Lông theo: chùm lông quớt mọc nơi đuôi vịt trống già.

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 138 - 148)

cũ. Hỏi duyên cớ, trả lời cộc lốc: “Buồn bỏ mẹ! Muỗi quá trời! Nhớ quán nước thằng Lù, nhớ con Ba xóm Lách”.

Không mời được dân hạng cậu hạng thầy, day qua khuyến dụ dân làng, bọn thất nghiệp, đứng bến: “Nè! Ở làm chi đất Sài-Gòn, nay thiếu cơm mai thiếu thuốc? Sẵn không giấy thuế thân, theo tôi xuống dưới Ngả Bảy, tôi che chở cho: cò bót nào dám vô điền dân Tây mà xét giấy? Tôi sẽ cho đất tốt, tôi cho mướn trâu cày, tôi ra vốn cất nhà cho ở, làm năm ba năm có vốn riêng, sẽ xênh xang áo nhiễu giày cườm về làng.

Cậu dụ được một mớ dân quê miệt Tân-An theo cậu xuống ruộng Ngả Bảy, nhưng vừa quen quen với đất phèn là nong nả đòi về: “Tôi quen uống nước sông Cái, uống nước phong-tên, nay uống nước lợ lợ mẵn mẵn nầy, không sao chịu nổi. Tôi quen ăn cơm tiệm chệc và ngồi quán nước Chệc, xa nó bắt nhớ làm sao!”

Không mời rủ được bằng cách làm ăn lương thiện, thì còn cách nhem thèm bằng những gì làm mê những ai có máu 35:

- Hãy xuống dưới tha hồ mà lựa chọn. Tụi nó đông lắm và thiệt thà như đất cục. Đầu mùa, đến kỳ cấy mạ, những con cấy từ miệt Nha-Mân, Sa-Đéc, xuống miệt dưới từ Phụng-Hiệp (Ngả Bảy) đến Bưng Xa-Mo, Hòa- Tú (Sốc-Trăng) đứa nào đứa nấy trông lam lụ mà đều gót đỏ như son. Đã nói đó là con gái xứ sông trong

nước ngọt. Rất đỗi loài vịt xứ đó cũng vẫn cẳng đỏ au không khác gót son các chị ấy, gọi là “vịt sen”, giống lớn con gần bằng con ngỗng tơ, và thịt mềm lụm, ngon ngọt vô cùng. Hết tốp đó, qua mùa lúa chín, con gặt tứ xứ cũng xuống Ngả Bảy để cắt lúa. Ban đêm họ lấy trời làm mùng lấy sân phơi lúa làm chiếu ngủ. Chỗ nầy đốt một đống rơm un lên cho ấm cho muỗi mòng bay đi chỗ khác và cũng lấy lửa đống un làm đèn. Chỗ khác cũng một đống un có khoai lang lùi tro, củ khét càng thêm thơm, chỗ nữa không chịu thua, thêm có thịt chim nướng ăn với muối hột. Tính coi chim chàng nghịch, chim óc cau, mùa ấy ăn lúa non lúa ngậm sữa đã mập ú no tròn, buổi chiều xúm nhau đốt lửa lùa bắt được, con nào mạnh lành thì trói giò để dành gởi ra chợ bán lấy tiền, con nào gãy cánh xệ chưn thì cứ để y nguyên vừa lông vừa lá, lấy đất sét non bó kín như một cục đất liệng vô đống un giây lát moi ra, đập cái vỏ ngoài thì lông chim dính theo khỏi lột, khỏi nhổ lông, còn lại hai miếng phí-lê với cặp đùi nóng hổi, chấm nước mắm ớt hay muối hột cũng dầm sả ớt, nhai xương nghe giòn rụm, ăn một lát, thích thú vô cùng, nước thịt chim vừa ngọt vừa béo bổ. Ngoài trời gió hiu hiu thổi, trên cao trăng đã về khuya, người nghèo ăn thịt chim nướng có kém gì khách lắm tiền ăn bồ câu ra ràng những cao lâu Chợ-Lớn?

Những lúc ấy, nếu có ai lo xa, thủ trước một chai rượu trắng, không cần có nhãn hiệu “Lò chang” hay

“Làng cho” gì cả, miễn là rượu, rừng hoặc đế, đều tốt, rượu “lậu” càng hay, chia nhau mỗi người nếm một chút đủ ấm bụng và đủ khêu gợi hồn thơ, mặc tình ai biết hát biết hò thì tha hồ nói xa nói gần nói bóng nói gió, chọc ghẹo nhau đều được, miễn đừng quá sỗ sàng. Một anh trai cao hứng, cất tiếng lên hát lớn:

“Thân em tội nghiệp về đâu?

Ngày ngày dang nắng, chổng phao câu lên trời!”

Một chị gái nơi đống un đàng kia, tức tình hát đáp lại:

“Bây giờ nông vụ chí kỳ,

Nếu em không chổng, lấy gì anh ăn?”

Thế là gay chuyện rồi đó. Một anh nọ, biết được chuyện hôm qua cậu con trai lớn của ông chủ điền tò tý với con cấy, nay sẵn cậu ra chợ chưa về, anh hát:

“Ngó lên đám cấy Cậu Hai,

Cấy thưa cậu ghét, cấy dày cậu thương!”

Nhưng họ khéo ở chỗ vừa khơi mào cho hiểu là dẹp chuyện đó liền, không quá nhây đi sâu vào đề nên cũng ít có chuyện hờn giận xích mích. Đối với cậu Hai thì cậu đều tha thứ hết, miễn cho câu hát phải thật có duyên và chứa nhiều nghĩa thoát. Tụi nó dễ lắm! Chầu xưa, có hai đồng bạc là được rồi. Chun vào đống rơm hay lên trên đống lúa cao nghều nghệu, ai lên trển mà

thấy! Bọn gái con cấy con gặt, chỉ ăn cơm với rau, ăn cơm húp nước mắm, thế mà con nào con nấy chắc như cua tối trời, không đau bậy bạ, đàn ông gặp họ, người ta đồn, khỏi sợ đau lưng! Cái gì chớ cái đó, đây dám bảo-kê. Duy nên nhớ, với người Việt chúng ta thì được, mà đừng hòng rớ đến gái Cơ-me ngheo! Gái Cơ-me ngây thơ trong sạch lắm. Ai “để con vô bụng họ rồi” mà không ra mặt “lấy họ luôn”, là họ đi tới nhà, nằm vạ trước cửa cho đến khi nào mình làm sao cho đứa con ra khỏi bụng, và nhìn nhận đứa nhỏ ấy thì họ mới chịu thôi. Đừng hốp tốp vội vàng, họ ghét lắm. Họ xem cái đó như hợp tác cùng dệt một bài thơ. Nhứt là đừng quá nóng lật váy lật chăn mà họ đá cho bể d...ái! Họ hiểu cái việc “ăn nằm” là do đôi bên thỏa thuận với nhau. Còn lật váy không có sự bằng lòng của họ, tức là hiếp là hãm là làm bức. Nãy giờ nói vòng vo úp mở, kỳ trung tôi muốn nói theo tiếng Miên, như “để con vô bụng”, tức lấy người con gái cho đến có con, và “lấy con ra khỏi bụng”, tức là sanh đẻ vậy.

Ngoài ra người nào thích đánh bài, chọi gà, thì tha hồ vui theo ý muốn. Trong điền Tây, và dân Tây, không lính tráng nào dám vô xét bao giờ. không phải cậu xúi chuyện bậy, nhưng dẫu có đi ăn trộm trâu các điền khác miễn đem về tới điền của cậu thì như khỏi tội. Chủ điền còn có nước đến nài nỉ xin chuộc tiền chớ không dám thưa lên quan đâu mà sợ. Còn về việc cơm

nước, như chịu xuống dưới làm với cậu thì khỏi lo vấn đề ấy. Cơm thì ăn cơm gạo mới, ăn gạo giã tay, đủ chất bổ. Còn thức ăn thì khỏi tốn tiền mua, đã có sẵn ê hề ngoài đồng ngoài ruộng. Ra ao quơ một mớ rau cỏ về ăn không hết. Làm siêng đan một cái nò, đặt một chỗ nào cũng có tép cả rổ, mặc sức rang muối để dành ăn cơm ăn cháo gì cũng đều ngon.

Gặp mùa lúa trổ đòng đòng, tức là mùa cá rô ra phá lúa. Ban đêm chúng nó ở dưới ruộng cất mình nhảy lên táp lúa rồi rớt xuống và nhảy trở lên nữa, tiếng cá nhảy nghe lỏm bỏm suốt đêm. May thời câu được con nào, cá ăn lúa nên mập no tròn, con nào con nấy lớn cỡ bàn tay xòe và mình vàng, vàng lườm vì một màu với đất sét ruộng. Cá rô cặp gắp tre tươi, nướng bằng lửa rơm, lửa củi khô hay lửa than gì, nó cũng ngon thấu trời. Cá rô ruộng, nhờ ăn lúa non, nên mập không chỗ nói, khi nướng mỡ chảy thấy mà tiếc hùi hụi. Dầm nước mắm có chút me tỏi và ớt thì là tuyệt. Với một con cá rô nướng ăn hết một tay cầm cơm gạo mới là thường thấy. Nước mắm vừa ngọt vừa thơm, ăn chẳng muốn thôi. Sức như cậu đây, đã quen đủ mùi cao lương mỹ vị, bấy lâu nay sở dĩ đeo đuổi theo sở ruộng Hậu-Giang là cũng vì tại ham ăn cá rô ruộng nướng có thoa chút beurre Bretel! Sau mùa cá rô, đến mùa nước rẩy, nước lớn, mặc sức bắt tôm cua bằng nò bằng bẫy hay là đi xom cua, mò cua gì cũng được. Cua biển bắt được ở

Ngả Bảy vẫn lớn con hơn cua bán tại chợ cũ Sài-Gòn rất nhiều. Nội hai cái càng, lấy thịt một người ăn đủ no. Thịt chắc và ngon là thịt những cua bắt trong ngày tối trời vào những đêm khởi sự bằng mồng (mồng một, mồng hai, v.v...) (những ngày có trăng thì cua óp). Có thứ cua bắt ở Cà-Mau chở lên Phụng-Hiệp bán, thì cua nầy trong mình toàn gạch đỏ, khi bắt được họ lảy bỏ hết càng ngoe chỉ chừa hai ngoe chót như hai cái giầm chèo, nhờ hai càng nầy mà khi mua biết được cua còn sống. Sở dĩ họ lảy càng ngoe là muốn bắt và chở cho được nhiều, tới mùa họ bắt nào cua gạch, nào cua lột, vỏ mềm xèo, họ nhốt cua trong bao hàng, thỉnh thoảng tưới chút nước cho cua đừng chết, nghĩ lại phương pháp nầy cũng là tàn nhẫn, biết có tiền nhiều không tội nghiệp thân cua. Người sành ăn, thích ăn cua muối, hoặc ăn thịt cua sống trộn với giấm hoặc ăn cua nướng trên lửa; khi nướng như vậy thì gạch nó vừa mặn vừa dẻo còn ngon hơn trồng đỏ hột vịt muối mấy lần. Ở ruộng khỏi lo đồ ăn vì nào thịt rắn, thịt trăn, thịt ếch nhái và chồn đèn, v.v... ăn mãn mùa không hết.

Tại điền của cậu, mỗi lần cậu muốn ăn “tạp-pín-lù”(1) tức ăn nhúng giấm, cậu dùng phương pháp sau đây, có thể gọi là phong kiến, nhưng người nào được hưởng cũng đáng gọi là phong lưu. Cậu sai bạn bè mò bắt

tôm bắt cá trước rộng vào lu mái để đó một đêm cho nó nhả sạch chất bùn trong ruột rồi qua ngày sau mặc tình bắt ra muốn ăn thịt bóp tái làm gỏi, nhúng trong giấm hay nước lèo sôi đều thú vị cả. Các cậu nhỏ dân Sài-Gòn lúc ấy, mê lời cậu nói, xuống Ngả Bảy, kẻ ở vài tháng, người nán được trọn mùa, nhưng rốt cuộc đều trồi đầu về Sài-Gòn. Thú thì thú thật, nhưng họ chưa dứt được chút nợ thị thành: ghiền xi-nê, hoặc gạo nhà máy, nước phông-tên v.v...

Thét rồi cậu Hai cũng đành lui về Sài-Gòn, giao sở ruộng cho một lão Tây mướn lại. Lão nầy khá trung tín, nguyên là lính đầu đỏ “Lê-dương” giải ngũ, có vợ lai, bởi thích xứ Việt nên “hóa” đất Cậu Hai, tính ở lại đây, nữa chôn xương giồng Ba-Thắc. Nhưng lão làm chưa được hai mùa thì đà hết vốn. Qua năm thứ ba, từ người hóa đất, tức là mướn ruộng xuất vốn ra tự làm lấy mình ăn nhờ thua chịu, từ hóa đất trở nên người ở mướn. Và Tây lê-dương ưng ở lại làm công coi ruộng cho cậu Hai, mỗi năm là một ngàn hai trăm bạc (1.200$00), tính ra là một trăm đồng mỗi tháng, ngày nay xem nhẹ, chớ vào thuở ấy bằng lương tri huyện chớ không chơi. Nhưng cậu Hai không được vừa lòng cho lắm. Trộm đạo cướp bốc tuy không có thật, nhưng lão Tây lê-dương quá vụng về, đã chi tiêu của cậu, thêm mỗi mỗi đều mua sắm tốn hao, không biết chế biến như các tay tằng-khạo (người coi ruộng) khác. Bờ mẫu

ruộng bị chuột xoi hang, không biết phòng bị trước, đợi tới nước mặn tràn vào, ruộng hư, dẫu có sửa bờ lại kịp cũng phải đợi vài mùa mới “nhả” sạch nước biển và tất nhiên lúa không tốt và trúng bằng khéo gìn giữ cho bờ đừng hư.

Tánh anh Tây nầy quả không tham lam thật: giữ gìn của chủ như giữ của riêng. Nhưng đụng phải con vợ lai, chị ta bòn mót và ăn lận chủ bằng đủ mọi cách: cho bạc góp lúa góp, chận trước tiền cho mình hoặc lấy lúa, xong xuôi hết mới để cho tá điền đong lúa cho chủ tức là cậu Hai, và như vậy, trong Nam gọi là chận lận, tức đã mất lương thiện thuở nay rồi. Nhơn cùng tắc biến, bởi lão lê-dương quá nghèo nên nhắm mắt cho bà vợ lai làm gì thì làm. Thêm nữa vợ chồng nuôi heo riêng với cám thóc trong bồ, và nuôi một bầy vịt trên một trăm con, đã để vịt ăn lúa đứng trong ruộng lại ăn lúa xúc trong bồ và giận hơn hết là cho vịt ăn lúa phơi ngoài sân mà không đuổi. Hai vợ chồng cư xử ngày một tệ, cho nên mãn mùa đó, cậu Hai cho nghỉ việc và cho thêm sáu tháng tiền lương theo luật lao động. Như vậy là tử tế lắm rồi, chớ lẽ đáng cậu thưa ra Tòa thì vợ chồng lão lê-dương khó thoát tội bội tín.

Tội nghiệp cậu Hai, làm ên thì thất bại, cho hóa đất thì lỗ lã đến phải châm tiền nhà mới đủ đóng thuế, sau rốt mặc dầu biết sở ruộng là quí địa, nhưng không thể

theo đuổi mãi, nó sẽ rút rỉa hết vốn, cho nên cậu Hai đành rao bảng và đăng báo tìm người bán ruộng:

- một sở đất nguyên miếng, diện tích một ngàn mẫu Tây (1.000 ha) trị giá tám chục ngàn đồng bạc lớn (80.000$00) (80$ mỗi mẫu), ruộng tốt gần chợ Phụng-Hiệp, trên quốc-lộ số 4 đường Cần-Thơ – Sốc-Trăng (Hỏi ông L.P.V. nhà số.... đường mé sông Cầu-Kho (Sài-Gòn).

Lúc ấy trong xứ đang bị nạn kinh tế khủng hoảng, một trăm đồng bạc còn kiếm không ra, có ai đâu dư đến 80.000 đồng hầu mua đất? Sở đất nầy quí giá vì vuông vức như một bàn cờ không cắt xén. Cậu Hai đăng bảng rao bán rồi vẫn lên lên xuống xuống, cứ vài tháng về Sài-Gòn coi sóc sự nghiệp hãng dệt lãnh ở Cầu-Kho, và một tuần hay nửa tháng thì cậu xuống Sốc-Trăng vì tiện lợi và gần đường hơn Cần-Thơ, cậu mướn phòng ngủ Việt-Nam chớ không mướn phòng Băng-ga-lô, chê gần Tây ta, cậu nhóng trông người hỏi mua ruộng nhưng chờ hoài đã mỏi mòn con mắt.

(đăng báo Chính-Luận số 762 ngày 14-10-1966) (duyệt 2-VI-78)

MÁNH LỚI ĐỂ BÁN RUỘNG VÀ CHUYỆN MỘT Ả ĂN SƯƠNG

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 138 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)