của mình bởi cơ quan hành chính
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức công đoàn có quyền chấm dứt sự tồn tại của mình thông qua việc giải thể, đình chỉ hoạt động. Vì hệ quả nghiêm trọng xuất phát từ việc giải thể hay đình chỉ một tổ chức công đoàn rất lớn nên để đảm bảo lợi ích và sự phát triển của quan hệ lao động tốt hơn, Ủy ban cho rằng việc giải thể các tổ chức công đoàn là giải pháp chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cần được thực hiện như là giải pháp cuối cùng sau khi đã sử dụng hết các cách khác với những tác động ít nghiêm trọng hơn đối với tổ chức. Theo đó, tổ chức công đoàn của NLĐ có thể giải thể trong các trường hợp sau:
(1) Tự nguyện giải thể: được thực hiện một cách tự do bởi Đại hội thường kỳ của toàn bộ NLĐ;
(2) Không đủ số lượng đoàn viên theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu việc suy giảm đoàn viên công đoàn xuống dưới yêu cầu của pháp luật là hệ quả của sự đe dọa, sa thải nhằm chống công đoàn hoặc việc rời bỏ công đoàn của các lãnh đạo công đoàn là hệ quả của sự đe dọa hoặc áp lực của NSDLĐ thì cần áp dụng các chế tài theo quy định pháp luật, khôi phục lại việc làm cho những NLĐ đã bị sa thải và cho phép công đoàn đã bị giải thể tái lập trở lại.
Theo Ủy ban ILO về tự do hiệp hội, việc hủy bỏ tư cách pháp lý của một công đoàn bởi cơ quan hành chính theo quy định của pháp luật thường không bảo đảm quyền của các bên, dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, tùy tiện nên các giải pháp giải thể hoặc đình chỉ tổ chức do cơ quan hành chính áp dụng cấu thành vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về tự do hiệp hội. Bất cứ việc giải thể, hủy đăng ký đối với tổ chức của NLĐ nào đều phải được thực hiện bởi các cơ chế/cơ quan tư pháp, là những cơ quan có thể bảo đảm quyền bảo vệ của các bên. Cơ quan công quyền và NSDLĐ phải kiềm chế không thực hiện bất cứ sự can thiệp hay sự phân biệt đối xử làm hạn chế hoặc ngăn cản việc thực hiện các quyền hợp pháp của NLĐ và các tổ chức của NLĐ trong việc không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ. Điều này được quy định tại Điều 4, Công ước 87.