CẢNH VẬT CHỢ PHỐ SỐC-TRĂNG MẤY CHỤC NĂM VỀ TRƯỚC

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 109 - 112)

MẤY CHỤC NĂM VỀ TRƯỚC

Mãi ham nói về cô gái lai bán bánh pía và chợ Phú- Nổ, nói đông nói tây đủ thứ mà chưa nói đến phố chợ Sốc-Trăng, bao nhiêu cảnh vật cũ và châu thành như tôi đã biết, cách mấy chục năm về trước. Những người cố cựu và ly hương vì hoàn cảnh như tôi, mỗi lần có dịp trở về xứ cũ, không khỏi bồn chồn tấc dạ. Giận vì không biết làm thơ nên không thể nói hết những gì ẩn náu tự đáy lòng, nhưng ai cũng như nấy, tuy nhìn nhận chợ Sốc-Trăng ngày nay vui hơn trước, náo nhiệt phồn thịnh hơn, nhưng được cái nầy mất cái kia và khung cảnh nên thơ “lối xóm như bà con một nhà của thuở trước”, quả nay đã mất. Ngày nay nhà ai nấy ở và việc ai nấy lo, khác hơn trước hễ ở một xóm với nhau, miễn một nhà có việc thì cả xóm chung lo, và nhà nầy nhà kia qua lại với nhau thân thiện hơn bà con một họ. Mà cũng không trách ai bây giờ. Xưa lèo bèo dân ít người thưa nên thân nhau là lẽ thường. Ngày nay đông đúc khiến phải liệu cơm gắp mắm, chớ nếu ăn ở theo đà cũ,

thù tạc vãng lai như kiểu trước, lấy đâu cho đủ mà ăn? Nghĩ cũng ngộ: từ bị cái nạn binh lửa dẳng dai trông hoài không thấy dứt, dân trong tỉnh đã leo thang lên mấy bực mà không ngờ. Dân trong sốc trong làng quê đổi ra chợ ở, dân tỉnh thành thì chạy lên Sài-Gòn, và những kẻ nào đi lầm đường, quá hống hách thì lội lánh đi xa, sợ vướng chân vướng cẳng, kẻ nào có thế lực sẵn tiền thì bay tuốt sang Pháp, kẻ nào ít bề thế thì mạnh ai nấy trốn chui núp ở đỡ đâu đó tạm thời, sống qua ngày tháng chờ thanh bình trở lại. Tôi không có tội gì mà vì sợ vạ lây, cũng chạy lên Sài-Gòn rồi dính gốc dính rễ trên nầy, ngày về xứ vẫn còn xa lắc.

Ngày nay những người cố cựu tỉnh Sốc đã không còn mấy: lớp thì già cỗi chết lần mòn, lớp theo con cháu tản lạc xứ khác... Những người lớp mới, hoặc từ sốc quê ra chợ như đã nói trên, hoặc đó là công chức, sĩ quan, binh nhơn từ xa đổi lại, nên mỗi lần về tỉnh, từ dân nhau rún tôi trở thành dân tha phương, và cho đến cái xóm cũ, bộ mặt ngày nay nhìn cũng đà lạ hoắc. Tỷ như cây cầu sắt nối liền phố chợ qua xóm hành chánh thì nay đã triệt hạ, khúc sông lấp bằng, cây “cầu bon” (pont) nầy không còn nữa. Con đường Cái nối liền hai cầu sắt, một cầu dỡ bỏ một cầu kia gọi “cầu quây” nay xem cũng quá cũ kỹ, con đường nầy là mạch sống trong châu thành và quan trọng náo nhiệt nhứt trong tỉnh thì cũng phế hưng mấy độ thay tên mấy lần: lớp Ba tôi sống nơi đây trên tám mươi sáu năm thì biết nó dưới danh từ “đường Hàng Me”, kịp đến tôi ở tại đây

trên năm mươi năm trước khi dời về Gia-Định, thì đó là con đường Đại-Ngãi, qua lớp hai em tôi tiếp tục ở y chỗ cũ thì đổi lại là đường Hai Bà Trưng hoặc đường Nhị Trưng, hai danh từ nầy đến nay tôi cũng chưa rõ cái nào là đúng. Lúc bé thơ, tôi nghe Ba tôi kể lại là đường ấy có tên đường Hàng Me, vì dọc theo hai bên lề có trồng hai hàng me gốc thật to, từ đời đàng cựu để lại. Dịp bão năm giáp-thìn (1904), me bị gió trốc gốc ngã la liệt, nên thừa dịp ấy nới đường thêm rộng ra hai bên, me bị đốn hết và thế vào là hai hàng sao, mà chính tôi thấy từ nhỏ đến lớn, song song hai hàng yêm mát nối liền hai cầu sắt. Từ trận bão đốn me cũng đổi tên đường là

đường Đại-Ngãi, vì nếu cứ con lộ nầy chạy thẳng hoài thì sẽ đến xứ cá cháy Vàm Tấn tức làng Đại-Ngãi vậy. Trước năm 1920, con đường nầy chỉ lèo bèo hai dãy phố trệt, trước phố có mái hiên lợp bằng thiếc lúp xúp, có hai hàng cột gỗ kềnh càng đỡ mái ấy, thêm có hai hàng mương gạch cho nước thông thương nhưng rất bất tiện vừa dơ dáy vừa gàn trở qua lại, nhưng lúc ấy nhờ chưa có ô-tô và chỉ có xe kiếng và xe kéo lưu thông nên con đường chưa thấy chi là chật hẹp. Ban đêm vì chưa có điện nên mỗi nhà phải treo và thắp một đèn lồng trước cửa cho sáng, trong lồng kiếng có chong một ngọn đèn dầu hỏa; nhưng ác nghiệt thay, dân hai bên phố lại hiểu lầm ý nghĩa của sự soi đường vì lợi ích chung và thi nhau sắm đèn loại “con cóc”, tim đèn thật nhỏ để ít tốn dầu, miễn sao gió thổi mà đèn đừng tắt là

được, vì đèn tắt thì lính phú-lít bắt phạt sáu cắc tội vi cảnh cũng như mương trước nhà dơ hay sân nhà có rác giấy vụn vằn, mỗi mỗi đều có dịp tốt cho ma-tà phú-lít lập biên bản, phạt sáu cắc không ai phàn nàn, chỉ phàn nàn phải công đi hầu cò bót suốt buổi mệt trí.(1) Có khi muốn chơi ác, lính tự thổi đèn rồi kêu cửa lập vi bằng, đó mới là hết nước nói.

Nơi mỗi ngả tư đường cái thì có trồng bốn cây cột gỗ, trên đầu có cắm một lồng đèn lớn, mỗi buổi chiều sập tối có một người phu đem thang leo lên thắp đèn và mỗi sáng cũng người phu ấy đến thổi tắt. Gần năm đệ nhứt thế chiến bên Âu-châu, lối năm 1914, tại chợ Sốc-Trăng thay hết đèn dầu lửa nơi ngả tư đường, trồng cột xi-măng cốt sắt treo đèn có manchon đã sáng hơn trước nhiều thêm ít bề bộn vì cột đèn bớt lại, bốn cây đèn dầu hỏa đứng tứ trụ, nay còn lại hai cây cột để giăng dây sắt treo đèn măng-xông lủng lẳng ở giữa ngay trung tim lộ. Tuy thành phố không sáng sủa như hiện giờ nhưng riêng tôi, tôi thấy cảnh trí lớp xưa đáng thơ mộng hơn vì nhờ đèn kém sáng nên con trăng rằm thấy đẹp, nay đâu đâu cũng có đèn điện đèn néon, con mắt dân chúng đã quá quen,

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 109 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)