CHÍN BỎ LÀM MƯỜ

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 67 - 70)

Tha thứ một ai đó đã làm điều gì “không phải” với mình, điều này khó hay dễ? Một khi căm ghét ai hễ gặp người đó, ta có thể mở miệng cười? Có lẽ, chỉ những ai sống độc thân trong hang động, vị tiên tu luyện nơi hang sâu núi thẳm mới không oán ghét ai và tránh được lỗi lầm. Chứ “người trần mắt thịt” chúng ta không thể.

Mỗi một ngày, chỉ cần phóng xe xuống phố vào giờ cao điểm, không chóng thì chày cũng có những va chạm khiến bực cả người. Xe chạy bình thường, đang ngước mắt nhìn dòng đời ngược xuôi, bỗng đâu có kẻ phóng xe rú còi inh ỏi như hú như hét như trêu như chọc! Bực bội chưa? Ngay tại ngã tư, lúc đèn đỏ, theo ý thức tôn trọng giao thông, ta dừng lại thì bỗng đâu từ phía sau/ phía trước một chiếc xe khác lao đến cái ầm! Tai nạn tự nhiên như từ trên trơi rơi xuống, né tránh làm sao? Ta có thể tha thứ lỗi lầm người đó không?

Sự bực bội, căm ghét, oán thù là một trong những “thuộc tính” của con người ta. Vì lẽ đó, có những điều tưởng rằng dễ dàng thực hiện nhưng cực khó. Khó không khác gì lạc đà chui qua lỗ kim - như một câu quen thuộc trong Kinh Thánh. Có một câu nữa mà tôi còn nhớ loáng thoáng rằng: “Nếu không trở nên như trẻ thơ, thì ngươi sẽ không được lên nước Thiên Đàng”. Ai cũng có cách lý giải cho riêng mình, riêng tôi nghĩ, ở trẻ thơ không có sự tị hiềm, tâm hồn như lá biếc, tâm tính hồn nhiên, vô tư nên bao giờ cũng nhìn nhận sự vật một cách mới mẻ và hào hứng khám phá. Nói cách khác, ở đó không có chỗ cho sự định kiến, đánh giá theo quán tính. Mà than ôi, những người lớn chưa chắc được như thế. Nói theo đạo Phật, cái “chấp” trong lòng mỗi chúng ta còn nặng nề lắm.

Lâu nay, tôi rất thích cụm từ “trăm sông về biển”. Lẽ tất nhiên, niềm vui của người này đôi khi lại là nỗi buồn của người khác. Biết làm sao được, sự vận động của đời sống vốn thế. Điều cần thiết nhất, mỗi một người có thể “chín bỏ làm mười” được không? Có thể nhìn thấy ở người đối diện những phẩm chất tốt đẹp hay chỉ là sự hận thù, oán hận đã định hình trước đó? Từ mỗi góc nhìn, nếu theo hướng tích cực của hòa hợp, thiện chí thì sự khúc mắc

nào cũng có thể giải quyết ổn thỏa. Hãy nhìn một cuộn chỉ rối, nếu nhẫn nại, bình tâm ta có thể gỡ được đấy thôi.

Lên non đón gió lấy trầm

Xui ong lấy mật, giục tằm nhả tơ.

Câu ca dao này hay quá. Hay, vì ông bà ta đã ngụ ý một triết lý sống cực kỳ vị tha, nhân ái. Sự hòa hợp nào, nếu tâm đầu ý hợp cũng có thể dẫn đến một kết quả đáng quý như thế. Gió chỉ là gió nhưng hãy tin trong gió có trầm. Hãy tin mật ở ong. Hãy tin tơ ở tằm. Niềm tin ấy chỉ có được một khi cùng nhìn về một hướng và xóa bỏ đi những định kiến trước đó.

Mẹ tôi có kể tôi nghe câu chuyện này, có chàng trai nọ rất ghét căn nhà đối diện, nói như dân gian “ghét đến mức muốn xúc đất đổ đi”. Một hôm, bà mẹ bảo: “Con hãy qua nhà đối diện xin cho mẹ chút lửa. Bếp nhà mình đã tắt ngúm rồi”. Không còn cách nào khác, cậu bước sang nhà đó theo lời mẹ dặn. Vừa bước đến, trước mặt cậu là một bà già ốm yếu bệnh hoạn, da bọc lấy xương, những đứa con nheo nhóc lại rách rưới, than khóc vì đói. Khiếp! Cậu dừng chân lại, vội quay lưng nhanh. Không thể nào bước vào trong căn nhà hôi hám, bẩn thỉu ấy. Vừa đi vài bước, cậu đã nghe tiếng gọi: “Cậu ơi, cậu không thể đi ngay vì tôi chưa nói lời cám ơn. Tôi cám ơn cậu đã đến thăm tôi”. Câu nói tha thiết của bà già đã khiến cậu sững người. Thì ra những gì trước đây mình đã nghĩ về họ là không đúng.

Trong cuộc sống mỗi ngày với nhiều mối quan hệ, có những lúc ta cũng như chàng trai kia thôi. Cứ nghĩ trong đầu như thế là mãi mãi như thế. Thật ra không phải. Nếu biết “mở lòng”, thì sẽ có một nhận thức khác. Muốn vậy, phải làm thế nào? Thú thật, tôi không đủ kiến văn lẫn sự lịch lãm, kinh nghiệm sống để trả lời. Tuy nhiên, tôi mạo muội nghĩ rằng, với những con người đã từng “gây thù chuốc oán”, nếu mình rộng lòng tha thứ, đó chính là giây phút khởi đầu cho sự “mở lòng”.

Có như thế mới thấy hết cái Đẹp của thế giới xung quanh.

Tôi nói thật rằng, có những người thích tiêu khiển bằng cách... giết kiến. Một ngày kia, trong lúc buồn bã, suy sụp, thất vọng nhân tình thế thái, anh ta chui vào phòng đóng cửa lại, vắt tay lên trán, thở ngắn than dài. Như mọi lần, có con kiến bò vào phòng, nhưng lần này anh đã mệt mỏi thân xác, rã rời tâm trí đến độ không còn hào hứng với thú tiêu khiển trước đó. Lần này, anh lặng lẽ quan sát con kiến thật kỹ. À, thì ra lâu nay con kiến xấu xí, đáng ghét kia vẫn có vẻ đẹp mà không nhìn thấy. Từ đó, anh thay đổi tâm tính.

Có lần bác sĩ Nguyễn Khắc Viện khiêm tốn bảo rằng, bí quyết của phương pháp thở của ông không gì cao siêu mà chính là lúc chúng ta học

cách thở của trẻ thơ đấy thôi. Thở tự nhiên như hơi thở vốn có, theo đúng phương pháp chứ không phải trong lúc thở lại nghĩ về sự thù hận, oán ghét, tị hiềm, cay cú... Cho phép tôi suy ra rằng, muốn được vậy hẳn ta phải loại bỏ những suy nghĩ hắc ám, những áng mây tích điện giông đang ầm ầm trong đầu. Rõ ràng, ý thức “chín bỏ làm mười” cũng có ích cho sức khỏe đấy chứ?

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)