Từ ký ức khó quên

Một phần của tài liệu TC-NDT-T4-2019_update-15-4-2019 (Trang 35)

Trong cuộc đời di chuyển ở nhiều nơi trong và ngoài nước, tôi có mặt ở Tp. HCM khá sớm, đó là vào mùa hè năm 1979. Lịch sử vẫn còn ghi lại đó là năm khốc liệt nhất của đời sống kinh tế thời hậu chiến. Năm đó, thiên tai, địch họa như đồng lõa thử thách sức chịu đựng của con người. Rời miền ga Thanh Hóa, trên chuyến tàu quân sự năm đó, chúng tôi phải mất

gần bốn ngày đêm ròng rã mới vào tới Sài Gòn. Nhìn qua cửa sổ thấy cảnh vật loang loáng hiện ra hai bên đường như trong bộ phim dài tập. Khúc ruột miền Trung dài dằng dặc với đồi trọc, những cánh đồng khô cháy, thi thoảng có những khoảnh rừng già còn sót lại hai bên đường. Khi tàu tới ga Hố Nai thuộc thành phố Biên Hòa thì trời xẩm tối, nhìn ra xa về phía Nam, một quầng sáng hiện lên về phía chân trời, một người dân bán hàng rong nói: “Phía đó là Sài Gòn”.

Ngày hôm sau, lần đầu tiên tôi có mặt ở thành phố đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Khác với sự đìu hiu vắng vẻ và nhếch nhác của các đô thị miền Bắc, Sài Gòn hồi đó đã đông đúc, tấp nập. Những chiếc xe lam 3 bánh chạy dầu đi lại như con thoi khiến việc di chuyển khá thuận lợi. Chợ búa đông đúc, hàng hóa đầy ắp và người mua kẻ bán nhộn nhịp.

Mãi sau này, khi rời khỏi quân đội về học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lên thư viện đọc những cuốn sách về lịch sử kinh tế của Đặng Phong, tôi mới hình dung ra bức tranh toàn cảnh của thời đó. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vinh quang quá lớn, quá lạc quan, người Việt tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ” ra sức siết chặt các chính sách kinh tế nhằm “tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH”. Cùng với chính sách đổi tiền, thống nhất tiền tệ trong cả nước, Nhà nước chủ trương xây dựng nền kinh tế gồm hai thành phần: Quốc doanh và tập thể, thực hiện chính sách “Cải tạo kinh tế tư nhân”. Kinh tế trì trệ, khủng hoảng, đời sống người dân thiếu thốn đủ đường.

Lãnh đạo Thành phố hồi bấy giờ vốn là những người từng có nhiều năm hoạt động bưng biền, chỉ huy chiến tranh du kích nên vô cùng linh hoạt, năng động. Nhìn thấy thị trường khan hiếm hàng hóa, nhân dân đói khổ nên đã áp dụng nhiều chính sách linh hoạt. Trước hết là chính sách “phá giá thu mua” lúa của Công ty lương thực TP. HCM với sự bật đèn xanh của Bí thư thành ủy hồi đó là ông Võ Văn Kiệt. Cùng với đó là chính sách mở cửa xuất nhập khẩu cho các loại hàng hóa thiết yếu, kể cả hàng second-hand theo những con tàu viễn dương vào cảng Cát Lái… Nhờ đó trong khi cả nước lạm phát phi mã, hàng hóa khan hiếm, đời sống nhân dân đói khổ thì ở TP. HCM đời sống người dân vẫn dễ thở hơn. Đã có thời điểm, Thành phố này đã đóng góp hơn 50% nguồn thu ngân sách cho cả nước và là một trong những địa phương hiếm hoi bội thu.

Một phần của tài liệu TC-NDT-T4-2019_update-15-4-2019 (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(57 trang)