Thụ báo tức nhận chịu quả báo tốt hoặc xấu do những việc đã làm trong quá khứ; cho dù là ở kiếp này, kiếp trước hay quá khứ bao la đã làm bất kỳ một việc gì thì chỉ cần một kiếp trong đó có nhân duyên chín muồi thì sẽ phải tiếp nhận quả báo; làm việc tốt sẽ nhận được thiện báo, làm việc xấu sẽ nhận được ác báo, cho đến khi thành Phật rồi vẫn phải thụ báo, vì kiếp nạn có quan hệ với chúng sinh vô cùng vô tận, ân ân oán oán vướng mắc chưa được rõ ràng.
Khi con người ta nhận thiện báo sẽ cho rằng mọi thứ là đương nhiên, nhưng khi nhận phải khổ báo thì trong lòng không phục, luôn cảm thấy bản thân mình trong kiếp này chưa làm một điều xấu gì, tại sao lại phải chịu ác báo. Từ quá khứ cho đến hiện tại không biết đã có bao nhiêu nguyện ước. Khi còn nhỏ chúng ta đã có rất nhiều điều ước: “Sau này lớn lên, mình sẽ…, sau khi tốt nghiệp, mình sẽ…, nếu lấy chồng, mình sẽ…, nếu mình làm mẹ, mình sẽ…, nếu mình làm giáo viên, mình sẽ…”. Và trong cuộc sống này có nhiều điều ước đã thành hiện thực.
Khi còn nhỏ tôi rất thích đọc sách, nhưng thời đó không dễ dàng để tìm được sách, khi đó một đồng nghiệp trong quân đội nói với tôi: “Người anh em thích đọc sách như vậy thì sau này hãy mở một cửa hành bán sách để đọc cho thỏa thích.”
Tôi nói: “Mở một cửa hàng sách chỉ có vài quyển, số lượng có hạn, tại sao không phải là mở một thư viện?”
Anh ta nói: “Mở cửa hàng bán sách còn có thể kiếm tiền, có thể duy trì cuộc sống. Còn nếu mở một thư viện thì chỉ có bù thêm tiền, không có một ích lợi gì.”
Việc kiếm được tiền hay không tôi chưa hề nghĩ đến, tôi chỉ nói với anh ta rằng: “Sau này nhất định sẽ mở một thư viện.”
Anh ta nói: “Vậy thì anh hãy cứ mở đi.”
Sau lần đó tôi quả thực hoàn toàn không biết có cơ duyên để thực hiện hay không; 30, 40 năm qua đi cơ hội cuối cùng cũng đến, tôi sáng lập ra phòng nghiên cứu Phật học Trung Hoa, kèm theo cả thư viện có vài nghìn đầu sách, sau này thư viện chuyên ngành Phật giáo Pháp Cổ Sơn dự tính có 20 vạn đầu sách, và còn có Thư viện Tổng hợp Đại học Xã hội nhân văn Pháp Cổ Sơn. Ước nguyện của tôi dần dần thành hiện thực. Vì thế, ước nguyện là một loại động lực, đã có ước nguyện thì sẽ phải thực hiện vì thế hoàn nguyện cũng là một mục tiêu của cuộc sống.
Có người khi tham gia khóa tu thiền của chúng tôi, tôi cũng thường khích lệ họ nên có nguyện ước. Thí dụ khi chân bị đau nên nghĩ rằng: “Chưa nghe thấy tiếng khánh của chùa thì chân dù có tê mỏi thế nào cũng nhất định không duỗi.” Sau khi tự nhủ như vậy phần lớn mọi người vẫn duỗi chân ra để đổi thành tư thế khác, vì thực tế chân đã quá đau. Nhiều người sau khi tự nhủ nhiều lần đã không dám tự nhủ nữa vì cảm thấy không thực hiện được, vậy thì vì sao phải tự nhủ. Nhưng tôi vẫn khuyến khích mọi người hãy cứ tự nhủ một lần rồi lại một lần nữa, dần dần sẽ càng kiên trì được, ước nguyện cũng dần thành hiện thực, nếu chỉ dám ước một lần rồi thôi thì ước nguyện đó sẽ không đủ mạnh.
Các đệ tử Phật giáo mỗi buổi sáng và buổi tối đều phải đọc thuộc Tứ hoằng
thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ/ Phiền não vô tận thệ
nguyện đoạn/ Pháp môn vô lượng thệ nguyện học/ Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Nhiều người sau khi nguyện ước mà xảy ra tranh cãi với người thân, đồng nghiệp thì trong lòng luôn cảm thấy buồn, hối hận, tâm tưởng vừa nguyện rằng phải độ chúng sinh, đoạn tuyệt với phiền não, bây giờ lại phản bội lại lời thệ nguyện. Nhưng tôi nói với họ rằng, chỉ cần thệ nguyện nhiều lần thì tình hình sẽ được cải thiện, sức mạnh của lời nguyện cầu sẽ dần dần tăng thêm.
---o0o---