THÀ BẬT MỘT QUE DIÊM

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 31 - 33)

Trong nhịp sống hiện tại, hầu như con người ta đều nhất nhất phụ thuộc vào... điện. Trong một ngày, có thể thiếu nhiều thứ, ừ, thì thế nào cũng xong nhưng dứt khoát không thể thiếu điện. Mọi thông tin liên lạc từ truy cập Internet, check mail, xem phim, máy lạnh, giặt quần áo, tủ lạnh... đều không thể vận hành. Chao ôi, lúc ấy ai cũng có cảm giác: “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Rồi hậm hực. Rồi cáu tiết. Làm sao có thể ngủ trong không gian oi bức, làm sao “chém gió” trên Facebook... nếu không có điện? Nỗi bực dọc ấy đã khiến nhiều người quát tháo ầm ĩ như đang nhai cơm ngon lành bỗng vấp phải hạt sạn, như đang phóng xe vu vu trên xa lộ lại vấp phải ổ gà! Điều này cho thấy sự lệ thuộc của con người vào thói quen mà lâu nay đã tận hưởng.

Tuy nhiên, khác với suy nghĩ ấy, có nhiều người vẫn nhẹ nhàng đón nhận, không hề than vãn gì. Ủa? Sao hay thế ta? Họ có bí kíp gì vậy? Đơn giản thôi, họ chấp nhận thực tại đó vì biết không thể nôn nóng, đòi hỏi phải diễn ra theo ý mình ngay lập tức. Họ cứ nhẩn nha chờ đợi bằng những cách thư giãn khác.

Như mọi Chủ nhật, ngày đó gia đình anh có thể ngủ nướng đến 8 giờ; sau đó, kéo nhau ra quán ăn sáng. Rồi lúc quay về nhà, từ vợ đến chồng mỗi người chiếm một không gian riêng, tự do với nhu cầu, sở thích riêng. Nếu chị dán mắt vào cái truyền hình, anh mải mê vi tính thì hai đứa nhóc dứt khoát không thể thiếu cái iPad với các loại trò chơi. Thế mà Chủ nhật này, oái oăm quá, ông nhà đèn “chơi khăm” cúp điện.

Cả nhà sững sờ tưởng chừng như đất lún dưới chân. Tần ngần một lát, anh sực nhớ cái cửa sắt nhà mình đã loang lổ, rỉ sét nhưng lâu nay do bận rộn công việc hằng ngày nên chưa thể mó tay vào. Rồi ngày nghỉ lại loay hoay với bàn phím nên chẳng thể sửa chữa. Thế là, anh mua sơn mới, kéo luôn cả hai đứa nhóc vào “phụ việc”. Chà, đã lâu lắm mấy cha con mới có dịp “lao động” chung. Câu chuyện cứ ríu rít chẳng bù cho mọi ngày, mấy cha con có dịp tỉ tê, tâm sự gì đâu. Rồi vợ anh tranh thủ chăm sóc mấy chậu kiểng trước nhà, chị ngạc nhiên đến thích thú: “Ủa, giò lan nhà mình đã ra hoa rồi mình ơi. Vậy mà lâu nay, em chẳng biết”. Thế là chị hào hứng réo chồng con cùng

đến “chiêm ngưỡng”. Còn anh vừa sơn cửa, vừa hỏi han con cái chuyện học hành. Công việc cứ thế tuần tự trôi qua. Tiếng nói cười cả nhà náo nhiệt, vui nhộn hơn khác hẳn mọi Chủ nhật trước.

Rõ ràng, trong bất kỳ tình huống nào người ta cũng có thể tìm được niềm vui.

Nhiều người rất sợ sự thất bại, cứ mong ước, cầu nguyện sự việc phải diễn ra như ý mình. Nếu không, họ cảm thấy cuộc đời “bất công” quá. Chị bạn tôi, thời trẻ yêu anh chàng nghệ sĩ nọ nhưng bị “quăng cục lơ”. Không chịu được khổ đau, chị thất tình và dại dột quyên sinh, may mà cứu sống được. Trải qua sự cố đó, sau này, chị nghiệm ra rằng, do đã từng “yêu rất nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu” (Xuân Diệu) nên càng trân trọng tình yêu của mình. Với ý thức ấy, chị đã vun đắp, gìn giữ hạnh phúc đang có mỗi ngày.

Khi gặp những chuyện không như ý, chẳng việc gì bi quan rằng, đời mình đi vào ngõ cụt. Có câu chuyện về người đàn ông nọ do chiến tranh nên không còn nguyên vẹn chân tay, tuy vậy, lúc nào ông cũng sống thanh thản, nhẹ nhàng và được mọi người yêu mến. Ông đã dựa vào đâu để có sự lạc quan đó? Ông tâm tình: “Tôi biết nhìn cuộc đời bằng đôi mắt sáng suốt. Khi ngước lên trời, tôi còn thấy bầu trời bao la; khi cúi nhìn xuống đất, tôi hình dung đến nấm đất lúc về cát bụi, nó nhỏ bé vô cùng. Vậy có khác gì mọi người đâu? Cuối cùng, nhìn chung quanh tôi thấy rằng, dù sao mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác, vậy hà cớ gì tôi phải trách móc cuộc đời? Dẫu tôi có nguyền rủa, van xin thì đôi chân của tôi đâu thể mọc ra lần nữa?”.

Suy nghĩ tích cực ấy, chính là nguồn vui sống đó thôi.

Không phải ngẫu nhiên nhiều người cho rằng, sự thành công quá sớm, quá dễ dàng chưa hẳn là điều tốt. Tại sao? Bởi khó có thể dễ dàng chia sẻ với nỗi khổ, bất hạnh, thất bại của người khác.Và nhất là khó có thể chấp nhận được nghịch cảnh lúc thất bại của chính mình. Một ông tỷ phú tiêu xài rất kỹ từng đồng tiền bỏ ra, thiên hạ chê cười là keo kiệt, ông chỉ từ tốn: “Tôi sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ đều nghèo khó nên tôi phải biết quý giọt mồ hôi”. Trong khi đó, có những người lúc lọt lòng đã giàu sang phú quý nhưng nếu không thấm thía được sự nhọc nhằn của ông bố bà mẹ đã trải qua lúc tạo dựng cơ nghiệp thì trên đường đời cũng khó thành công.

Con người sinh ra đời, có số mạng hay không? Chuyện này còn bàn luận chán. Nhưng chắc chắn có một điều rằng, dù có lúc thất bại, không như ý về cuộc sống nhưng con người ta hơn nhau ở chỗ biết chấp nhận nó và tự ý thức “Thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)