on đường tu tập sẽ mang ta đến bờ mé, giới hạn cuối cùng của thế giới quen thuộc này. Thường thì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tự tạo cho mình một lãnh địa, sống trong một tháp ngà an ổn. Nơi đây mọi vật đều có vị trí riêng của nó, và ta cũng biết được rõ ràng vị thế của chính mình. Tâm ta lúc nào cũng lo bảo vệ và duy trì cái thế giới nội tâm quen thuộc này. Nhưng bức thành trì an ổn đó lại giới hạn và giam giữ sự sống của ta trong những gì quen thuộc và dễ nhận diện. Và chung quanh ta còn có biết bao nhiêu thế giới của kinh nghiệm và sự sống khác nữa, chúng nằm ngoài tập quán nhận thức có điều kiện của ta. Liệu chúng ta có can đảm và tâm huyết để thám hiểm cái thế giới xa lạ ấy không?
Một vị thầy, một người hướng dẫn, một thiện tri thức có thể là những trợ lực vô giá trên con đường tu tập. Những vị ấy có thể trình bày cho ta thấy những gì còn ẩn giấu, chỉ rõ con đường đi, và khơi lên những khát vọng cao thượng trong ta. Khi vượt ra ngoài giới hạn của thế giới quen thuộc này rồi, chúng ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau một cách mới lạ và bất ngờ. Đôi khi khổ đau có thể thúc giục ta tinh tấn để được giải thoát, nhưng cũng có lúc ta bị lún sâu vào vũng lầy của khốn khó mà không có lối thoát. Và cái bẫy của hạnh phúc lại còn nguy hiểm bội phần hơn thế nữa! Trên con đường tu tập cũng có rất nhiều nơi nghỉ chân rất thoải mái. Sau một thời gian tu tập, ta sẽ cảm thấy an lạc hơn, hoà hài với mọi người hơn, thích nghi và dễ dàng chấp nhận hơn. Mối tương quan giữa ta và người khác sẽ trở nên tốt đẹp và cuộc sống cũng sẽ trở nên dễ dàng. Vì vậy, nhiều khi ta cứ muốn ở lại chốn vô sự, thoải mái này để được nghỉ ngơi mãi mãi.
Một vị thầy giỏi sẽ biết khi nào học trò mình bị mắc kẹt, dù là trong khổ đau hoặc là trong bất cứ một thứ hạnh phúc nào còn bị điều kiện. Bằng những phương tiện thiện xảo khác nhau, vị thầy biến chúng thành một thứ nhiên liệu cho ngọn lửa giác ngộ. Có những lúc chúng ta cần sự khuyến khích, nâng đỡ, ưu ái, và cũng có lúc cái mà ta cần là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt. Tôi tôn trọng và học được rất nhiều từ phương pháp thứ hai này nơi Ngài U Pandita Sayadaw, vị thiền sư Miến-Điện của tôi. Bất cứ một kinh nghiệm nào của tôi trình lên với ông, cho dù có huy hoàng đến đâu, ông cũng không hề lộ một vẻ gì khâm phục. Mặc dù đôi lúc tôi cũng cảm thấy thất vọng, nhưng ông đã cho tôi một món quà quý giá là không bao giờ chấp nhận một cái gì thấp
kém hơn là sự giải thoát thật sự.
Một vị thầy đáng kính nữa là Ngài Nyoshu Khenpo Rinpoche, đã chỉ cho tôi thấy sự tự do cao tột bằng một lối khác. Một lần tôi đến gặp ông để trình pháp. Tôi kể cho ông nghe những kinh nghiệm thiền quán đặc biệt mà tôi đã được chứng nghiệm. Ông bảo, “Giá vàng thì có lúc lên, lúc xuống, nhưng bản chất của vàng thì bao giờ cũng vẫn vậy!” Kinh nghiệm thiền quán đến rồi đi,nhưng tự tánh thanh tịnh của tâm thì vẫn tồn tại. Bằng ngôn từ hay bằng sự hiện diện của mình, một vị thầy sẽ không để cho ta bị mắc kẹt vào bất cứ một hình tướng tạm thời nào!
Trong mối tương quan thầy trò, ta thường gặp một vấn đề khó khăn là sự lẫn lộn giữa uy quyền (power) và thẩm quyền (authority). Trong đời sống, ở lãnh vực nào cũng vậy, chúng ta sẽ gặp những người có một trình độ hiểu biết cao hơn ta về một vấn đề nào đó. Chấp nhận sự khác biệt ấy sẽ giúp cho ta biết cởi mở ra để học hỏi ở người khác. Nó giúp chúng ta lúc nào cũng giữ được một sơ tâm. Nhưng chấp nhận kiến thức của một người trong một lãnh vực nào đó, không có nghĩa là ta trao hết quyền hành cho người ấy. Chúng ta vẫn có thể tiếp nhận sự hướng dẫn, những lời chỉ dạy, và khuyến khích của người khác, mà không cần phải phó mặc hết cái nhận thức về phải trái của mình cho họ!
Sự lẫn lộn về quyền uy này thật ra thì bắt đầu ở cả hai bên. Vị thầy có thể có được một trình độ hiểu biết nào đó, nhưng sự giác ngộ của các Ngài vẫn chưa hoàn toàn viên mãn, cũng có lúc những hành động của các vị ấy vẫn còn bị ảnh hưởng bởi vô minh. Còn những người học trò có khi lại quá vội vàng buông bỏ hết sự phán xét, phân biệt của mình với danh nghĩa khiêm tốn, nhẫn chịu. Chúng ta thường sai lầm cho rằng bởi vì một người có tri thức, hiểu biết thông suốt trong một lãnh vực nào đó, thì sự hiểu biết ấy tự nhiên cũng sẽ bao trùm hết mọi lãnh vực khác. Điều ấy có thể đúng nhưng cũng rất có thể là sai!
Trong truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ, vị thầy còn được xem như là một kalyana-mitta, tức là một thiện tri thức, một người bạn lành về đạo lý. Một bậc chân thiện hữu tri thức lúc nào cũng hành động vì lòng từ ái, vì sự thương xót chúng sinh còn nhiều khổ đau. Khi ta thấy được một thẩm quyền tự nhiên vì sự minh triết, trí hiểu biết, lòng từ bi của họ, và khi những hành động của các Ngài được phát xuất từ đó, ta sẽ hưởng được lợi lộc vô vàn từ sự chỉ dạy của các Ngài. Mối liên hệ thầy trò có thể là một phước báu lớn lao nhất trong đời người học trò, nhưng nó cũng có những nguy cơ của sự lạm
dụng. Nhận thức được hai khía cạnh ấy sẽ giúp chúng ta dễ dàng phân biệt được chúng.
Đ