KẾT LUẬN CHUNG ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỜI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (Trang 65 - 66)

Bài nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa các yếu tố nội sinh tác động như thế nào đến khả năng sinh lời của các NHTM tại Việt Nam, nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng thu thập từ báo cáo tài chính của 17 NHTM được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2011-2018. Nghiên cứu tiến hành ước lượng mô hình hồi quy thông qua 3 phương pháp Pooled OLS, FEM, REM. Sau đó, tiếp tục tiến hành kiểm định Hausman để lựa chọn mô hình phù hợp. Và ở tất cả các mô hình hồi quy, kết quả kiểm định đều cho thấy FEM là mô hình phù hợp nhất. Cuối cùng, nghiên cứu sử dụng hồi quy theo phương pháp FGLS để khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan trong mô hình nhằm đảm bảo tính hiệu quả cho mô hình hồi quy. Kết quả hồi quy ở các mô hình nhận được các biến có ý nghĩa thống kê đối với ROA là quy mô tài sản (SIZE), tỷ lệ vốn chủ sở hữu (TEA), chi phí hoạt động (CIR) và tỷ lệ nợ xấu (NPL).

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, ngân hàng có quy mô đủ lớn thì có sẽ có cơ hội khai thác lợi thế theo quy mô, từ đó có thể gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Bên cạnh đó, việc ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao cũng có thể cải thiện được lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy rằng việc các ngân hàng có khả năng kiểm soát tốt chi phí hoạt động sẽ giúp cho lợi nhuận ngân hàng được nâng cao. Đặc biệt, các ngân hàng cũng cần chú trọng hơn nữa trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng nhằm cải thiện lợi nhuận cho ngân hàng mình. Hiện trạng đối với các NHTM trong những năm gần đây đã cho thấy cái nhìn trực quan về mối quan hệ này, khi nợ xấu tăng cao, cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng cao đã làm cho lợi nhuận ngân hàng có sự sụt giảm đáng kể, gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa tìm thấy mối quan hệ giữa tỷ lệ thanh khoản và khả năng sinh lời của các NHTM tại Việt Nam. Tóm lại, kết quả nghiên cứu đã

một lần nữa cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng có sự tác động của các yếu tố nội sinh đến khả năng sinh lời của NHTM, cụ thể là mối quan hệ cùng chiều của quy mô tài sản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, hay mối quan hệ ngược chiều của chi phí hoạt động và tỷ lệ nợ xấu đối với lợi nhuận ngân hàng. Như vậy bài nghiên cứu đã trả lời hai vấn đề đã đặt ra ban đầu: Thứ nhất, có hay không sự tác động của các yếu tố nội sinh kể trên đến lợi nhuận ngân hàng? Thứ hai, nếu có tác động thì tác động này là cùng chiều hay ngược chiều? Ngoài ra, thông qua kết quả nghiên cứu còn cho thấy mức độ tác động nhất định của từng nhân tố đến lợi nhuận ngân hàng, từ đó có thể sử dụng làm căn cứ để đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao khả năng sinh lời của ngân hàng.

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỜI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (Trang 65 - 66)