au giờ ngồi thiền hoặc sau một khóa tu, chúng ta trở về với những sinh hoạt của thế giới bên ngoài, vấn đề là làm thế nào để ta có thể sống với hiện tại và vẫn giữ được chánh niệm mà không xao lãng? Sự tiếp nối quan trọng này, từ một chánh niệm trên tọa cụ bước sang một chánh niệm trong sự sống hằng ngày, ảnh hưởng rất sâu xa đến nền tảng tự do của ta.
Trong cuộc sống hằng ngày, thực tập giữ chánh niệm về thân là một trong những phương pháp dễ dàng nhất giúp ta sống với hiện tại. Phương pháp quán niệm này rất hữu hiệu, đức Phật đã giành ra nhiều bài pháp để dạy về nó. Ngài nói rằng, giữ ý thức nơi thân sẽ dẫn ta đến Niết bàn, đến nơi giải thoát, đến một tình trạng vô điều kiện. Thế cho nên, mặc dù phương pháp tu tập này tuy rất là đơn giản, nhưng nó không có nghĩa là nông cạn hoặc chỉ hời hợt bề ngoài.
Thân ta là một đối tượng quán niệm hết sức rõ ràng và hiển nhiên, nó không sâu kín như là tư tưởng hoặc cảm xúc. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể ý thức được thân mình, nhưng chỉ có mỗi một điều là ta có nhớ để mà làm việc ấy hay không. Cái nhớ mới là khó chứ chánh niệm không phải là vấn đề.
Vì vậy bạn hãy nhớ sử dụng thân của mình như là một phương tiện để giúp ta tỉnh thức. Nó rất là đơn giản, thí dụ như bạn có thể thực hành bằng cách giữ một ý thức về tư thế của mình chẳng hạn. Có lẽ là bạn ngồi trong khi đang đọc quyển sách này. Ngay trong giây phút này, thân bạn có những cảm giác ra sao? Khi bạn đặt quyển sách xuống và đứng dậy, hãy cảm nhận động tác đứng lên ấy, ghi nhận những động tác khi bạn chuyển sang một sinh hoạt kế tiếp, cử động của bạn khi nằm xuống nghỉ ngơi sau một ngày. Hãy luôn để tâm nơi thân của bạn, khi di động, khi với lấy một vật gì, khi quay người... Sự thực tập rất là đơn giản, chỉ có vậy thôi.
Sống với hiện tại nơi thân mình là một lý do vì sao thiền hành đã giúp tôi rất nhiều trong sự tu tập. Sau khi đã bỏ ra hằng ngàn giờ đồng hồ để thực tập đi kinh hành trong nhiều năm trời, tôi thật sự có thể cảm giác được bàn chân và toàn chân của tôi, trong mỗi buớc đi, một cách hết sức tự nhiên. Thói quen có mặt với cảm giác của mỗi bước chân, cũng giữ cho ý thức của tôi được vững vàng trong những thời gian khác của cuộc sống hằng ngày.
Nhưng bạn không cần phải bỏ ra trăm ngàn giờ để thực tập thiền hành, hay bất cứ một phương pháp quán niệm nào đó về thân, mới có thể thấy được lợi ích của nó. Bạn chỉ cần kiên nhẫn tập ý thức những gì đang có mặt nơi đây, trong giờ phút này - mà thân ta thì bao giờ cũng ở đây - cho đến khi nào bạn có thể nhận thấy được hết cho dù một cử động thật nhỏ nhặt, và nó trở thành một bản tánh thứ hai của bạn. Giả sử như bạn với tay lấy một vật gì, thì là bạn đang thực tập đó, và không có gì khác hơn cần phải làm nữa hết! Hãy giản dị ghi nhận hành động với lấy ấy. Bạn đang di động. Bạn có thể tập có mặt để cảm thấy sự di động ấy không?
Sự tu tập ấy rất là đơn giản. Bạn hãy kiên trì và tiếp tục đem sự chú ý của bạn trở về nơi thân. Sự cố gắng căn bản, nhưng có vẻ hơi ngược đời là buông thả trở về với giây phút hiện tại, trao cho ta cây chìa khóa mở rộng cánh cửa ý thức của mình, trong lúc hành thiền cũng như khi sống giữa cuộc đời. Bạn đừng bao giờ coi thường sức mạnh của việc có cảm giác về những cử động đơn sơ của thân ta trong trọn một ngày.
Một cách khác có thể giúp ta phát triển được tâm quán chiếu, ngoài thời gian tọa thiền và các khóa tu, là đặc biệt chú ý đến những lúc ta có một kinh nghiệm mãnh liệt hoặc khó khăn. Đôi khi những giây phút bùng mở và tuệ giác thâm sâu nhất, lại xảy ra vào những thời điểm gay go nhất trong đời ta. Và đau đớn, bệnh hoạn, rối rắm tinh thần, gặp hiểm nguy... những giây phút kinh nghiệm mãnh liệt ấy, bao giờ cũng có thể xảy đến cho tất cả chúng ta.
Vì khi ta có một kinh nghiệm mãnh liệt, nó tự nhiên sẽ đóng đinh sự chú ý của mình lập tức. Lúc ấy, ta sẽ có cơ hội rất tốt để quan sát sự việc một cách chính xác và thận trọng hơn. Ta có thể quán chiếu để xem việc gì thật sự xảy ra và phản ứng của ta như thế nào. Ta có bị mắc kẹt không? Vì sao ta lại bị vướng mắc vào đó? Trong hoàn cảnh này ta nên xử sự thế nào cho phải? Chỗ nào ta có thể mở rộng ra và nơi nào cần nên buông bỏ?
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một vị tăng sĩ Phật giáo bị một con cọp vồ bắt trong rừng sâu. Các thầy khác đứng xa không thể làm cách gì để cứu ông được, họ chỉ có thể kêu lên nhắc nhở ông: “Giữ chánh niệm! Giữ ý thức!” Chuyện kể rằng, trong hoàn cảnh kịch liệt dữ dội đó, khi ông bị con cọp lôi kéo, cắn xé, ăn thịt, vị tăng sĩ ấy đã đạt được hết tất cả những trạng thái giác ngộ, liên tiếp nhau, trước khi ông chết.
Không phải tôi khuyên bạn nên đi vào rừng sâu tìm kiếm một con cọp đói nào đó, để mình có thể được tiến bộ nhanh chóng trên con đường đạo đâu nhé! Vì rất nhiều khi, bằng hình thái này hoặc hình thái khác, con cọp ấy lại thường đến tìm ta. Đến chừng đó, câu hỏi đơn giản là ta có biết sử dụng hoàn cảnh ấy cho sự tiến hóa tâm linh của mình hay không. Nếu không, ta sẽ lại tự tạo điều kiện để giam hãm mình sâu xa hơn trong những tập quán có sẵn lâu kiếp lâu đời. Và ngược lại, nếu có, thì những kinh nghiệm mãnh liệt ấy có thể là một hỏa tiễn phóng đẩy ta tiến thẳng vào khung trời giải thoát.
T