uộc sống của ta bắt đầu từ tâm mình. Đức Phật dạy, “Tâm tạo tác hết tất cả.” Thế cái tâm tạo tác sự sống của ta đó, nó là gì?
Khi nhìn thẳng vào tâm mình, ta nhận thấy rằng nó đang biến đổi liên tục, bị điều kiện, rồi lại tái điều kiện bởi những phẩm tính của các tâm hành khác nhau sinh lên và diệt đi, như là tình yêu, lòng sợ hãi, sân hận, hạnh phúc, chánh niệm, si mê, và nhiều nữa. Đôi khi những tâm hành này làm việc rất hòa hợp, và cũng đôi khi nó biến tâm ta thành một bãi chiến trường.
Vipassana có nghĩa là nhìn thấy được chân tướng của sự vậtnhư nó là. Thiền quán sẽ đem lại cho ta những kinh nghiệm trực tiếp và thâm sâu, ta sẽ thấy được những đức tính nào trong tâm dẫn ta đến khổ đau, và những đức tính nào sẽ đưa ta đến giải thoát. Sự hiểu biết đó không còn là một kiến thức trao truyền nữa mà là một sự lãnh hội trực tiếp. Lúc ấy, ta sẽ có thể nhận thức được, cùng một lúc những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại và luôn cả cái định luật cai quản tiến trình khai mở của sự sống này.
Theo đức Phật, một tuệ giác trọng yếu của chánh tư duy là thấy được rằng, mỗi hành động thiện và bất thiện sẽ mang lại một hậu quả thích đáng. Tuệ giác ấy được coi như là nền tảng cho toàn bộ giáo pháp của nhà Phật. Nó
cũng là điểm nguồn của mọi hạnh phúc. Khi ta đạt được tuệ giác căn bản này rồi - rằng những hành động của thân, khẩu và ý sẽ đưa ta đi về một hướng nào đó, rằng chúng làm điều kiện cho những quả trái khác nhau - từ đó ta sẽ biết lựa chọn sáng suốt hơn.
Và muốn có được một khả năng lựa chọn sáng suốt, trước hết ta phải thành thật nhìn lại chính mình, thấy được hết mọi phẩm tính đặc biệt, trong đó có cả thiện lẫn bất thiện. Sự lựa chọn sáng suốt sẽ được thực hiện khi ta biết buông xả, từ bỏ, không hành động theo các tư tưởng và cảm thọ bất thiện, vì biết rằng chúng sẽ mang lại khổ đau cho ta và người khác. Và ngược lại, ta có thể chọn hành động theo những tư tưởng và cảm thọ tốt lành, biết rằng chúng chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc. Nhờ chánh tư duy căn bản này, biết rằng mỗi hành động sẽ đem lại một hậu quả nhất định, ta có thể thật sự làm chủ đời mình thay vì trở thành một nạn nhân, hoặc bị sai khiến bởi những tập quán đã chịu điều kiện lâu đời.
Nhưng hiểu biết ấy sẽ ảnh hưởng đến sự tu tập của ta như thế nào? Khi ta ý thức rằng lòng tham là bất thiện, sẽ đem lại khổ đau, lúc ấy những tư tưởng về buông xả và rộng lượng sẽ khởi lên trong tâm. Và những tư tưởng tốt lành ấy sẽ làm phát sinh những cảm thọ như là từ bi, an lạc, ý muốn phục vụ kẻ khác, làm vơi bớt khổ đau, và hoan hỷ khi thấy họ được hạnh phúc.
Từ sự hiểu biết rằng lòng tham là bất thiện, và những ý nghĩ cùng cảm thọ tốt lành phát sinh vì ý thức đó, ta sẽ trở nên bớt ích kỷ hơn. Những ý nghĩ và cảm thọ ấy sẽ làm điều kiện cho các hành động từ bi và phụng sự của chúng ta. Và rồi những việc làm vị tha ấy sẽ quay lại giúp cho đức tính từ bi của ta được vững mạnh hơn, chúng giải thoát tâm ta ra khỏi sự khổ đau của lòng nhỏ nhen, ích kỷ và tự phụ. Qua những sự kiện hỗ tương tiếp nối tự nhiên ấy, ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn.
Hiểu được vai trò của những định luật vật lý trong thiên nhiên, như là trọng lực hoặc nhiệt động lực chẳng hạn, là một chuyện dễ. Ngoài ra, đức Phật còn nhìn thấy có một luật khác đang chi phối và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta, đó là định luật của luân lý đạo đức. Ngài gọi đó là luật nghiệp quả, karma, tức là tuệ giác về mỗi hành động sẽ mang lại một kết quả. Ta có thể tìm thấy nguyên lý ấy trong nhiều truyền thống tâm linh khác nhau. Có lẽ một thí dụ thông dụng nhất cho người Tây phương là Kinh Thánh có nói, chúng ta sẽ gặt hái những gì mình gieo trồng.
nghĩa là, mỗi tác ý trong tâm được ví như là một hạt giống có một tiềm lực rất lớn. Một hạt giống bé tí của cây sồi tiềm tàng khả năng một cây sồi vĩ đại như thế nào, thì những hành động cố ý của ta cũng chứa đựng hạt giống của nghiệp báo mạnh mẽ y như thế. Và kết quả của hành động lại còn tùy thuộc vào phẩm tính của những tâm hành nào có liên hệ đến tác ý ấy. Tham lam, giận dữ và si mê là những đức tính bất thiện đem lại quả trái khổ đau; lòng vị tha, từ bi và trí tuệ là những tâm thiện sẽ sinh ra quả trái hạnh phúc.
Đức Phật gọi sự hiểu biết về định luật nghiệp báo, luật nhân quả này là “ánh sáng của thế gian,” vì nó soi sáng cho ta thấy sự sống khai mở bằng cách nào, và vì sao sự việc lại xảy ra như vậy. Tuệ giác ấy sẽ ban cho ta một sự tự do, giúp ta có những sự lựa chọn sáng suốt trong đời mình.
N