Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta luôn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, không tạo ra khoảng chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển của các vùng kinh tế, các địa phương. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế cũng chỉ ra rằng, các quốc gia không nên và không thể dàn hàng ngang trong quá trình phát triển, mà phải có đầu tàu kinh tế để kéo cả nền kinh tế vận hành với tốc độ tăng trưởng cao và có hiệu quả.
Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, các quốc gia đã đã dành nguồn lực thỏa đáng cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, tạo thành trung tâm kinh tế lớn với cơ cấu kinh tế hiện đại, có giá trị gia tăng cao và tạo ra nhiều việc làm trong quá trình đô thị hóa. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là những điển hình đối với việc hình thành các trung tâm kinh tế lớn. Nhật Bản có Tokyo và Osaka, Hàn Quốc có Seoul và Busan, Đài Loan có Đài Bắc và Cao Hùng, Trung Quốc có Bắc Kinh và Thượng Hải.
Một ví dụ điển hình là thủ đô của Hàn Quốc. Sau chiến tranh, Seoul tập trung vào việc tái thiết và hiện đại hóa. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh chóng thì quá trình đô thị hóa cũng tăng tốc, quy mô của khu vực hành chính Seoul đã mở rộng đáng kể khi sáp nhập một số thị trấn và làng mạc từ các địa phương xung quanh. Theo số liệu điều tra dân số năm 2012, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc, dân số nội thành hơn 10 triệu người, chiếm 20% dân số Hàn Quốc, với diện tích 605 km², nhỏ hơn TP.HCM, là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới. Seoul có kết nối số nhiều nhất thế giới với số người sử dụng Internet nhiều hơn tất cả Châu Phi hạ Sahara trừ Cộng hòa Nam Phi, là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước, là nơi đặt đại bản doanh của nhiều tập đoàn thuộc Fortune Global 500 như Samsung, SK Group, Hyundai, Posco và LG, là một trong 20 thành phố toàn cầu quan trọng
Seoul là đầu tàu tạo nên “Kì tích Sông Hàn”, hiện đang là đầu tàu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử.
Ở nước ta, Hà Nội và TP. HCM mặc nhiên là hai đầu tàu tăng trưởng ở hai vùng của đất nước. Để phát huy thế mạnh của cả hai thành phố lớn đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học, trên cơ sở đó có cơ chế đặc thù thích ứng với vị thế và tầm
quan trọng của chúng nhằm đóng góp nhiều hơn vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, tham gia có hiệu quả vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
Năm 2018, TP.HCM có 8,5 triệu dân, GDP đạt 1,33 triệu tỷ đồng (khoảng 59 tỷ USD), GDP/người đạt 6.500 USD; tốc độ tăng trưởng 8,3%, chỉ số sản xuất công nghiệp 8,15%, kim ngạch xuất khẩu đạt 38,34 tỷ USD, thu ngân sách đạt 369.621 tỷ đồng. Các số liệu thống kế cho thấy: trong khi dân số TP.HCM chiếm khoảng 9% dân số Việt Nam thì GDP chiếm 22,7%, GDP/người bằng 2,65 lần, thu ngân sách chiếm 25% của cả nước. TP.HCM là nơi sinh sống tập trung của gần 6.000 triệu phú USD, trong đó 90 người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên (trên 660 tỷ đồng).
TP.HCM là trung tâm đào tạo và giáo dục, nơi có hàng chục trường đại học, cao đẳng lớn; là trung tâm khoa học và công nghệ, nơi có nhiều viện nghiên cứu hàng đầu, khu công nghệ cao, trung tâm dịch vụ ngân hàng, tài chính.
TP.HCM là thị trường lớn nhất nước ta, khoảng 30% doanh nghiệp đang đầu tư và kinh doanh tại đây, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn, là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI, tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường khu vực và thế giới. Hiện nay TP.HCM chiếm 34% tổng số doanh nghiệp tư nhân của nước ta, trong khi cả nước dự kiến 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì TP.HCM dự kiến sẽ có 500 nghìn doanh nghiệp.
TP.HCM là thị trường tiêu thụ lương thực, thực phẩm, thủy sản của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời là cứ điểm sản xuất hàng công nghiệp và dịch vụ cung ứng cho thị trưởng đồng bằng Sông Cửu Long; sự hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực đã được duy trì và phát triển cùng với quá trình tăng trưởng của cả vùng kinh tế; trong đó TP.HCM đóng vai trò trung tâm một cách tự nhiên đối với sự phân công và hợp tác với từng địa phương.
TP.HCM tiếp cận với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thuận lợi hơn các địa phương khác, kể cả Hà Nội, bởi vì nền kinh tế của thành phố trước giải phóng là kinh tế thị trường khá phát triển, quan hệ thương mại quốc tế giữa thành phố với thị trường khu vực và quốc tế đã hình thành, tính năng động và linh hoạt của doanh nhân được duy trì cho đến ngày nay.