BA-THẮC, HẬU-GIANG, NĂM MƯƠI NĂM VỀ TRƯỚC

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 37 - 63)

NĂM MƯƠI NĂM VỀ TRƯỚC

Nói chuyện năm mươi năm về trước, thoạt nghe tưởng chừng là xa xôi lắm, gần trót một đời người; nhưng khi gẫm lại thì cũng gần đây thôi, chỉ lối năm 1915 chớ không xa lắc gì.

Năm 1915, xứ ai nấy ở, tiếng ai nấy nói. Tiếng Huế và giọng Bắc, trong Nam chưa từng quen nghe và cũng ít ai hiểu rành. Báo Nam-Phong, ngày nay sưu tập đủ bộ giá bạc triệu, thế mà khi xuất bản vào năm 1917, giá bán trọn niên ba đồng, mỗi số lẻ ba hào, phải ép làng xã mua giúp, và người Miền Nam nào đọc một câu mà hiểu được phân nửa, người ấy đã là tài lắm rồi. Thuở đó muốn ra Bắc phải đi tàu, dại sóng mấy ngày. Đường xe lửa xuyên Việt thì chưa giáp nhau, cầu kỳ chắc chắn bằng bê-tông chưa có đủ chỗ. Xe ô-tô toàn hiệu Pháp, những Peugeot, Renault, Delahaye, De Dion Bouton, sang hơn hết là hiệu Delage, nội Sài-Gòn chỉ có chừng

năm ba trăm chiếc hoặc của Chánh-phủ, - xe Thống- đốc Nam-kỳ mang số 20, - hoặc phải mấy tay nhà giàu gộc mới sắm nổi, tỷ như ông Lê-Phát-An là cậu của bà Nam-Phương, chú Hỏa, chủ hãng tàu Nam-Long, chủ nhà máy xay Nam-Hải, hoặc của bà Tám Đội, bà nầy giàu, có vườn cao-su và làm chủ một gánh hát bội lớn ở trong Chợ-Lớn tục gọi gánh hát và rạp hát cô Tám. Nhưng như đã nói, sắm xe hơi để khoe thế lực chớ không chạy đâu xa, vì bắc cầu không kịp, chỉ chạy lẩn quẩn quay quần chung quanh Sài-Gòn: Lăng Tô (Láng Thọ) lên tới Lăng Cha Cả vô Chợ-Lớn rồi trở về theo con đường mé sông, và lúc đó xe song mã, tuy không sang bằng ô-tô, nhưng nhiều người dùng hơn và đã là sang trọng lắm rồi. Tôi còn nhớ bà Phủ An ở Sốc-Trăng (là bà nội của người bạn trăm năm trước của tôi nhưng nửa đời chia tay), bà có sắm một chiếc xe hiệu Delage, muốn đem về xứ phải mướn tàu chở từ bến Sài-Gòn xuống đến bến Đại-Ngãi, rồi từ đó mới có đường liền chạy về thành phố. Xe nầy không có cửa, mui xe bằng vải có dây căng thẳng xuống hai bên vè, căm xe làm bằng cây giá tị, có chừa chỗ trống hai bên thùng xe để leo lên leo xuống và chỗ chừa nầy không có cánh để đóng kín cho nên tôi gọi là xe không có cửa. Lúc đó xe chạy bằng một thứ xăng khi khói xịt ra có mùi thơm như mùi nhãn chín, khiến cho trẻ nít ở châu thành đã quen với xe nên thích chạy ra sau khi xe chạy ngang nhà, để đón hửi mùi nhãn thơm; còn nói gì chó làng

quê và mấy người dân mộc mạc trong làng xa xôi thuở nay chưa từng thấy xe gì chạy mà không có ngựa kéo, mỗi lần gặp ô-tô, vẫn chạy quính quíu trước đầu xe không biết tránh, chạy mãi trước xe cho đến khi mệt quá xỉu té xuống đường, xe phải lách qua một bên, không thì cán chết.

Miền Ba-Thắc, tức là Srock Bassac theo cách đọc của người Cơ-me, gồm các tỉnh trù phú miệt Hậu-Giang, kể từ Châu-Đốc (Thổ gọi Moat-chrut có nghĩa là “miệng heo”) xuống đến mũi Cà-Mau, mấy tỉnh nầy muốn giao thông với Sài-Gòn, thì có tàu sắt gọi xà-lúp (chaloupe) liên lạc chạy đều đều - một chiếc chạy đường Rạch-Giá về Mỹ-Tho, ghé qua các tỉnh và chợ Long-Xuyên, Núi Sập; một chiếc khác chạy đường Sốc-Trăng lên Mỹ-Tho xuyên qua các chợ Phụng-Hiệp, Trà-Ôn, Cần-Thơ theo rạch Mang-thít đi ngang chợ Ba-kè, kinh Chợ Gạo rồi đến Mỹ-Tho. Đến đây khách bộ hành Rạch-Giá cũng như Sốc-Trăng, sẽ sang xe lửa lên thẳng Sài-Gòn. Bộ hành miệt Vĩnh-Long, Sa-Đéc đã có tàu lớn gọi tàu Lục- tỉnh chuyển vận. Còn bộ hành tỷ như ở Bạc-Liêu muốn đi Sài-Gòn thì phải tốn ngót hai ngày đường: xuống tàu nhỏ từ chợ Bạc-Liêu chạy ngang Hòa-Tú, Bãi-Xàu khi tới chợ Sốc-Trăng phải mướn phòng hay tìm nhà quen tá túc chờ đến khuya mới xuống tàu Sốc-Trăng đi Mỹ-Tho là tàu đã nói ban nãy. Tính ra một đoạn đường chưa tới ba trăm cây số ngàn, phải phí hai ngày và một đêm ròng rã, bữa nay trưa xuống tàu ở Bạc-Liêu, chờ tàu ở Sốc-Trăng, thức sáng đêm cho đến trưa hôm

sau mới tới Mỹ-Tho rồi phải leo lên xe lửa chạy hì hục suốt ba bốn giờ nữa đến sập tối mới tới Sài-Gòn. Như vậy mà vui, tha hồ mướn ghế bố ngồi trên bông tàu tình tự, nếu có tiền nhiều, đặt cho đầu bếp dưới tàu dọn một bữa cơm Tây thì là tuyệt, ngày giờ nào có kể chi, và mặc cho chiếc tàu bình bồng chạy tới đâu vào giờ nào và dầu có trễ cũng chẳng sao, vì mấy năm ấy trúng mùa, dân Lục-tỉnh an vui trong cảnh thái bình, thích lên Sài-Gòn để sắm vàng mua đồ đạc, còn khách bộ hành đi hạng ba, đã sẵn cơm nước của chủ tàu đài thọ, và trải chiếu nằm trên bông tàu xem trăng mọc cũng sướng chán.

Tôi còn nhớ năm 1919, được lên học trường lớn (gọi làm vậy vì lúc đó là lớn hơn hết) là trường Chasseloup- Laubat (nay là trung-tâm Lê-Quí-Đôn). Mười một giờ khuya, từ giã cha mẹ, mướn xe kéo tay, chở va-ly sách vở xuống cầu tàu. Tiền xe là một cắc bạc, mà tiếc hùi hụi (mấy năm kinh tế sụt giá mỗi cuốc còn năm xu, không như ngày nay mỗi cuốc trả nguyên một trăm bạc mà còn kỳ kèo chở nặng chở nhiều). Ở bến tàu, đã có chúng bạn trang lứa chực sẵn vì họ từ các làng các sốc xa xôi nên phải tựu sớm cho kịp chuyến tàu. Nếu có anh nào rắp ranh đã có nhơn tình thì cũng không có cuộc tiễn đưa rắc rối, vì đồng bạc của cha mẹ cho, không dễ gì kiếm ra, lại nữa trai và gái đời đó yêu nhau là thầm lén chớ không dám công khai như thanh niên đời nay xài bạc ngàn không biết ngán. Hôm ấy tàu từ Cần-Thơ xuống trễ, còn lâu mới cập bến, sẵn bao tử của lứa

mười sáu mười bảy tuổi đầu, buổi cơm chiều đã xoay tiêu từ lâu, nay đói bụng, tôi đề nghị bày tiệc cháo gà trên cầu tàu cho ra phết học sanh trường lớn. Ngay tại cầu trên bờ có quán bán cà-phê và thức ăn nguội, bán sáng đêm cho khách làng chơi và chủ quán là một ông già vui vẻ, ông xưng là con nhà giàu thuở nhỏ mướn người đi học thế, và ngày nay tiền bạc do cha mẹ để lại ông đã tiêu pha hết, nên mới trở nên lão quán bán đồ nguội ở bến tàu. Ông có kể tên người ông mướn đi học thế, nghiễm nhiên lúc nghe ông thuật chuyện và theo lời ông nói, là quan lớn Diệp-văn-Cương, giáo-sư Việt-văn trường Chasseloup, trước kia dạy vua Đồng- Khánh ở Huế, nhưng tin nầy không lấy chi làm chắc, nay ghi lại cho biết vậy thôi.

Chúng tôi gọi một dĩa bàn, trọn một con gà giò xé phay trộn với bắp chuối hột, một dĩa vun chùn, cháo nóng mỗi đứa hai tô, húp ngọt lịm, nhai xương gà nghe rốp-rốp, nuốt chưa kịp thì dĩa gà đã sạch bách!

Nhớ lại ngày nay muốn ăn gà xé phay, mà không khi nào được ăn một bữa ngon lành và còn thèm mãi như buổi ăn trên cầu tàu Sốc-Trăng lúc nhỏ. Không phải vì đầu bếp nay dở hơn xưa, cũng không phải con gà ngày nay lai giống quá nên mất ngon. Sự thật vì tuổi thanh xuân đã không còn, hàm răng xếu mếu và bao tử nay sình mai đau, nhứt là tại mấy ông đốc-tơ cái gì cũng cấm! Trộn bắp chuối hột nói chậm tiêu, ăn thịt gà ông đổ thừa có phong, và nuốt sao vô khi ông khuyên nên dùng tàu-hủ và cá thịt không nêm muối!

Ăn một con gà luôn và phao câu và cặp giò giòn khớu, chêm mấy chục tôi cháo dằn bụng thấy đời đang lên hương, đưa ra một đồng bạc trả, ông chủ quán thối lại hai cắc, rằng “em lấy tiền nầy lát nữa mua mía bắp nhai chơi đỡ buồn ngủ!”. Bữa tiệc ấy, nay có hai ngàn đồng trong túi, có lẽ chưa dám kêu dọn, vì nội con gà không cũng đã tới giá đó rồi!

Tàu chạy đường Sốc-Trăng qua Mỹ-Tho là của hãng Tây gọi “les messageries fluviales” (công ty tàu thủy chạy sông rạch) để đối chiếu với hãng tàu chạy đường biển từ Sài-Gòn sang Pháp ghé bến Marseilles, có tên là les messageries maritimes (công ty hàng hải).

Tên tàu của hãng nầy đều lựa tên chim bản xứ mà đặt. Tôi còn nhớ tàu chạy dọc đường Bạc-Liêu lên chợ Sốc-Trăng có hai chiếc thay nhau, chiếc lên chiếc xuống thì lựa tên: Cigogne (chim diệc) và Ibis (con cò quắm). Hai chiếc nầy vừa nhỏ vừa nhồi sóng, và tôi lúc nhỏ có nhiều thành kiến xấu, nhơn một dịp đi Bạc-Liêu, xuống tàu trở về Sốc-Trăng, trả tiền tàu có năm cắc bạc mà vẫn thầm vái cho tàu chìm bỏ ghét, vì ăn mắc quá, xuống tàu không có ghế ngồi, chủ hãng hà tiện cho ngồi băng cây đau đít!

Trong lòng tôi thích những tàu chạy đường Sốc- Trăng Mỹ-Tho, mỗi năm đi mấy chuyến để lên tựu trường và nay tôi còn nhớ kỹ từ tên kỷ-niệm:

- chiếc Sarcelle (chim le-le) chạy êm, đều-đều, không mau cũng không chậm, và chạy rất đúng giờ; - chiếc

Cormoran (chim cồng-cộc), tên khéo lựa, vì tàu khi chạy nhảy cồng nhảy cộc, xốc xáo, làm cho khách bộ hành mệt đừ, còn mệt hơn ngồi lưng trâu cổ, hoặc ngồi lưng voi mặc dầu gọi là “ngồi trên thớt”. Nhưng cả hai chiếc vẫn không bằng chiếc Pélican (chim thằng-bè). Khi đặt tên, ý của hãng chắc là cầu chúc cho tàu vững như chiếc bè gỗ vững vàng, nhưng khi đóng vỏ thợ làm sao không rõ mà máy ráp vô không tương xứng, có lẽ tàu cụt đòn quá không vừa với sức máy mạnh hơn, khiến nên khách bộ hành đi tàu Pélican người nào người nấy bị nhồi lên nhồi xuống tuồng như mắc kinh phong hay đóng vai thằng chồng lùi khoai nóng vô quần vì sợ vợ đi chợ về thấy mình ăn tham, khoai nóng quá gần vuột da nên phải nhảy cho bớt nóng. Trong chuyện giải buồn ông Trương-Vĩnh-Ký nói làm vậy nhưng không biết ông đã từng đi tàu Pélican nầy chưa? Ở dưới tàu, khi tàu mở máy chạy, khách đứng như khách ngồi đều thấy mình nhảy cà-thọt cà-thọt, chiếc va-ly cũng nhảy, chiếc giỏ mây đựng sách cũng nhảy, nhảy hết từ trên xuống dưới, từ ông nhạc oai nghiêm đến bà gia bệ-vệ, đến cô dâu tân chú rể mới, đến bọn học trò quỉ chúng tôi là bất cứ cái gì cũng cười. Tôi thích chiếc Pélican là vì vậy.

Tôi lúc ấy còn đi học mà biết gì đến nhạc gia tương lai và chuyện cô dâu đi tiểu ngồi nhảy trong cầu tắm! Nhưng nói mà tội lỗ miệng, chuyến đi hôm đó ông đốc trường tỉnh Sốc-Trăng có gởi hai cô tiểu thơ đi học trường áo tím (nữ trung-học Gia-Long), ông đốc Đoàn thuở nay

nghiêm nghị có tiếng, học trò ai ai cũng kiêng oai nể mặt, nay mình có dịp thấy hai ái-nữ ông đốc cũng cà-thót như mình, nên mình bằng lòng.

Tiền tàu đi hạng ba như chúng tôi từ Sốc-Trăng lên chợ Mỹ-Tho là hai đồng chín cắc (2$90) có cho ăn một bữa cơm trưa khỏi tiền. không ai dám đi hạng nhì và cũng không biết giá là bao nhiêu duy thấy phòng dọn khang trang có chỗ nằm lót nệm lót drap trắng phếu, có bàn có ghế sạch sẽ nên sợ. Nghe nói khách bộ hành đi vé hạng nhì được tàu đãi một bữa cơm Tây, ăn chung với ông cò tàu nên muốn lắm. Phải đợi bốn năm sau khi thi đậu bổ làm thơ-ký soái-phủ bữa lên đường đến nơi bổ nhiệm là Trường Máy ở Sài-Gòn, vé tàu vé xe lửa đều đi hạng nhì, mới nếm được và đến nay còn nhớ. Ô hay! Công mười năm đèn sách, ơn vũ-lộ đâu không thấy! Phấn nước vẽ mày chỉ có bấy nhiêu!

Mền chiếu và va-li chúng tôi đem xuống tàu, nhóm học trò chúng tôi giành choán trên bông tàu nơi phía sau ít gió và ấm, chúng tôi đặt giỏ xách mây và đồ hành lý xây thành một vành tròn có một khoảng trống khá rộng ở giữa, vừa trải chiếu êm thắm xong là hai cô nữ sinh-viên ở Bạc-Liêu lên và ráp với hai cô con gái xinh xắn của ông đốc-học Sốc-Trăng chen vô ngồi gọn bâng, báo hại học trò con trai chúng tôi đành xây tổ cho chim mái và cam phận làm chim trống, ngồi trên băng cây hai bên hông tàu, mặc cho gió mưa rét lạnh.

Một lần thứ nhứt học đi chung với người đẹp, và lần thứ nhứt tập nịnh đầm.

Mấy cô gái đời đó không biết do cha mẹ dạy, hay tự mấy cô kềm hãm bản thân, mà cô nào cô nấy nghiêm trang hơn các cô tân thời rất nhiều. Thậm chí những việc tự nhiên do trời đất đặt để, mà các cô cũng cố ép, gượng chiều theo ý các cô: mắc tiêu mắc tiểu cũng “nhịn” – và trọn một đêm và nửa ngày sáng hôm sau, các cô không mấy khi dùng đến phòng vệ-sinh! Tội nghiệp các cô nầy quá! Chung qui cũng vì lễ phép theo xưa bó buộc nhiều bề.

Riêng các cậu con trai như chúng tôi, mấy thuở thoát khỏi sự kềm chế của gia đình cha mẹ như hôm nay, nên tha hồ chạy giỡn, nói mà tội, không khác mấy “cẩu” sút xiềng!

Trong túi tôi, xọc xạch đếm được năm chục đồng bạc (50$00) là một số tiền to tát không thể tưởng tượng đối với tôi, ngày nay giá trị không biết lấy đâu mà so sánh, có thể nói bằng năm chục ngàn bạc đời bây giờ, mà nghĩ lại với năm chục ngàn ngày nay chưa ắt mua được một số vật dụng bằng mua với năm chục bạc năm 1919, cho nên tôi nói không biết sao mà so sánh. Số tiền ấy phải dành ba mươi ba đồng (33$00) để đóng tiền trường tam cá-nguyệt, [nếu học bang lang-sa được ăn bít-tết la-gu và bánh mì thay cơm, bổ hơn khoái hơn, gọi “ăn cơm Tây”, thì đóng hai chục đồng mỗi tháng, nhưng đó là bang dành cho con ông cháu cha và Tây-

lai, Chà-lai, chớ bọn chúng tôi được học trường Chas- seloup là đủ bảnh rồi, gọi quartier indigène (bang bản xứ) gọi “ăn cơm trong” để phân biệt với bọn kia gọi quartier européen (bang Âu-Tây) và phân biệt với bọn sinh viên ở nhà cha mẹ chú bác không ăn cơm trường, tức là bọn học ngoài (externe)]. Trừ đi ba mươi ba đồng tiền trường, còn lại mười bảy đồng (17$00) là tiền túi dành mua giấy bút và chi tiêu lặt vặt trong ba tháng, không kể vừa xài một đồng nơi cầu tàu Sốc-Trăng đãi tiệc cháo gà. Mười sáu mười bảy đồng trong túi khiến tôi không ngủ được và cử chỉ đầu tiên khi bước chân lên đất Sài-Gòn là chạy đi mua ở Chợ Cũ hai ống khóa đồng, trót năm đồng bạc, hiệu ăng-lê, nay vẫn còn, phòng hờ khóa tủ trên lầu nơi phòng ngủ và tủ dưới lớp học, khỏi bị mất trộm.

Tàu Pélican có lệ, đúng một giờ kém mười lăm khuya là lấy neo thổi súp-lê ba tiếng rồi chạy một mạch theo kinh xáng Phụng-Hiệp (nay đã cạn). Đến chợ Ngả Bảy (Phụng-Hiệp) độ ba giờ khuya, ghé trao thơ-từ, rước thêm bộ-hành rồi chạy thẳng lên Cần-Thơ. Bến Phụng- Hiệp thuở ấy có tiếng là nhiều muỗi, vì chung quanh còn rừng khai hoang chưa hết, khi nói chuyện muỗi bay vào miệng vào mồm, và khỏi cần đập, lấy tay vuốt trên mặt cũng giết chơi chơi được vài chục con, con muỗi vàng khè và lờ-đờ vì quá đói, và khi chích được máu người, đồn rằng muỗi Phụng-Hiệp lớn bằng gà mái đẻ!

Ngoài nạn muỗi nhiều, Phụng-Hiệp còn có danh là khách bộ hành đến đây phải phòng bị bọn bối dưới

sông. Chúng nó giả làm khách quá giang, xuống tàu từ

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 37 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)