1 .2 Đặc trưng của hoạt động tài chính vi mô
3.3.2. Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của tổ chức tài chính vi mô Việt Nam
3.3.2.1. Phát triển các dịch vụ truyền thống: Tín dụng và tiết kiệm
Dịch vụ tài chính truyền thống của TCVM là tín dụng và tiết kiệm. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ tài chính truyền thống, đồng thời tiếp cận nhanh với các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại đòi hỏi ngành TCVM cần thiết kế chuyên biệt các sản phẩm dành cho người nghèo.
a. Đối với sản phẩm tín dụng
Các tổ chức có thể đa dạng hóa hình thức cung cấp tín dụng để phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Ngoài hình thức cho vay từng lần phổ biến như hiện nay, có thể mở rộng thêm cho vay theo hạn mức, cho vay theo nhóm để tự quản lý lẫn nhau. Việc cho vay dựa trên bảo lãnh của bên thứ 3 hoặc tín chấp cần được xem xét vì đặc thù của người nghèo thường tài sản đảm bảo có tính "lỏng" thấp. Khi nhu cầu cuộc sống của người nghèo được
cải thiện, mảng cho vay tiêu dùng cũng cần được đầu tư các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đang ngày càng trở nên hấp dẫn như cho vay mua xe máy, ô tô, cho vay trả học phí.
Về thời hạn cho vay, mục đích cho vay, số tiền cho vay cần được linh hoạt đảm bảo khả năng trả nợ và quay vòng vốn của khách hàng. Cần tính toàn chu kỳ sản xuất, mùa vụ của khách hàng, tư vấn và đưa ra kỳ hạn trả nợ.
Theo nghiên cứu gần đây, khi nhắc đến tín dụng khẩn cấp người ta nghĩ đến rủi ro do thiên tai, chiến tranh gây ra nhưng đối với các TC hoạt động TCVM đã có những khoản dự phòng cho những trường hợp như vậy. Các hộ nghèo vẫn luôn phải đối mặt với những rủi ro và áp lực về kinh tế như ma chay, bệnh tật, người thân mất, nhà hỏng nát... hay một số rủi ro khác như vật nuôi chết, thất nghiệp, mất mát tài sản hoặc người nhà ốm đau cần được các tổ chức tính đến nhằm giúp người nghèo giải quyết tạm thời để họ đỡ phụ thuộc vào thu nhập trong thời gian ngắn. Vì không có những khoảng cho vay khẩn cấp như vậy, phần lớn họ sẽ phải bán các tài sản của mình (như nhà cửa, lợn, bò, đất đai.) hoặc vay mượn nặng lãi để lấy tiền chống chọi với những áp lực kinh tế. Trên thực tế những khoản cho vay này không tạo ra doanh thu nhưng giá trị vô hình đằng sau đó lại rất lớn. Trước tiên là tạo cho họ ổn định tinh thần khi gặp tai họa, với người nghèo đó là “cú sốc” lớn vì đã nghèo lại càng nghèo hơn. Khi cứu sống được một người hay ổn định được tinh thần thì tài sản họ làm ra lớn hơn rất nhiều so với để họ rơi vào thế bị động, bần cùng. Thứ hai, khi không có tiền, những khoản vay trước đó có mục đích sử dụng hợp lý sẽ trở thành những khoản tiền trả nợ và chồng chéo nhau. Thay vì tách bạch rõ ràng giữa 2 mục đích vay “tạo doanh thu hay không tạo doanh thu” để dễ quản lý, người nghèo có thể không bị rơi vào việc không kiểm soát được chi tiêu . Thứ ba, bên cạnh những người vay tiền và sử dụng không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến chất lượng vốn đầu tư thì có nhiều người phải đi vay
bạn bè, họ hàng...(tổ chức phi chính thức) với lãi suất cao nhưng cũng phải chấp nhận và vẫn có khả năng trả. Như vậy niềm tin để thu hồi vốn cho những khoản vay không tạo ra doanh thu của người nghèo như vốn vay khẩn cấp có cơ sở. Tuy nhiên đây là những khoản vay tức thời và ít thủ tục phiền hà nên những thủ tục cấp tín dụng cần nhanh chóng và gọn nhẹ đồng thời nơi cấp phát phải sát về địa lý của người nghèo để quản lý nguồn vốn hiệu quả, tránh sử dụng sai mục đích. Để đạt hiệu quả đối với vốn vay khẩn cấp, cần tạo cơ chế lãi suất cao hơn so với các khoản vay thông thường, bên cạnh đó nên kết hợp với các sản phẩm tiết kiệm và bảo hiểm. Đối với nhân viên tín dụng, cần phần biệt rõ ràng giữa vốn vay khẩn cấp và vốn vay tiêu dùng để tránh hiểu nhầm vốn đa mục đích.
Ngoài việc cung cấp các khoản vay khẩn cấp để đáp ứng yêu cầu vay ngay lập tức tránh cho người nghèo phải dùng đến những biện pháp tiêu cực ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và đời sống của họ, các TC hoạt động TCVM có thể sử dụng hạn mức tín dụng đối với những khách hàng có lịch sử hoàn trả tốt. Đây là một giải pháp mà các NHTM vẫn đang áp dụng làm phương thức kinh doanh hiện nay.
Kinh nghiệm quốc tế của các TC hoạt động TCVM cho thấy, hình thức nhóm phù hợp hơn với phân đoạn thị trường khách hàng nghèo hoặc tại các vùng sâu vùng xa (vì giảm chi phí giao dịch cho tổ chức tài chính, tăng cường hiệu quả giám sát nhóm, tăng cường sử dụng các hình thức thế chấp phi truyền thống, giảm thông tin không cân xứng cho các TC hoạt động TCVM). Còn tại các khu vực như ven đô, các khu vực có khách hàng có thu nhập trung bình khá, TC hoạt động TCVM có thể giám sát khách hàng dễ dàng, thông tin về khách hàng đầy đủ, vấn đề thế chấp không phải là trở ngại lớn đối với khách hàng thì hình thức tài chính cá nhân hiệu quả hơn rất nhiều. Trước tiên cần xác định khách hàng là những người đang kinh doanh hoặc có kinh
nghiệm kinh doanh trước đó, dành chính sách ưu tiên phụ nữ trong chương trình triển khai cho vay nhóm. Việc cho vay nhóm giúp các thành viên trong nhóm (khoảng 3-10 người) tự quản lý lẫn nhau, có trách nhiệm tập thể hơn về hành vi trả nợ, theo dõi hoạt động kinh doanh của nhau và đúc rút kinh nghiệm lẫn nhau. Thông thường, trưởng nhóm là người có uy tín trong nhóm và được các thành viên nhóm bầu ra, cũng là người chịu trách nhiệm chính về việc thu hồi nợ, đôn đốc các thành viên khác cùng thực hiện.
b. Huy động tiết kiệm
Huy động tiết kiệm và kết nối khách hàng với các dịch vụ tài chính khác là hướng đi phù hợp nhất đối với các TC hoạt động TCVM nhỏ, đặc biệt là các NGO. Các tổ chức càng gần gũi với người nghèo thì khả năng huy động tiền gửi tiết kiệm từ họ lại càng nhiều hơn nhờ sự tin tưởng. Tuy nhiên cần có cơ quan giám sát hoạt động tiền gửi tiết kiệm này để đảm bảo lợi ích cho người gửi. Các tổ chức cần tuyên truyền cho người nghèo hiểu được việc sử dụng tiết kiệm tự nguyện sẽ làm giảm rủi ro trước các áp lực kinh tế đồng thời có nguồn vốn để mở rộng kinh doanh khi cần thiết. Ở các NHTM các khoản gửi tiết kiệm số tiền lớn đến tiền triệu còn ở các TC hoạt động TCVM thì người nghèo tích tiểu thành đại từ số tiền nhỏ có khi là 1.000 VND/ tuần. Để tạo ra sản phẩm huy động tiết kiệm, người quản lý cần cân nhắc giữa số tiền cho vay với số tiền tiết kiệm bắt buộc và tự nguyện đồng thời tính toán tiền lãi, tiền gốc mà họ phải trả hàng tuần, hàng tháng. Các sản phẩm dịch vụ tiết kiệm đơn giản sẽ làm giảm các chi phí hành chính, tạo ra hệ thống lãi suất khác nhau và nên tận dụng nhân viên làm cán bộ tín dụng đồng thời làm người huy động tiền gửi. Cụ thể đối với sản phẩm tiết kiệm có thể áp dụng nhiều loại khác nhau: tiết kiệm chỉ được rút gốc và lãi cuối kỳ nhưng có lãi suất cao; tiết kiệm có thể rút trước với lãi suất bậc thang hoặc lãi suất thực gửi; tiết kiệm không kỳ hạn hoặc tự động chuyển kỳ hạn ngắn theo yêu cầu khách hàng; tiết kiệm gửi góp; tiết kiệm kèm với dịch vụ
quản lý hộ tài sản.. .Vấn đề tăng cường dịch vụ tiết kiệm nói chung, huy động vốn nói riêng không phải là sự phát triển quy mô theo số lượng, ngoại trừ tại vùng sâu, vùng xa. Điều quan tâm chủ yếu của khách hàng là các dịch vụ tiết kiệm an toàn, thuận tiện, linh hoạt (thanh khoản cao nhưng có lãi) với mức độ cân bằng tối thiểu. Do vậy các TC hoạt động TCVM cần tập trung vào việc chăm sóc khách hàng và thích ứng sản phẩm để duy trì và phát triển các khoản gửi có số lượng lớn nhưng giá trị thấp.
3.3.2.2. Phát triển các dịch vụ mới
a. Dịch vụ bảo hiểm vi mô: Sản phẩm bảo hiểm hiện nay cũng là lựa
chọn thử nghiệm của rất nhiều TCTD thành thị. Các TC hoạt động TCVM cần chú ý tới sự thay đổi nhu cầu khu vực nông thôn do tác động của quá trình di dân cơ học ra thành thị. Nhu cầu tài chính như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm mùa màng... trở nên quan trọng hơn đối với khách hàng khu vực nông thôn, trong khi nhu cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh tạo thu nhập có xu hướng giảm đi. Theo nghị định 28 của Chính phủ không cho phép các tổ chức TCVM khu vực bán chính thức thực hiện bán bảo hiểm tuy nhiên vẫn có thể hợp tác với các công ty bảo hiểm để thực hiện dịch vụ này.
b. Dịch vụ thanh toán: Đối với dịch vụ thanh toán, hiện nay ngoài
NHNN&PTNT, các TC hoạt động TCVM khác hoặc không cung cấp, hoặc cung cấp nhưng quy mô hạn chế. Trong khu vực tài chính nông thôn, VNPT hiện cũng chiếm một thị phần lớn (khoảng 38%) về mảng dịch vụ chuyển tiền. Vì vậy phát triển các dịch vụ thanh toán là cơ hội lớn cho các TC hoạt động TCVM đa đạng hóa hoạt động, tăng cường thu hút khách hàng, tăng nguồn thu và cũng là động cơ để các TC hoạt động TCVM đầu tư chiều sâu cho công nghệ phần mềm, phần cứng, hợp tác với các tổ chức tài chính khác trong và ngoài nước. Tất nhiên các TC hoạt động TCVM muốn phát triển hoạt động này cần phải được sự đồng ý bằng văn bản của NHNN trước khi dự định
triển khai. Sản phẩm thanh toán đơn giản nhất là chuyển tiền cần được thử nghiệm phát triển trước. Còn các dịch vụ thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu hay thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng... sử dụng khi các TC hoạt động TCVM đã kết nối với trung tâm thanh toán bù trừ hoặc kết nối với các NH khác hoặc khi điều kiện về cơ sở vật chất được đáp ứng, đòi hỏi một tầm phát triển cao hơn so với quy mô hiện tại.
c. Dịch vụ phi tài chính: Cần mở rộng sản phẩm phi tài chính với các
dịch vụ hỗ trợ giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính tốt hơn. Theo cách tiếp cận tổng hợp, các TC hoạt động TCVM có thể lựa chọn một hoặc một số nhóm dịch vụ hỗ trợ như: nhóm dịch vụ phát triển doanh nghiệp (đào tạo kinh doanh, sản xuất, marketing), nhóm dịch vụ trung gian xã hội (đào tạo quản lý, tính liên kết, nâng cao năng lực xã hội)... Đặc biệt với khách hàng vay vốn trong khu vực nông thôn, các dịch vụ khuyến nông lâm ngư, tư vấn, hỗ trợ ký thuật có tác dụng nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ tài chính cho khách hàng, giúp khách hàng gắn bó trung thành đối với tổ chức. TC hoạt động TCVM có thể lựa chọn thuê một hoặc một số tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ, hoặc tự cung ứng dịch vụ thông qua phát triển các phòng ban chức năng phối hợp. Trong trường hợp thuê ngoài, TC hoạt động TCVM trở thành đầu mối trung gian hiệu quả nối kết cung và cầu trên thị trường, giúp khách hàng giảm chi phí thuê hỗ trợ thông qua lợi thế quy mô. Thông thường, các TCTCVM chính thức nên áp dụng cách này, còn các TCTCVM khu vực bán chính thức lựa chọn cách thứ hai. Việc lựa chọn phụ thuộc vào quy mô nhu cầu, khả năng thanh toán của khách hàng và khả năng về tài chính - nhân lực của TC hoạt động TCVM .