phát huy cao độ nguồn lực đất đai phục phát triển kinh tế - xã hội
Đường lối đổi mới về chính sách đất đai trong từng giai đoạn này đã phát huy được nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế. Đến nay, trên 90,25% diện tích tự nhiên của cả nước được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Về cơ bản, quỹ đất được bố trí sử dụng hợp lý và đáp ứng nhu cầu cho các ngành, các lĩnh vực. Việc sử dụng đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả. Thị trường quyền sử dụng đất từng bước đi vào hoạt động nề nếp; tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ ba, quản lý đất đai phải hướng đến vừa khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, vừa bảo tồn quỹ đất
Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, quỹ đất hạn hẹp, diện tích đất bình quân đầu người thấp, trong khi đó nước ta phải đồng thời thực hiện ba mục tiêu: giữ quỹ đất nông nghiệp, mở rộng quỹ đất phi nông nghiệp, tăng hiệu suất sử dụng đất nói chung. Đây là những thách thức rất lớn. Song, nhờ khéo léo kết hợp phát triển nông nghiệp hiệu quả với đẩy mạnh công nghiệp hóa, nước ta đã giải quyết thỏa đáng cả ba mục tiêu nói trên.
Thứ tư, quản lý đất đai phải gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn với an ninh lương thực và ổn định xã hội
Tiếp nối những thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của 10 năm trước đây (1993-2003), cùng với việc đầu tư khoa học - kỹ thuật và công nghệ, chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài và các quy định hoàn chỉnh về quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp hiện đã góp phần tích cực trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất thì Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa
nông nghiệp, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nông thôn mới, quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã được bố trí một cách hợp lý theo nguyên tắc bảo vệ quỹ đất trồng lúa, đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới. Việc giao đất, cho thuê đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản đã tạo động lực cho người sản xuất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhờ đó ngành thủy sản từng bước phát triển và trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp. Chính sách, pháp luật đất đai đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế. Việc giao đất, giao rừng đã góp phần ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng. Diện tích đất chưa sử dụng của cả nước từng bước được khai thác đưa vào trồng rừng một cách hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Thứ năm, quản lý đất đai phải dựa trên cơ chế phân phối hài hòa lợi ích từ đất và củng cố khối liên minh công, nông, trí thức
Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có bước tiến đáng kể trong việc ổn định chỗ ở, đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới cho người dân có đất bị thu hồi, đặc biệt là đối với những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Chính sách này được Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với thực tiễn nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Thứ sáu, giành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ hiện đại
Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời gian qua về cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa.
Thứ bảy, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản hỗ trợ quản lý đất đai
Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các pháp luật khác có liên quan được ban hành đã làm thay đổi căn bản thị trường bất động sản nói chung, thị trường quyền sử dụng đất nói riêng. Thị trường bất động sản, trong đó
chủ yếu là thị trường quyền sử dụng đất, đã tạo lập được cơ chế hoạt động và phát triển tương đối đồng bộ. Giao dịch về quyền sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp. Tổ chức phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Quỹ phát triển đất, các tổ chức môi giới, định giá, tư vấn pháp lý, tín dụng, sàn giao dịch được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản. Thị trường quyền sử dụng đất vận hành đã góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tám,chú trọng đến tác động của quản lý đất đai đến các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường
Giải quyết các vấn đề xã hội là một trong những chủ trương và giải pháp lớn để phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chính sách, pháp luật về đất đai với tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, đã tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống cho người dân. Đặc biệt là chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã góp phần ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Chính sách đất đai đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình “xóa đói, giảm nghèo” thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Các chính sách giao đất không thu tiền đối với đất sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở; công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo,... đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của nước ta từ 18,1% năm 2006 xuống 9,45% năm 2010, năm 2014 còn ....đưa nước ta từ nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình.
(Tuyến kiểm tra, và bổ sung số liệu)
Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên,... được thực hiện thông qua các chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí và các chính sách khác có liên quan.
Trong công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất đã đáp ứng cơ bản quỹ đất để xây dựng các công trình y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao; xây dựng các khu xử lý chất thải, rác thải; có kế hoạch và giải pháp khuyến khích nhân dân bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh diện tích đất trống đồi núi trọc nhằm giảm nguy cơ xói mòn, rửa trôi đối với đất đai, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.