năm còn dạy ở Đại-Học Văn-khoa Sài-Gòn, tôi viết “... miễn binh diêu”, cậu sinh viên quay ronéo thành ra “miễn bình-điếu”, nay còn giựt mình.
hết nay cậu tiếc lấy cái hộp đựng tiền. Cậu mở nắp lấy ra hai miếng trao tận tay cô ả, cười tình đưa tay nậng cằm cô gái rồi đưa cô ra cửa phòng. Cô ả không tin nhưng cô làm lì không hỏi lời gì lên xe kéo về thẳng, chừng xem lại hai miếng ấy là hai trăm đồng bạc hai miếng giấy bộ lư tức giấy xăng (cent piastres), giá trị ngày nay đáng hai chục ngàn hay hai trăm ngàn, cũng không biết sao mà độ.
Cô ả mừng quá đỗi mừng, vội vã chạy một mạch tìm cô Sáu, khoe rằng: “Lão già rất ngọt, đi với lão một đêm, lão cho đơ xăng!”
Cô Sáu cười gượng, nhưng không nói gì.
Qua đêm sau, cậu Hai sai mời nữa. Gọi cho được ả đêm trước, và đến đêm thứ ba, cậu vẫn đòi có một ả ấy, vẫn không đá động gì tới và vẫn mỗi sáng, bê hai tờ “y tà-líp” của cậu. Ba đêm đếm đủ sáu trăm bạc. Cô ả vô danh, từ ấy được tặng cái tên ngộ nghĩnh là cô Hai Xít Xăng (six cents piastres) và nổi danh luôn từ ấy. Ai ai ở chợ Sốc-Trăng cũng muốn làm quen cho biết cô cầm ngải Xiêm hay Lào, ngải Miên hay Miến-Điện mà rút được của ông già Cả Kiết đến sáu trăm đồng bạc ngon lành, trong khi đi ở đợ ở mướn một tháng kiếm sáu đồng không ra.
Cô Sáu hay được tự sự, trong lòng tiếc hối lắm, nhưng ngoài miệng, vẫn nói cứng: “Nó được thì nó nhờ, riêng tôi, tôi thú thật, dẫu đem thân đi bán, cũng phải
lựa người, chớ thứ già nẫu ấy tôi thương không vô!”. Tuy nói làm vậy chớ cô từng thú nhận với tôi rằng lão già ấy coi vậy mà độc địa, và sáu trăm bạc lão quăng ra, cô lãnh đủ như sáu ngọn độc cước của phái Thiếu-Lâm.
Tiền trong hộp bánh mì ngọt “Pớ tý bơ” vốn là tiền cậu Hai bán sở ruộng Ngả Bảy. Bán cũng cam go lắm chớ không vừa. Đã mấy lần, cậu Hai rảo mấy vòng thăm suốt các người có máu mặt từ chợ Cần-Thơ, Bạc-Liêu đến Sốc-Trăng, tìm những nhà giàu gộc để mời sang tên, cậu bán sở ruộng tuy chưa sanh hoa lợi nhưng đó là đất tương lai sẽ hốt bạc nhiều. Nhưng đi đến đâu cũng đều gặp một “mửng”(1) là tiệc tùng không ngớt, tiếp đãi niềm nở sâm banh cơm Tàu không thiếu, nhưng ở đâu và ai ai cũng lắc đầu nói khéo, mà bằng cớ hiển nhiên là kinh tế khủng hoảng, lúa bán không chạy, các chủ điền, ông nào như ông nấy, muốn thâu gọn sự nghiệp lại nhỏ, chớ không lòng nào muốn bành trướng kinh doanh gì nữa.
Sau rốt có một người mở hơi muốn mua nhưng còn giục giặc chưa quyết định. Người đó là một người Minh- Hương, cha Tiều lai một đời, vốn là tay làm ruộng lớn, đã có ruộng muối ở Bạc-Liêu do cha mẹ để lại, thêm có một sở ruộng thuộc trên mười ngàn mẫu tại làng Châu- Hưng (Sốc-Trăng), nay muốn sắm ruộng ở Phụng-Hiệp