Lạc thọ, khổ thọ: sự tiến triển trong thiền tập

Một phần của tài liệu 5352-kinh-nghiem-thien-quan-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 55 - 57)

hói quen lúc nào cũng phòng vệ của ta, với mục đích tránh né khổ đau và ôm chặt khoái lạc, cũng còn biểu lộ ra trong sự tu tập bằng một lối khác nữa. Chúng ta nhiều khi hiểu thiền tập một cách rất sai lầm là, nếu cảm thấy an lạc tức là ta đang tiến bộ, còn nếu bị đau đớn có nghĩa là ta đã thất bại. Ta thường nghĩ rằng, khi ngồi thiền mà cảm thấy đau đớn tức là mình đã không thực hành “đúng”, còn nếu ngược lại có những cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, bay bổng thì ta là một thiền sinh giỏi. Thật ra quan niệm đó khó mà dễ dàng có thể buông bỏ được. Nguồn gốc của sự sai lầm ấy thật ra tuy rất đơn giản nhưng cũng vô cùng kiên cố: vì chúng ta bao giờ cũng ưa thích những gì dễ chịu và ghét bỏ những gì đau đớn!

Sự tiến bộ của ta hoàn toàn không hề tùy thuộc vào mức độ an lạc hoặc khổ đau của mình, mà là ở chỗ ta có thể cởi mở được với những gì đang xảy đến với mình hay không. Khi con đường tuệ giác bắt đầu khai mở, thường thường ta sẽ trải qua một giai đoạn tu tập mà khi ấy khổ thọ sẽ chiếm một ưu thế. Chúng chỉ là một đặc tính riêng biệt của giai đoạn tu tập đó. Cũng như những cảm thọ dễ chịu, khinh khoái, tĩnh lặng sẽ là những đặc điểm của một giai đoạn khác trên con đường tu tập. Trong những giai đoạn khác nhau sẽ có những kinh nghiệm khác nhau khởi lên. Thế thôi!

Con đường giải thoát sẽ dẫn ta qua nhiều chu kỳ giống như thế. Một kinh nghiệm dễ chịu hoặc khó chịu tự nó không thể nào xác định được trình độ cao thấp cho sự tu tập của ta. Chúng ta có thể đang ở vào giai đoạn cuối của một khổ thọ, mà lúc ấy sự tu tập của ta lại tiến triển sâu thẳm hơn là một giai đoạn ban đầu của trạng thái hỷ lạc.

Vì thế, cảm thọ đau đớn hay hỷ lạc không thể xác định được sự tu tập của mình đang tiến triển đến đâu. Mục tiêu mà ta muốn đạt đến là sự hiểu biết và thương yêu, chứ đâu phải là một cảm giác thích thú lâu dài nào đó! Mà đa số chúng ta còn phải mất đến bao lâu nữa mới hiểu được điều này?

Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện buồn nhỏ trong kinh nghiệm thiền tập của tôi. Trong thời gian tôi đang tu tập ráo riết khoảng chừng được một vài tháng ở Ấn Độ, cả toàn thân tôi đột nhiên tan biến thành một vùng ánh sáng rung động, toả chiếu. Cứ mỗi lần tôi ngồi xuống, vừa khi nhắm mắt lại là vùng năng lượng của ánh sáng này tràn ngập toàn thân. Nó vô cùng nhiệm mầu, tôi cảm thấy tuyệt vời. “À! Tôi đã đạt được rồi!”

Sau mấy tháng ấy, tôi trở về Hoa Kỳ một thời gian. Khi trở lại Ấn Độ, tôi hoàn toàn tin chắc rằng cái thân ánh sáng ấy cũng sẽ trở về lại với tôi. Tôi bắt đầu thực hành thiền tập một cách tích cực như xưa, nhưng cái vùng ánh sáng rung động ấy đã đi đâu mất! Chẳng những cái thân ánh sáng ấy không còn nữa, mà bây giờ người tôi lại cảm thấy như là một khối sắt thép vặn vẹo đau đớn. Khi tôi ngồi cố gắng đem sự chú ý của mình đi sâu vào khối thép rắn chắc ấy, tôi gặp phải biết bao nhiêu là áp lực và sự căng thẳng, bao nhiêu là những cảm giác khó chịu.

Hai năm kế tiếp là một thời gian vô cùng thất vọng và khó khăn nhất trên con đường tu tập của tôi. Vì sao thế? Vì tôi đã không còn thật sự có chánh niệm. Tôi cứ ngỡ rằng mình đang đối diện trực tiếp với cái đau, với sự khó chịu, nhưng sự thật thì tôi đã không bao giờ chấp nhận chúng, tôi đã không hoàn toàn cởi mở được với thực tại trước mắt mình. Sự thật thì tôi cố gắng tu tập vì mong đạt lại được một cái gì đã mất - cái cảm giác toả sáng, dễ chịu tuyệt vời ấy. Phải mất cả hai năm trời tôi mới hiểu được rằng, sự tu tập không phải là để cho ta đạt được một cái gì hết, dầu cho nó có huyền diệu đến đâu.

Những gì chúng ta kinh nghiệm trong quá khứ đã qua mất rồi. Nó đã chết, có chăng chỉ là một xác khô. Chúng ta đâu cần phải lôi kéo cái thây khô ấy theo mình trong cuộc sống để làm gì. Hãy thực tập cởi mở ra với bất cứ việc gì đang hiện hữu trong giây phút này, bất cứ điều gì đang có mặt. Cho dù đó có là một cảm giác náo nức, thanh nhẹ, hay sắt thép vặn vẹo. Không sao cả! Và cuối cùng, khi tôi đã ý thức được chân lý ấy sau hai năm chống cự vất vả, sự tu tập của tôi lại bắt đầu tiếp tục tiến triển lại như xưa. Bạn không cần phải mất hai năm trời để tìm ra chân lý ấy. Hãy cẩn trọng, đừng để cho mình bám víu vào một kinh nghiệm nào đó trong quá khứ, mà ta đang cố gây dựng lại. Đó không phải là sự tu tập chân chính. Thật ra nó chính là một sự dọn đường cho khổ đau. Hãy đơn giản cởi mở ra, ôn hoà và giữ chánh niệm đối với những gì đang có mặt trước mắt. Đó mới thật chính là con đường tu tập giải thoát của ta.

Đ

Một phần của tài liệu 5352-kinh-nghiem-thien-quan-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 55 - 57)