01. Chính tri kiến – thấy và biết đúng
Phật pháp đã chỉ ra bản chất của sự đau khổ, mục đích là để chúng ta tránh xa sự đau khổ đó. Nhưng làm thế nào để tránh xa sự đau khổ?
Tứ thánh đế trong Phật pháp gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Trong đó, Khổ đế nói rõ về bản chất cuộc đời; Tập đế nói về nguyên nhân của các nỗi khổ; Diệt đế nói về trạng thái sau khi đã diệt hết đau khổ; Đạo đế tức con đường chân lý là con đường chuyển đổi phàm phu thành thánh hiền. Nội dung của đạo đế phân thành tám mục, được gọi là Bát chính đạo – tức tám con đường chân chính gồm:
Chính kiến – thấy và biết đúng như sự thật, Chính tư duy – tư duy đúng sự thật,
Chính ngữ - nói năng đúng sự thật, Chính nghiệp – tạo nghiệp chân chính,
Chính mệnh – nuôi sống thân mệnh bằng nghề chân chính, Chính tư duy – suy nghĩ đúng đắn,
Chính niệm – ý niệm chân chính, Chính định – sự tập trung đúng đắn,
Chính tinh tiến – sự nỗ lực siêng năng đúng đắn, chỉ cần tu thành tám chính đạo này sẽ thoát khỏi ranh giới của sự đau khổ.
Chính kiến vô cùng quan trọng, chính kiến là tin vào quy luật nhân quả ba đời. Sau khi có được chính kiến sẽ tin rằng nỗi đau khổ mà bản thân mình phải gánh chịu bắt nguồn từ nghiệp trong quá khứ. Có người hay nói: Cuộc đời này tôi chưa từng làm hại ai, vậy tại sao tôi phải chịu những tổn thương? Phải biết rằng quả của ngày hôm nay chính là nhân gieo nên từ kiếp trước. Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, chúng ta lưu lạc sinh tử, hết kiếp này đến kiếp khác, không biết đã kết được bao nhiêu thiện duyên và ác duyên với chúng sinh; kết được thiện duyên sẽ nhận được quả thiện, kết ác duyên sẽ bị ác báo, vì thế quả báo không thể chỉ thấy ở kiếp này. Có nhiều người vì chưa nhận được sự báo ứng nên cho rằng không có luật nhân quả, trên thực tế, những tội ác gây ra trong kiếp này nếu không bị báo ứng ở kiếp này thì kiếp sau cũng không tránh khỏi.
---o0o---
02. Không gây ra tội ác sẽ không bị báo ứng
Làm thế nào để tránh được khổ đau, dành được niềm vui trong cuộc sống? Đầu tiên hãy đừng gieo nhân ác, nghĩa là không được gây ra một điều ác nào nữa, sau đó phải thẳng thắn đón nhận báo ứng, đồng thời cũng phải cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh. Cho dù người khác có làm mình đau khổ cũng không được gây gổ ngược lại mà còn phải nghĩ cho họ, cầu phúc hộ cho họ, đây chính là tinh thần của Bồ tát. Nếu hành được Bồ tát đạo thì cho dù bản thân phải chịu đau khổ, ấm ức cũng sẽ không cảm thấy thiệt thòi. Tôi có một đệ tử tại gia, sinh ra chưa đến ba ngày đã bị người cha đem bán. Khi ông ấy 50 tuổi cũng là lúc phải chuẩn bị ma chay cho cha mẹ nuôi trước lúc lâm chung. Lúc này cha mẹ đẻ của ông ấy cũng đang ở tuổi gần đất xa trời, gánh nặng chăm sóc bốn người họ lại đè lên vai ông ấy. Mọi người đều cảm thấy bất công cho ông ấy nhưng ông ấy lại nói với tôi như thế này: Thưa sư phụ, tôi thật sự là một người rất may mắn, người ta chỉ có một mẹ một cha, riêng tôi thì lại có những hai mẹ hai cha.
Ông ta nghĩ được như vậy nên trong lòng ông ta cảm thấy rất thanh thản, vui sướng. Ngược lại nếu ông ấy oán trách rằng: cha mẹ đẻ của tôi thật chẳng phải con người, sinh tôi ra chưa đến ba ngày đã đem bán, bây giờ già ốm lại còn bắt tôi chăm sóc họ, quả thật là không còn gì là đạo lý. Nếu ông ấy nghĩ như vậy thì sẽ luôn cảm thấy rất khổ sở.
Trong cuộc sống hiện nay mọi thứ đều yêu cầu phải công bằng, nhưng liệu có cách nào để làm được? Thí dụ vì sao chỉ có người vợ phải mang nặng đẻ đau mà người chồng lại không? Vì thế, trên một phương diện nào đó hoàn toàn không thể đòi hỏi sự công bằng. Ý nghĩa thực chất của công bằng là mỗi người đứng trên lập trường và góc độ của mình để làm tốt vai diễn của mình, nỗ lực hết trách nhiệm, đó chính là sự công bằng.
Đặc biệt là sau khi được trang bị đầy đủ chính tri, chính kiến của Phật pháp, thấm nhuần tinh thần của nhân quả người ta sẽ nhận thức được rằng mỗi người đều có phúc báo khác nhau, nhân duyên và trí tuệ của riêng mình và hoàn cảnh của mỗi người không giống nhau. Nếu hiểu được đạo lý này thì cho dù có công bằng hay không đều có thể thoải mái, không bị phiền muộn, kẻ thù tự nhiên sẽ bớt đi.
---o0o---