Cõi Niết bàn chốn nhân gian là quan niệm mà Phật giáo đại thừa thường nhắc tới. Vậy rốt cuộc cõi Niết bàn chốn nhân gian là gì? Nó tồn tại ở chỗ nào? Liệu con người có thể tạo ra nó được không?
Trong Kinh Duy ma cật có nói rằng “tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật thổ tịnh”, tức chỉ việc nếu cái tâm của ta trong sạch thì thế giới mà ta đang tồn tại cũng trong sạch. Đây không phải là việc tự vừa ý, tự mãn nguyện, mà chỉ rằng, tâm của ta trong sạch, cho dù thế giới này có ra sao ta đều không chịu bất cứ ảnh hưởng nào và thế giới mà ta nhìn thấy và cảm nhận được cũng trong sạch như thế. Khi đức Thích Ca Mâu Ni thành Phật, Ngài nhận thấy đạo lý rằng, muôn vạn chúng sinh đều có Phật tính, và cõi Sa bà – tức cõi nhân gian sinh sống sẽ trở thành cõi Niết bàn.
Trong cuộc sống thường nhật ta hay nghe người ta nói “ước gì được nấy”, khi trong lòng cảm thấy vui vẻ thì dù trời có đổ mưa cũng thấy ý vị đầy chất thơ, khi trời lạnh cũng cảm thấy thoải mái, hay như trời nóng cũng thấy thật ấm áp. Khi trong lòng khó chịu, bất an, buồn phiền, u sầu, chỉ cần nhìn thấy người khác cười cũng cho rằng họ đang cười chế nhạo mình.
Tôi từng chứng kiến một cặp vợ chồng cãi nhau, nhưng con của họ lại đang chơi rất vui vẻ ở bên ngoài. Khi về nhà nó vừa nhảy, vừa hát và gọi lớn tiếng bố, mẹ con đã về. Không ngờ người mẹ liền mắng mỏ, còn người cha giáng cho nó một cái tát. Thực ra đứa trẻ đó rất đáng yêu, chỉ là nó gặp phải lúc cha mẹ cãi nhau, đang trong tâm trạng không tốt liền bị đánh, bị mắng. Vì vậy, thế giới này có thể là cõi Niết bàn, cũng có thể là địa ngục trần gian, tất cả đều do chúng ta quyết định.
Khi tôi hướng dẫn tu thiền thường hay động viên những người tham gia rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải giữ cho trong lòng được vui vẻ, cái này trong Phật giáo gọi là “tùy hỷ” – tùy theo hoàn cảnh, tùy theo sự việc, tùy theo người mà vui vẻ. Thực ra, điều này không hề dễ dàng chút nào cả, khi con người ta nỗ lực kiếm tiền vì miếng cơm manh áo, thăng quan phát tài, sinh con, lấy vợ… thì nhất định có nhiều việc không như ý. Còn nếu trong nhà xảy ra chuyện không thuận lợi hoặc nghe thấy có kẻ nói xấu sau lưng, chỉ trích mình thì liệu ta có thể “tùy hỷ” được hay không? Khổng Phu Tử từng nói: “Văn quá tắc hỷ, tri quá tất cải” – tức chỉ khi nghe thấy
người khác nói ra lỗi lầm mình phạm phải thì vui vẻ mà nghe nhận, khi đã biết sai thì phải sửa. Điều này không hề dễ dàng thực hiện được. Đã là nhà tu hành thì dù không tỏ vẻ mặt vui mừng thì cũng không nên phản bác đối phương, nhưng đôi khi trong lòng vẫn dấy lên một chút lo lắng.
Nếu ta không thể có cảm giác vui vẻ trước bất cứ sự việc nào, bất cứ người nào, hay bất cứ lúc nào thì người không may mắn bị tổn hại chính là bản thân mình. Bởi người ta đã mở rộng tấm lòng đón nhận mình, mà mình còn không mở rộng vòng tay đón nhận họ, há chẳng phải là kẻ ngu đần sao? Chi bằng thay đổi một chút quan điểm sống, thì tự nhiên ta sẽ lĩnh hội được “tâm tịnh quốc thổ tịnh” – tức cái tâm có được trong sạch thì quốc thổ cũng được trong sạch. Tôi lấy ví dụ như khi vợ chồng cãi nhau, nếu một bên có thể giữ được “tùy hỷ” và dùng tấm lòng vui vẻ cảm ơn ông trời vì có cơ hội quan tâm đến đối phương thì việc cãi nhau đó ắt sẽ không thành.
Nếu giữa vợ chồng với nhau có thể giữ vững được “tùy hỷ”, chồng tung vợ hứng thì có ảnh hưởng tích cực đến con cái và các thành viên khác trong gia đình, cũng như ảnh hưởng đến đồng nghiệp khác trong công việc. Một cá nhân có thể gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến một vài người khác và cuối cùng đến vô số người, mở rộng về mặt không gian, kéo dài về mặt thời gian, đây cũng chính là “chiếc đèn vô tận” được nhắc đến trong bộ Kinh
Duy ma cật.
Ví dụ này trong Kinh Duy ma cật nhằm coi bản tính của chúng ta nhân hóa thành ánh sáng soi rọi khắp nơi của chiếc đèn gọi là “chiếc đèn vô tận”. Và cũng giống như quầng sáng, vòng sáng khắc họa trên lưng, trên đầu tượng Phật. Ánh sáng đó là ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của từ bi và cũng là ánh sáng của cái tâm trong sạc. Ngược lại, cái tâm chất đầy phiền não, cái tâm không trong sạch, dơ bẩn sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng trí tuệ, ánh sáng từ bi đó.
---o0o---