Đối với công tác quản lý NHTM

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA RỦI RO TÍN DỤNG VÀ RỦI RO THANH KHOẢN CỦA NGÂN HÀNG THƢƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 57 - 58)

Hoạt động cho vay vẫn là hoạt động chủ yếu đối với các NHTM tại Việt Nam. Do đó, sự gia tăng của rủi ro tín dụng thường liên quan đến tốc độ gia tăng của nợ xấu khi đó buộc các NHTM chi ra các khoản chi phí giám sát chất lượng khoản vay và chi phí dự phòng rủi ro. Nợ xấu tăng kéo theo những dấu hiệu ban đầu của sự bất ổn của hoạt động NHTM làm giảm hiệu quả kinh doanh cũng như ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động. Qua đó, đưa ra một số kiến nghị cần lưu ý đối với quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng của NHTM:

Thứ nhất, dựa vào kết quả cho thấy quy mô ngân hàng có tác động cùng chiều đến cả rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. Do đó, các NHTM có quy mô càng lớn cần phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay mang tính rủi ro cao vì nó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến chính ngân hàng đó mà còn đến toàn bộ hệ thống ngân hàng. Các NHTM không chỉ nên quá tập trung vào hoạt động cho vay đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán mà thay vào đó đa dạng hoá các danh mục đầu tư để có thể làm phân tán rủi ro tín dụng hay đa dạng hoá kỳ hạn để có thể chia nhỏ các nguồn vốn cho vay theo từng thời hạn một cách phù hợp để giảm bớt gánh nặng thanh toán cũng như đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, yếu tố cấu trúc vốn có tác động cùng chiều với rủi ro thanh khoản. Mặc dù, tiền gửi khách hàng là nguồn tài trợ ổn định nhưng đa số đều là nguồn vốn ngắn và trung hạn; từ đó gây ra việc mất cân bằng giữa nguồn vốn tiền gửi và cho vay chênh lệch kỳ hạn do phần lớn tín dụng trung và dài chiếm tỷ trọng khá lớn ( 50%) dẫn đến việc gây áp lực lên huy động vốn trung và dài hạn cũng như gia tăng rủi ro thanh khoản. Các NHTM cần phải chủ động bảo đảm thanh khoản và tính toán thận trọng trong việc duy trì khả năng thanh khoản cao hơn, bảo đảm lượng tiền mặt để sẵn sàng ứng phó các yêu cầu về kinh doanh và chi trả.

Thứ ba, yếu tố của tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản cùng chiều với rủi ro tín dụng. Khi các NHTM muốn duy trì mức vốn cao trong điều kiền chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu cao thì các NHTM có khuynh hướng đầu tư vào các danh mục tài sản rủi ro cao hơn để bù đắp chi phí cơ hội đã mất. Do đó, các NHTM cần phải xem xét kĩ

càng hơn về quy trình phê duyệt tín dụng cũng như thẩm quyền phê duyệt tín dụng của cấp cao để có thể hài hoà giữa nhu cầu phát triển tín dụng và khẩu vị rủi ro của ngân hàng.

Thứ tư, các NHTM cần quản lý tốt các loại tài sản thanh khoản để có thể kịp thời chuyển đổi tài sản thành tiền mặt với chi phí thấp nhất khi cần thiết. Đây là các loại tài sản dễ dàng mua bán trên các thị trường thứ cấp hoặc được Chính phủ chiết khấu. Do đó, các NHTM cần phải thẩm định thận trọng các loại tài sản thế chấp cũng như nâng cao chất lượng tài sản có nhằm giảm chi phí và tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu.

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA RỦI RO TÍN DỤNG VÀ RỦI RO THANH KHOẢN CỦA NGÂN HÀNG THƢƠNG MẠI Ở VIỆT NAM (Trang 57 - 58)