VÙNG CÀ-MAU: THẢO-MỘC,
THÚ RỪNG VÀ NHÂN-VẬT
(cọp – khỉ – sấu – kỳ đà Cà-Mau)
Một người có chút óc quan sát, khi lạc lối vào rừng Cà-Mau, tự nhiên có cảm giác mình đang ở một vùng không như miệt đồng-bằng Cửu-Long, hoặc miệt cao nguyên rừng núi Đồng-Nai, Bình-Định, Khánh-Hòa nữa. Phải một cuốn sách dày họa may mới nói đủ, và đây tôi chỉ chấm phá sơ-lược vậy thôi.
Tỷ như về thảo-mộc, nhận xét thấy đất Cà-Mau có hai mùa riêng biệt, không giống các vùng khác, một mùa mưa có nước ngọt thì cây cỏ xanh um và phát triển bình thường như các nơi khác, và một mùa hạn, cây cỏ khựng lại, phải có năng tưới nước ngọt thì mới chịu đựng nổi chờ mùa mưa sau, không thì lá vàng hoặc héo hoặc khô rụng, và cây cỏ sẽ chết. Trừ phi những vùng đất giồng, đất gần mé biển họăc pha cát có vô phân nhiều, gọi đất thuộc, thì mới trồng trọt được. Trái
lại trong rừng, cây cỏ thiên nhiên thì thuộc loại rừng sác, có đặc tính rất khác các giống mọc nơi đất tốt: cây mọc đất tốt thì rễ đâm sâu gọi rễ con chuột hoặc thài lài trên mặt đất, duy cây cỏ vùng Cà-Mau thì hoặc có rễ rất nhiều và mọc từ thân cây mọc ra gọi rễ bất định, tượng trưng là cây đước(1), cây bần (thủy-liễu)(2) và như cây ô-rô, lá có gai, cỏ ráng lá rất dày dùng làm chổi được và cỏ lác, nước ngập tới đâu đều vượt lên cao và dùng đan chiếu rất bền và rất vệ-sinh vì chiếu lác rút mồ hôi không như chiếu nilon tuy trơn sạch nhưng không rút nước. Trừ phi ngày nay trồng được cây ăn trái chớ trước kia chỉ có hai giống cây chịu đựng được và mọc được ở Cà-Mau, đó là cây chuốt hột và cây mảng-cầu xiêm.
Về nhân-vật, vì ảnh hưởng phong thổ nhứt là nước uống, người sanh trưởng vùng nầy nước da đen-xanh như “bịnh mà không phải bịnh”, nhỏ thó người gần như