Tình cờ gặp nhau trên phố, hai người bạn mừng rỡ ôm chầm, hỏi han tíu tít. Đã lâu rồi, cũng chừng nửa tháng, họ không gặp nhau. Anh A hỏi: “Cậu đi đâu xa hay bận rộn thế nào mà chẳng hề thấy mặt trong các cuộc bù khú cùng bạn bè?”. “Ừ, tớ mới đi chơi xa”. Anh A vỗ vai bạn: “Chúc mừng nha, hèn chi trông thấy mặt mày cậu phớn phở quá. Tò mò một chút, cậu du lịch nước nào? Có gì vui, kể cho tớ nghe đi”. Anh B cất lên tiếng cười sảng khoái: “Chẳng giấu gì bạn, tớ mới vừa trải qua cơn đau thập tử nhất sinh nên thời gian qua phải nhập viện”!
Chà, sao trông tươi tỉnh, vui vẻ đến thế?
Biết đâu, anh chàng B độc thân đã tán tỉnh được cô hộ lý; hay nữ bác sĩ xinh đẹp nào chăng? Sống trên đời, có nhiều nơi cần đến nhưng chắc chắn trong danh sách đó, bệnh viện hoàn toàn không phải là nơi mọi người chọn lựa. Chẳng may bệnh hoạn, ốm đau, chẳng đặng đừng phải vào đó thôi, chứ đang khỏe khoắn thừa sức bẻ gãy sừng trâu, có cho vàng đi nữa cũng chẳng ai dại gì khăn gói vào nằm trong đó.
Tuy nhiên, khi vào bệnh viện, ở đó, một thế giới khác -thế giới của những con người đang nhờ cậy vào chuyên môn, tấm lòng của các y, bác sĩ lại có thể giúp ta có một nhận thức mới. Mà này, nói nhỏ thôi, đôi khi muốn có “một nhận thức mới” tương tự như bệnh nhân, ngay cả các y, bác sĩ cũng có lúc... cần nhập viện.
Tình cờ, tôi đọc được trên mạng xã hội nỗi lòng thầm kín của vị bác sĩ nọ. Ông đã nêu ra một vấn đề rất thật và cũng rất đời: “Khi chính mình phải đối diện với nó, chính mình trở thành bệnh nhân, tôi mới thực sự thấu hiểu và thông cảm với người bệnh. Những ngày đó thật đau đớn, căng thẳng, lo lắng, mặc cảm... Nằm trên giường bệnh, tôi suy nghĩ về chất lượng cuộc sống và cả về chất lượng cho chuyến du hành cuối cùng của cuộc đời. Thật xấu hổ tôi đã lo âu chỉ vì một viên sỏi bé tí... không là một cái gì so với hàng trăm ngàn bệnh nhân ở đây. Với tôi, bệnh viện là nhà, quanh tôi toàn là thầy, cô, bạn bè đồng nghiệp, gia đình... rất quen thuộc và thân thiện nhưng tôi vẫn lo lắng”.
Thật vậy, thế giới đó có những điều kỳ diệu mà lâu nay ta chưa có điều kiện nhìn nhận, suy ngẫm.
Không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm lừng danh Quy luật muôn đời,
nhà văn người Georgia Nodar Dumbatze đã viết một câu mà thoáng đọc qua, ta thấy trái khoáy: “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời”. Trời đất ơi, ắt nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao lại nhấn mạnh một điều kỳ cục vậy hả? Gặp nhau, người ta chúc nhau, mừng nhau khỏe mạnh đời yêu đời, chứ sao lại nói đến chuyện ốm đau?” Nhà văn Nodar Dumbatze giải thích ngắn gọn: “Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua”.
Khi đang khỏe như voi, chỉ cần gặp chuyện “nhỏ như con thỏ” cũng khiến người ta dễ nổi nóng, nhất định phải “ra tay” ngay tắp lự nhằm thể hiện “cái tôi” không thua ai, không sợ ai. Chẳng hạn, bước vào quán ăn sau khi nốc dăm chai bia, uống vài chén rượu, nhìn qua bàn bên cạnh chợt thấy ánh mắt nhìn là lạ, ta liền gân cổ quát: “Mày nhìn đểu đấy à?”. Người kia chưa kịp phân trần, ta đã nổi nóng lao qua “ăn thua đủ” cho bõ ghét. Mà trên đời “vỏ quýt dày thì móng tay nhọn”, chẳng ai phải sợ ai. Ta đánh họ, họ cũng đánh lại ta. Cả hai hùng hùng hổ hổ một phen bất phân thắng bại, cứ như thể đối mặt với kẻ thù không đội trời chung, đã từng có mối thù thâm căn cố đế.
Rốt cuộc, cả hai... cùng gặp nhau trong bệnh viện. Chuyện gì xảy ra sau đó?
Sau một giấc mê mệt bất tỉnh nhân sự không biết trời trăng mây gió gì sất, vừa tỉnh dậy, anh A liếc qua gường bệnh nhân B, chỉ cách nhau một sải tay, anh nghe được tiếng òa khóc, giọng thủ thỉ của cô bé lên mười: “Cha ơi, cha khỏe lại chưa? Ở nhà không có cha, con nhớ cha lắm. Cha mau khỏe để Chủ nhật này dẫn con đi chơi sở thú nghen”. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh, hồn nhiên ấy đã khiến anh A sực nhớ đến con mình. Tự dưng chùng lòng xuống, anh A nén tiếng thở dài: “Phải chi trước lúc choảng nhau, ta nhìn thấy cảnh này”.
Còn anh B, giây lát sau xoay người nhìn qua giường bệnh anh A, lạithấy người vợ hiền lành, đôi mắt sâu hoắm vì âu lo đến mất ngủ đang chăm cho chồng từng muỗng cháo như dỗ dành đứa trẻ. Bất giác anh B xúc động, nhớ đến cô vợ trẻ của mình, khi chồng gặp nạn, phải nhập viện thì nỗi âu lo của ai cũng giống nhau. Tự dưng anh B cảm thấy xấu hổ, hối hận cho những lúc không kiềm chế.
Khi ốm yếu, dù không hề bi quan nhưng rõ ràng ai ai cũng có cái nhìn về tình đời, tình người thân thiết hơn, nhân hậu hơn.
Tôi có quen với vợ chồng người bạn cùng công sở. Trước đây, họ đã từng nộp đơn ra tòa xin ly hôn, cùng song ca hai câu thơ của Thế Lữ: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”. Trong lúc chờ tòa phân xử, chẳng may anh bị ốm nặng. Những ngày đó, người vợ vẫn vào bệnh viện chăm sóc anh chu đáo từng ly từng chút. Quái, bao nhiêu lời nói hằn học, cay cú, mắng nhiếc sa sả với nhau mỗi ngày thì nay đã trốn biệt đâu mất. Nhìn chồng với thân thể gầy yếu, thở không ra hơi tự dưng trong lòng chị lại dậy lên một tình cảm mà lâu nay đã quên. Tình cảm của ngày mới yêu nhau, chị nhớ thuở ấy anh khỏe mạnh là thế, nay lại ốm o như con mèo ướt. Còn anh, lúc mỏi mệt nửa khuya giật mình tỉnh giấc đã thấy người vợ ngồi bên cạnh. Chị cầm chặt lấy bàn tay anh như đang chở che, an ủi, bất giác anh cảm động đến ứa nước mắt.
Khi chênh vênh giữa sống và chết, chẳng ai nhọc tâm khổ trí tính toán, nghĩ ngợi đến chuyện tranh giành, tị hiềm, thù oán, thủ đoạn... nữa. Họ nghĩ đến cuộc đời bên ngoài cửa sổ bệnh viện. Họ nghĩ đến sự ân cần chăm sóc của các y, bác sĩ đã tận tụy ngày đêm vì sự sống của họ. Đời đẹp lắm. Mỗi ngày, nắng lên xanh, mưa dịu mát, sao lúc khỏe khoắn họ không làm tròn phận sự nhường nhịn, vun vén niềm vui cho nhau. Rồi họ lại nghĩ đến khoảng thời gian trôi qua mình đã sống, đã cư xử với mọi người thế nào và lúc lo lắng nhất, sự sống đã nằm ngoài tầm tay thì những ai là người thường xuyên thăm nom, chăm sóc từng ngày, từng giờ?
Vâng, đó là lúc mỗi chúng ta biết nghĩ về “phần hồn”, nghĩ về “sức khỏe cho tâm hồn” chứ không phải mải mê chạy theo dục vọng “hỉ, nộ, ái, ố, lục tặc, tam bành” của cái thể xác đang đòi hỏi. Nhà văn Nodar Dumbatze hoàn toàn chí lý khi viết: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi... Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử, ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng... Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống”.
Điều đáng tiếc nhất, chỉ khi nằm bệnh, lúc chênh vênh sống - chết thì ta mới quay về sống trong tâm thế đó. Lúc khỏe khoắn, đang “lên hương” nếu ta suy ngẫm mỗi ngày về điều hướng thiện ấy, cuộc đời tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.