Giá đất tại các khu dân cư lớn thuộc các quận như: Cái Răng, Ninh Kiều tăng từ 10 - 15% so với trước Tết, dao động từ 670 triệu đồng - 2 tỷ đồng/lô tùy diện tích. Riêng sản phẩm nhà ở dạng chung cư có giá từ 1,8 - 2 tỷ đồng/căn, nhà ở riêng biệt đang ở mức 3,2 - 8 tỷ đồng/căn, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2018. Còn theo ghi nhận của các công ty môi giới bất động sản ở khu Nam Cần Thơ, từ cuối tháng 2 đến nay, cơn “sốt đất” cục bộ đã diễn ra sôi động. Giá đất được các nhà đầu tư và những chủ đất kêu bán với giá tăng cao từ 50 đến 100 triệu đồng trong một tuần, thậm chí trong vài ngày.
Nếu tính từ ngày mở bán khu nhà ở Nam Long - Hồng Phát (tháng 9/2017) với mức giá khởi điểm 550 triệu đồng (mức giá nền thấp nhất), thì đến nay sau gần 2 năm, đất nền có diện tích 5,7m x 14m hiện nay được rao bán 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng/nền. Như vậy, chỉ chưa đầy 2 năm giá đất khu này đã hơn 5 lần, có thể nói đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay ở khu Nam Cần Thơ.
Ngoài dự án trên, các dự án khác cũng có đà tăng giá mạnh như khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô, khu dân cư Hưng Phú 1, khu dân cư Phú An (586), khu dân cư Nông thổ sản... thậm chí khu dân cư Hưng Phú (Công ty Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư) vốn rất
“bèo bọt”, khách hàng thờ ơ, giờ lại tăng giá “vùn vụt”. Thời điểm này, cầm 2 tỷ đồng muốn mua đất ở khu Nam Cần Thơ cũng không phải dễ. Ở các khu vực xa trung tâm thành phố, như: khu dân cư Phú An diện tích 5mx24m giá dao động từ 2 đến hơn 2,5 tỷ đồng/ nền; dự án Thiên Lộc, diện tích 5mx20m giá cũng khoảng 1,3 -1,5 tỷ đồng/nền; khu dân cư Hồng Loan (khu 5C) diện tích 5mx16m có giá từ 1,5 tỷ đến gần 2 tỷ đồng (hợp đồng góp vốn).
Giới đầu tư cho biết, giá bất động sản tại thành phố Cần Thơ liên tục tăng là do thành phố đang đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Thị trường sẽ tiếp tục sôi động ở phân khúc nhà ở và đất nền riêng lẻ đã hoàn thiện hạ tầng và có đủ hồ sơ pháp lý. Những tháng gần đây, đất nền dự án nhiều nơi tại thành phố Cần Thơ tăng giá chóng mặt. Nhu cầu nhà ở thực sự tăng rõ rệt khiến mật độ dân cư, mật độ xây dựng ở các khu đô thị mới cũng tăng theo.
Theo nhận định của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, dự báo thị trường bất động sản trong năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, không có nguy cơ xảy ra “bong bóng bất động sản”. Nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch thành các khu đô thị mới, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ông Thanh Vân ngụ quận Cái Răng, sau Tết có khoản tiền nhàn rỗi dự định mua một, hai nền đầu tư, nhưng săn đón cả ngày cũng ra về tay không và than: “Tôi không hiểu vì sao mua đất đai bây giờ nhanh như mua mới rau con cá ở chợ vậy, trong khi mỗi lô nền có giá trị lên đến một vài tỷ đồng!”
Ông Nguyễn Văn T (xin không nêu tên), hiện đang công tác ở một cơ quan nhà nước của thành phố Cần Thơ kể: “Nhiều lần chọn tìm mua một lô nền ưng ý mua để xây nhà, chọn chưa được thì giá đất cứ leo thang. Đầu tháng 3 vừa thống nhất với đơn vị môi giới mua lô nền ở khu dân cư Hồng Loan (khu 6A) với giá 13,5 triệu đồng/m2 nhưng đến ngày hôm sau, công ty báo đã giao dịch rồi”.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cho bết, tính đến cuối năm 2018, dư nợ bất động sản trên địa bàn đạt gần 7.000 tỷ đồng, chiếm gần 9% tổng dư nợ và tăng gần 30% so với cuối năm 2017. Mức tăng trưởng tín dụng này được xem là khá cao so với các năm trước đây.
Giới kinh doanh bất động sản cũng có cái nhìn rất lạc quan, tin tưởng thị trường bất động sản tại Cần
Thơ vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, họ cũng thẳng thắn nhìn nhận sẽ cần có thêm những dự án mới từ các nhà đầu tư lớn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Với xu hướng hiện tại, giá “tăng sốc” sẽ gây khó khăn cho người dân thực sự có nhu cầu mua để ở.
Trước tình trạng số đất nền, Sở xây dựng Cần Thơ cho biết, đất nền dự án hiện nay ở khu vực trung tâm thành phố và các quận ven khá khan hiếm, dự án mới đang triển khai khá ít, một vài dự án khác còn đang xin chủ trương. Muốn có nền hoặc nhà, đất phải có thời gian trong khi nhu cầu nhà ở, đất ở trong dân còn lớn, đó cũng là nguyên nhân dễ sinh ra “sốt đất” cục bộ trên địa bàn.