“Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”, không riêng gì người Việt, đó là đặc tính chung của con người năm châu bốn biển. Bình thường chẳng sao, nhưng lúc “gặp chuyện” ắt những gì đã vun vén, đã dành nhiều thiện cảm cho nhau bỗng dưng “đổ sông đổ biển” hết trọi.
Ai lại không từng rơi vào cảnh ngộ éo le: Cả một tuần, một tháng miệt mài như con ong, chăm chỉ công việc không ngoài mục đích kiếm tiền lo cho gia đình. Không dám ăn, không dám chơi, không đàn đúm bia bọt, tằn tiện từng chút một cũng vì vợ vì con. Sáng Chủ nhật, anh thức dậy sớm, ngồi trước hiên nhà nhâm nhi tách trà, lắng nghe tiếng chim hót véo von. Tâm hồn đang khoan khoái nên anh cho phép mình làm một việc mà từ lâu đã quên. Vừa mới thực hiện ý định đã nghe tiếng quát ầm ĩ bên tai: “Anh lại hút thuốc lá nữa rồi. Ngày nào cũng thuốc lá. Vứt ngay. Anh có biết nó có hại sức khỏe thế nào không?”. Chà, người đâu lại quá quắt, buổi sáng đẹp, tự cho phép tận hưởng thú vui nho nhỏ cũng không được sao? Lại còn thòng thêm sự đánh giá rất “oan ông Địa”: “Ngày nào cũng thuốc lá”!
Vặt lại một câu cho đỡ tức tối chăng?
Cái đó còn tùy vào tâm tính, phép ứng xử của từng người. Anh bạn tôi, sau câu nhắc nhở “quá hớp” đó của vợ, bèn cười bẽn lẽn, không nói gì, anh lẳng lặng vứt mẩu thuốc lá. Chỉ một cử chỉ “sửa sai” nho nhỏ đã “hóa giải” được ngọn lửa đang ngùn ngụt lao tới. Rồi mọi việc trở nên nhẹ nhàng như chưa hề có chuyện gì. Cử chỉ ấy, không phải “lép vế” trước “uy quyền” của vợ mà biết nhận cái sai của mình. Điều này mới quan trọng hơn, sau này, con cái thấy bố gương mẫu nên không bắt chước theo thói xấu ấy.
Cũng trong trường hợp đó, ắt sẽ trở nên cuộc đấu khẩu quyết liệt nếu người chồng quắc mắt: “Hứ, cô thì tốt lắm chứ gì? Trước đây, ai đã từng ăn uống vô tội vạ, tăng cân vùn vụt đến độ béo phì? Hay hớm gì mà góp ý người khác?”. Thế đấy, cứ soi mói lỗi lầm của người khác ư? Rất dễ. Dễ bởi vì ai lại không có lỗi? Ai lại không có những điều chưa hoàn thiện?
Tôi rất thích quan niệm sống của ông cụ gần nhà. Cụ bảo, sống trên đời, cách tốt nhất cho mình và cho người là hãy tìm lấy tính tốt của nhau. Cụ nói
thêm, khi quan sát chữ “nhân”, ta thấy do 人 “nhân” (người) và 二 “nhị” (số hai) hợp thành. “Nhị” có thể xem là ký hiệu chỉ sự lặp lại, cũng biểu thị con người. Như vậy, nghĩa gốc của “nhân” là “người thân ái với người”.
Sự thân ái đó rõ ràng là có, đã tạo dựng được trong các mối quan hệ trước đó, nhưng oái oăm, lại có lúc người ta xổ toẹt cả. Trong truyện ngắn
Cười, nhà văn Nam Cao viết câu này thật hay, vợ chồng nọ từng thương yêu đến tận cùng chân tơ kẽ tóc, nhưng lúc cãi nhau: “Cứ vậy, tiếng bấc đưa đi, tiếng chì quăng lại, người nào cũng nghĩ đến sự quá quắt của người kia mà không chút ngó đến sự quá quắt của mình. Cũng không ai chịu nhớ rằng: ngoài những lúc giận nhau, họ là cặp vợ chồng rất tốt. Chồng thương vợ, vợ thương chồng, đôi bên luôn luôn tìm cách làm cho nhau đỡ khổ”. Ấy thế, lúc cơn giận ùa đến như lửa cháy phừng phực, họ lại quên đi những gì đã từng tâm niệm, từng san sớt, từng vỗ về. Cứ cãi nhau chí chóe, ngang nhiên đổ thêm dầu vào lửa. Vợ chồng còn thế, huống gì người dưng nước lã, những quan hệ đồng nghiệp, bà con láng giềng?
Rõ ràng tính nết con người ta, lạ lùng thật, khi đã ghét, đã tranh cãi, lập tức trong mắt mình chỉ thấy rặt tính xấu, dù trước đó, họ đã làm cho ta biết bao điều tốt. Nếu lúc “gay cấn” ấy biết nghĩ lại một chút thôi, nghĩ lại sự tốt đẹp đã làm cho nhau thì mọi sự đã khác. Đọc trên báo, chúng ta rùng mình với những vụ án rợn tóc gáy, không hiểu tại làm sao có những đôi tình nhân, từng yêu nhau thắm thiết nhưng lại có thể tước đi mạng sống của nhau? Chỉ có thể giải thích, do lúc ấy, sự ghen tuông, ích kỷ đã làm mờ lý trí khiến người này quên đi sự tốt đẹp của người kia. Sự tốt đẹp ấy, chắc chắn cả hai từng có nên mới gắn kết để tạo ra sự đồng điệu. Nhưng rồi lúc giận dữ, chỉ thấy mỗi cái xấu, cái hư hỏng nên đã hành xử tàn nhẫn nhất, chỉ có thể “trò chuyện” bằng mã tấu! Đến lúc nghĩ lại, còn có cơ hội để ăn năn, phục thiện không?
Không những thế, có những người luôn nghĩ xấu về người khác, dù chỉ mới gặp lần đầu tiên. Trong ngôi làng nọ, có người đàn bà vừa dọn đến, ngày kia, bà đem phơi ngoài sân quần áo, mùng mền trắng tinh vừa mới giặt. Một người khác đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ kiếng, thấy mọi thứ đều có những vết lấm tấm đen, cho là người hàng xóm giặt không sạch. Thế là, bà ta gặp ai cũng chỉ trích, phê bình bà hàng xóm cẩu thả, chỉ có việc giặt quần áo, mùng mền cũng không xong. Chiều về, sau khi bà ta mở cửa sổ kiếng ra, thì thấy quần áo, mùng mền đều sạch sẽ trắng tinh, không hề có vết dơ bẩn nào cả. “Hồi sáng, chính mắt mình đã trông thấy dơ lắm, sao nay lại không?”. Ngẫm nghĩ một lát, bà đóng cửa sổ, nhìn lại lần nữa, mới hay chỉ có kiếng nhà mình
là dơ, do đó, khi nhìn qua đó thấy mọi vật của người khác cũng vậy. Nhìn qua lăng kính nào trong đối nhân xử thế?
Tôi tin nhiều người cũng tự nhủ rằng, nếu lúc buồn, lúc không hài lòng, không ưng ý với ai điều gì thì hãy nhớ lại những gì tốt đẹp đã có; hoặc nghĩ rằng, mỗi con người đều có phần tốt đẹp, không phải hoàn toàn xấu như ta đang thành kiến. Với sự độ lượng này, ai cũng thấy nhẹ lòng và cảm thấy cuộc đời vẫn còn đáng yêu lắm, chứ không phải u ám, tối tăm, đáng ghét như suy nghĩ đang lẩn quẩn ngay trong đầu. Nghĩ tốt về nhau, có thể nói đã là một “phương thuốc” hữu hiệu giúp mình vui sống hơn vì biết tin, biết chọn lấy cái đẹp vẫn hiện hữu....