Cô Sáu Hương.

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 65 - 79)

đàng hư và mở đường cho các cô tân thời, nhơn vật nầy tôi đã nói đoạn trên với câu “tự tử vì tình”. • một công tử lớn tuổi và thuộc lớp trước tôi kể lại

đây là bất chấp thời gian và có lỗi với phương pháp chép truyện. Đó là công tử Dù-Hộc, họ Huỳnh. Cậu Như-Phước là con một nhà giàu chủ ruộng muối. Khi cậu lãnh gia-tài, cậu ăn to xài lớn, và để bắt chước công tử con quan đàng cựu, một hôm ở Sài-Gòn cậu mướn hết các xe kéo tay và phát cho mỗi xe chở một món vật dụng của cậu đi dạo đô thành, xe nầy chở nón, xe kia cây dù, xe khác cây gậy can, v.v... cũng là một cách quảng cáo về sự quăng tiền qua cửa sổ. Cha mẹ phát mau quá và thiếu đức, nên sanh con hoang phí vãi tiền mua tiếng hão. Xin nói luôn người anh là Dù-Kia (Như-Gia) kim chỉ hơn và chỉ lo canh tác làm giàu, nhưng rốt cuộc lại bị tá điền sát hại, tôi sẽ nói sau và âu cũng một nghiệp chướng tiền khiên. Trong khi ấy và trước năm 1920, chánh phủ Pháp khai thông vùng Rạch-Giá Cà-Mau bằng nhiều con kinh xáng múc, xắn cánh đồng Phước-Long/Vĩnh-Phú (Rạch-Giá), đổ nước phèn và nước ứ đọng tưk khmau ra biển cả và đưa nước ngọt sông Cái từ Phụng-Hiệp (Cần-Thơ) vào trũng Cà-Mau.

Mà luật trời sanh cũng ngộ: tỷ như ngoài Bắc con sông Hồng có đê giữ nước cẩn thận nhưng mỗi khi đê

vỡ là thiên tai bi thảm vô ngằn. Còn trái lại đất đồng bằng vùng Nam-kỳ lục-tỉnh vốn không biết đắp đê ngăn nước là gì và trời sanh vùng Nam có sẵn ba cái túi khổng-lồ để chứa nước dư của con sông Mékong nhờ đó tránh cho dân Cơ-me và Việt-Nam khỏi cảnh ngập lụt hằng niên. Ba cái túi chứa nước thiên nhiên to rộng ấy là: 1) Biển Hồ (Tonlé-sap) trên đất Cao-Miên; 2) Đồng Tháp Mười hay trũng Tháp Mười giữ nước thặng dư của sông Tiền-giang (Mé-kong) và 3) Đồng Cà-Mau hay trũng Ba-Thắc (srock tưk khmau) chứa nước thừa thãi sông Hậu (Bassac).

Cứ mỗi mùa nước lớn, mưa ngập tràn thì nước Mé- kong chảy dội vào Biển Hồ và người tiền bối nào lựa tên “Hồ lai láng như Biển nước ngọt” (sap là nước ngọt) thật là đúng và khéo lựa. Mùa ấy nước dâng lên ngập luôn cả một khu rừng cây chỉ còn lé-đé thấy những ngọn và những nhánh nào cao khỏi mặt nước, kỳ dư đường sá cầu kỳ đều chôn sâu dưới ngọn thủy triều. Đây là mùa cá lên rừng đẻ trứng sanh con và khi bầy cá rồng rồng ấy lớn lên thì đã có sẵn lá cây, trứng kiến, sâu bọ làm mồi nuôi mau lớn và khi tới mùa nước giựt, lui về sông lớn, thì cá kia cũng vừa trộng đủ sức chịu đựng với sông sâu nước chảy. Cái luật giữ cái chi thừa trừ để phân phát ra lúc thiếu hụt ấy, luật trời vẫn ban hành y một thể thức vừa cho vùng Tiền-giang và Đồng Tháp Mười, vừa cho vùng Hậu-Giang và đồng Cà-Mau y hệt.

Thuở ấy, người Việt ta đã biết lên Biển Hồ khai thác nghề đánh cá và phơi khô làm mắm. Một tiền bối đã quá vãng nhưng danh còn để lại là ông Lái Tiếng. Và cũng nên nhắc luôn một tay giang hồ mã thượng xứ Biển Hồ nữa là Ba Tín, cũng xưng Đơn-Hùng-Tín mà lớp bọn tôi còn biết hoặc còn nghe nhắc lại rất nhiều. Ba Tín rất khí khái. Sở dĩ va chọn nghề tướng cướp biển Hồ là vì gặp buổi thái bình, không đất dụng võ thì những tay võ nghệ cao cường cỡ Tín, nếu có lựa nghề lục lâm cũng là thậm phải. Phải nói cho công bình, Tín có thói quen cướp của của những kẻ tham ô, làm giàu ác đức, và sẵn lòng trợ giúp những người nghèo khó, ai ai sống lớp đó trên Nam-Vang đã từng biết danh. Nghe nói một đêm kia, Tín dắt anh em đồng bọn đi ăn hàng, bọn chúng đến đánh nhà một trọc phú lấy được của cải rất nhiều, xong rồi kéo nhau trở về sào huyệt, lúc ấy trời còn sớm độ mười giờ hay mười một giờ khuya, nhơn chèo ghe lớn đi ngang nhà sàn cất dọc theo bờ Hồ, thấy nhà nọ đèn thắp sáng trưng, Tín định làm thêm một mẻ nữa rồi sẽ về trại nghỉ ngơi. Không dè khi vô nhà thì mới biết nhà nầy đang mừng tiệc cưới. Chủ nhà cũng là một tay sạch đời lịch duyệt, thay vì tỏ vẻ sợ sệt, lại đánh bạo làm gan, chỉnh y khăn lớn áo dài, kéo hết họ hàng và cô dâu chú rể ra lạy mừng và rước Tín và đồng bọn nhập tiệc cưới “hỷ hạ cho vui!”. Đem ruợu ra đãi, hối trẻ giội thêm thức ăn, sửa tiệc chỉnh tề đưa cô dâu chú

rể ra lạy họ. Tín định bụng vào đây là để ăn cướp, sẽ bảo cô dâu và họ hàng lột hết nữ trang và đồ quí giá nạp cho mình. Ngờ đâu chủ nhà làm tỉnh, một mực sai dâu con trà rượu kính cẩn ra lạy Tín và gởi gấm sanh mạng cho khách anh hùng Biển Hồ. Tín hứng chí vì rượu và thấy cử chỉ đàng hoàng quân tử của chủ nhà nên đổi ý, giả lả cười lớn chịu làm cha đỡ đầu cho hai trẻ, chụp ly rượu lớn nốc một hơi cạn đáy và sai phó đảng lấy ra một đôi vàng một lượng và một ngàn bạc mặt vừa cướp khi nãy để lên mâm trầu rằng lễ mừng của Tín cột tay hai trẻ, chúc câu hạnh phúc rồi kéo nhau xuống thuyền đi thẳng, chủ nhà mừng được một phen thoát nạn, hú vía. Vì cử chỉ tướng cướp nầy mã thượng như vậy nên khi Tín đi làm ăn bị động, thì lính tráng không khi nào bắt được Tín vì nhơn tâm thủ đắc, dân che chở cho Tín khá nhiều. Và cũng vì Tín không bị lính bắt, cho nên có người đồn va có chuộc Thiên- linh-cái của thầy ngải Tà-Lơn. Mãi lâu sau tín bị tay em phản đảng và tố giác nên Tín bị bắn chết trên một khúc sông thuộc hạt Mỹ-Tho, thi hài được giảo nghiệm đúng là xác của tướng cướp lừng danh Đơn Hùng-Tín. Cả bọn đều rút lui bỏ chạy tứ tán. Còn lại một chiếc ghe cà-vom lớn, của phe Tín, trôi giạt về địa phận tỉnh Sa-Đéc và được làng xã giải giao về chủ tỉnh. Vì là đồ vật không ai nhìn nên đúng một năm có lịnh cho phát mãi. Lúc ấy kẻ viết bài nầy vừa chân ướt chân ráo đổi

lại tòa-bố Sa-Đéc, làm chức ký lục phát bạc và có phận sự tiếp tục công việc bỏ dở của viên ký lục trước tên Phải, là việc phát mãi chiếc ghe bỏ hoang không ai nhìn nhận nầy. Nguyên lại đời ký lục trước đã đem ra bán đấu giá một lần nhưng không ai trả tới giá nên còn lại đây. Đến phiên tôi, cũng may khi lên đèn đấu giá có người trả hai trăm bạc đúng giá nên khi đèn tắt chúng tôi làm thủ tục nhận tiền đóng vào kho và cho phép người mua chống chiếc ghe ra khỏi phú-de chèo chống đi mất dạng. Công việc nguôi ngoai lâu hoắc bỗng một hôm nhơn đi ăn tiệc cưới nhà một ông cai-tổng ở Tân-Qui-đông, tôi lóng nghe bàn kế bên có người bàn luận về chiếc ghe cà-vom bán hai ba trăm bạc (và do tôi bán) nguyên là chiếc ghe của Ba Tín, vốn làm hai đáy, trong khoảng giữa hai đáy nầy có làm một ngăn kín, và người mua được chiếc ghe nầy là một đồ đảng của Tín, họ biết được trong ngăn có chứa vàng bạc của cướp định chừng lên tới số muôn số vạn. Về sau có tên phó đảng mãn tù theo tìm chiếc ghe thì công việc ghe có vàng mới đổ bể ra. Tôi vô can mà cũng dính líu xa xôi tới tiểu sử Đơn-Hùng-Tín anh hùng tướng cướp Biển Hồ, và việc bán ghe xảy ra năm 1928.

Tôi đã nói dân đầu đen máu đỏ miệt Hậu-Giang vẫn có óc lãng mạn lang bang và phần đông đều thích đọc truyện Tàu nhứt là truyện Thuyết Đường Phản Đường, trong ấy có nói nhiều về Đơn-Hùng-Tín và nhóm anh

hùng Ngoã-Cang-Trại. Nếu cho phép tôi tán rộng thì cọng rau tấc đất và con cá dưới sông Hậu-Giang cũng đồng một tâm tánh! Nhưng có người sẽ cười tôi và tỏ vẻ không tin. Nhưng các người cứ xem cho kỹ, con cá nước ngọt Cần-Thơ, lội đến Ngả Bảy (Phụng-Hiệp) gặp

nước pha chè lờ lợ không ngọt không mặn thì thối bộ tức khắc. Nó sống không được trong nước nầy. Thậm chí và trái lại, cây ô-rô cây bần (thủy-liễu) quen với nước mặn, lại chỉ sống và mọc vùng nước mặn, và không sống chỗ khác, vì bắt hạp thủy thổ. Nếu một ngày nào tôi có phúc được làm lớn, tôi sẽ lựa cây bần làm tượng trưng cho khí tiết của tôi. Khí tiết gì? Xin thưa khí tiết một cây mang tên là bần, mặc dầu vậy lá luôn luôn xanh, có trái nuôi được bầy khỉ tự do và có rễ mọc chỉ thiên như tôi đã viết hai lần, và nay còn viết lại nữa. Cây ấy, được cái tên rất nho nhã là “thủy-liễu”, cũng như hai chữ “Vương-Hồng” của tôi không ai chê, duy tên cúng cơm thì khác! Cái tên nôm của cây thủy-liễu cũng đồng một thể.

Mấy chục năm về trước chánh phủ lang-sa làm song tàn, bày ra kế dẫn thủy nhập điền, làm bửng chận nước ngọt và đắp bờ ngăn nước biển không cho lên. Họ tính giữ nước Mékong đổ xuống cho miệt Sốc-Trăng có nước ngọt; và đắp đập chận nước khúc sông Cổ Cò Dù-Tho, chảy từ biển lên, không cho nước mặn vô tới Bãi-Xàu, ngờ đâu ý Tây là vậy ý Trời lại khác, và làm sao qua

mặt được ông Trời già, khiến cho sau khi bày cuộc dẫn thủy nhập điền, nước khúc sông chảy ngang vùng Sốc- Trăng, như đã nói, nó không ngọt như ý muốn, cũng không mặn như thợ trời sắp đặt, nó là nước lợ lợ, danh từ chuyên môn là nước pha chè. Và lạ thay mấy con cá dưới sông và mấy cây rau mọc hai bên sông dường như có linh tánh biết ở nước pha chè sống không được nên đều rút lui có trật tự! Cá nước mặn bỏ vùng Sốc-Trăng về tụ tại Bạc-Liêu, Láng Dài. Cá nước ngọt tỷ như con cá cháy thì lẩn quẩn ở vùng Trà-Ôn Cái-Vồn và không lai vãng tới vùng Ngả Bảy Phụng-Hiệp. Trong khi ấy cây bần rủ lá chết queo, cây ô-rô xếp lá xụ nhành và ngả quẹp. Con tép con tôm cũng biến mất! Báo hại dân sanh sống trọn một đồng Sốc-Trăng không có cá tôm ăn mà không biết duyên cớ tại vì sao và lỗi tại vì ai. Đến sau khi các đập chận nước kia vì thời cuộc không ai tu bổ tự nó hư bể đi, nước thông thương lại như cũ, tức khắc cá tôm và cây bần cây ô-rô bắt bén trở về chỗ cũ sinh sống như xưa, nghĩ cũng lạ!

Mảng nói dông dài quen tánh, tôi xuýt sa đề và quên trở lại vấn đề chánh là cách khai khẩn đất hoang và cách làm ruộng của ông bà chúng tôi mấy chục năm về trước.

Nhắc lại nhà nước Pháp sai đào con kinh Vĩnh-Phú dẫn nước ngọt từ kinh Phụng-Hiệp vô vùng Rạch-Giá.

Con kinh vẫn múc bằng xáng máy, cho nên thẳng bon như sợi dây thép kéo. Đất xúc lên, xáng đổ ra hai bên và thọc máng đổ dài sâu vô tới ruộng hậu bối. Và đây là một dịp cho dân xáng, từ cặp-rằng cho tới Tây coi xáng làm tiền. Chỗ nào sâu, trông mong cho nó đổ đất cho vun lên để thành ruộng thì nó nhóng tiền hoặc không đổ đất. Trái lại nó nhè chỗ xóm đông đảo dân cư tấp nập, nó lại tra máng đổ cho bùn ngập nhà ngập phố, và vạn sự chỉ ư tiền, muốn êm thì nhét vào tay nó vài tờ con voi (giấy 100 bạc xưa), hoặc biết nó thích rượu thì dâng cho nó là được vừa ý. Kinh đào chưa xong là đã có dân củi lụt tứ xứ đến khai hoang làm ruộng. Nói rằng củi lụt chớ thật sự là dân tứ chiếng, đã thất bại tại quê nhà, Mỹ-Tho, Chợ Bưng, Biên-Hòa, nay nghe đồn có đất mới bèn đưa vợ con đến thử thời vận với vận mạng, mà tiếng quen thuộc “làm ruộng là đánh bạc với trời”. Họ chịu cực khổ đã quen. Có gia đình chỉ sống quanh năm húp nước mắm ngang mà da thịt họ cứng rắn như sắt như đồng. Họ ăn mãi cơm rau và nước mắm dở, thét rồi họ quen miệng, một đôi khi ra chợ, dọn ăn vĩ vèo mà họ cũng đòi có nước mắm đồng họ mới nuốt cơm vô! Có người sống kham khổ cho đến đỗi mấy năm kinh tế khó khăn, một cặp vợ chồng nọ ở Hòa-Tú, gia tài chỉ có một cái quần cụt và một cái khăn rằn mà họ gọi theo Triều-Châu là cái “ịch bậu”. Chồng đi chợ thì mượn khăn mượn khố, vợ ở nhà thì

phải đóng cửa thờ chủ nghĩa khỏa thân! Đến khi người vợ có việc cần đến hai bửu bối kia (quần xà lỏn và khăn) thì anh chồng có nước trầm mãi dưới sông, đổ thừa sửa cái cầu sàng hay tại vì tiết trời quá nóng nực. Thế thì cái dịch cỡi truồng chưa phải của Mỹ đặt bày. Nhưng họ ngày nay rậm rật vì quá dư tiền, còn vợ chồng anh nầy là vì quẫn bách và vì xã hội bỏ quên, nên có khác. Lúc nầy nếu anh chồng không muốn ở dưới nước mãi, chỉ còn có cách trốn trong lều bế môn thủ phận, giả sử có trát tòa đòi cũng vô phương tuân lịnh, đợi bà xã về trả khố và khăn sẽ hay.

Cái khăn rằn nầy, họ gọi theo Tiều là ịch-bậu(1)vốn sản xuất tại Nam-Vang đem xuống bán khắp nơi và đó là một vật tối cần thiết cho bác nông phu Hậu- Giang tắm lộ thiên thì lấy đó che thân, lấy nước làm sạch không cần xà-phòng, đi đâu bất thần có ai cho chút ít quà vặt, mớ ổi xâu bánh, cũng lấy ịch-bậu đùm gói đem về rất tiện, trời nắng gắt quá thì lấy che đầu, trời lạnh quá thì khoác trên mình, sáng sớm lau mặt cũng nó, trưa chiều đắp ngủ cũng xong, những khách kinh-thành xin chớ lấy đó làm chướng mắt, và mỗi khi thấy người nào mình trần cùi cụi, chiếc ịch-bậu quàng trên cổ, ấy đó là đồng bào tôi xứ Hậu-Giang, những kiện tướng đánh vật với trời cho có hột lúa cho dân

1 Ịch-bậu: Ịch là dục (tắm); bậu là bố, vải. Ịch-bậu là khăn vải dệt rằn đen trắng, cỡ 1m80 x 0m60, dùng choàng che thân khi tắm lộ thiên. đen trắng, cỡ 1m80 x 0m60, dùng choàng che thân khi tắm lộ thiên.

thị thành ăn, sống chẳng cần ai biết mình, chết không một tiếng than van. Tội nghiệp, chịu cực chịu khổ làm vậy mà quanh năm không một đồng xu dính túi. Làm ra bao nhiêu mãi lo trả nợ chủ điền, đóng bốn đồng rưỡi thuế thân, mua cây dù cho vợ, cái áo cho con, năm nào trúng mùa vừa xộc xạch vài đồng bạc trong túi thì thiếu chi thứ cám dỗ: thịt đầu heo luộc chấm mắm bò-hóc giằm sả ớt cho thật cay, thèm mãn năm mà chưa được nếm, thêm cái thằng bông vụ rủ rê. Cái máu cờ bạc có thể nói là mạnh nhứt giữa dân Hậu-Giang, không tiền thì thôi, có tiền thì máu cờ bạc sôi trở lại. Bài cào ba lá, đứa trẻ chăn trâu cũng thạo, chủ điền thì có tứ sắc, cắc-tê, già-dách, dân phèn thêm cu-di, đánh vố; và cả hai chủ như tá, đều say mê me đi xí-mứng (tứ-môn), me ngồi (ra một mặt liên tiếp), nhứt là xổ đề, từ đề ba mươi sáu con đến xổ số hai đuôi ngày nay, vét dân quê sạt nghiệp. Ngoài cái cờ bạc, họ không cho là nạn và vẫn xem như một thú tiêu khiển giải sầu, theo họ, cũng cần thiết như cơm ăn nước uống, cái nạn chung và vốn là một bất công của xã hội, là họ vẫn bị “người ở chợ” bóc lột nhiều

Một phần của tài liệu Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc: Phần 2 (Trang 65 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)