IM LẶNG ĐỂ LẮNG NGHE

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 78 - 81)

Được nói cũng là một lạc thú ở đời. Có câu chuyện thế này, nhân dịp Tết đến, nhóm bạn rủ nhau khề khà bên cội mai “mừng xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”. Câu chuyện rôm rả, hào hứng và ai cũng muốn được nói, được tâm tình. Điều này là lẽ thường tình. Chẳng có gì phải phàn nàn, nếu không có một, hai người độc chiếm diễn đàn. Lưỡi họ trơn hơn thoa dầu, bôi mỡ trở thành diễn giả “thao thao bất tuyệt” trước công chúng. Họ “một mình một ngựa” tung hoành ngang dọc, không nhường cho ai có thể góp lời.

Làm sao buộc người đó ngưng nói?

Cuối cùng nhóm bạn đề nghị, nếu anh ta im lặng đúng 10 phút, sẽ có quà thưởng hậu hĩnh. Cũng lạ, có những người nếu buộc im lặng, họ có cảm giác như cổ họng nhột nhạt. Tay chân bức bối. Đầu óc bực bội. Vì thế, trước đề nghị của bạn bè, chỉ đến phút thứ 9, không thể chịu đựng nổi, anh ta đứng phắt dậy, bỏ ra về. Càng tốt. Ai có thể chịu đựng được một người luôn oang oang như súng bắn liên thanh?

Tâm lý của con người ta không khác nhau ở chỗ, đôi lúc cần có người cùng tâm tình, đấu hót, “chém gió”. Người này nói, người kia lắng nghe và ngược lại. Mà ai còn có nhu cầu được nói. Chẳng ai muốn lỗ tai của mình trở thành nơi phải chứa tất tần tật lời lẽ của người khác, dẫu rất thân tình. Nói tắt một lời, “được ăn được nói” là lạc thú không thể thiếu được trong 24 giờ của một ngày.

Tuy nhiên, ít ai chịu khó ngẫm lại rằng, tại sao cứ phải nói? Cứ phải há miệng, đảo lưỡi liên tu bất tận phát ra tiếng động như suối chảy róc rách, như thác lũ dạt dào từ ngày này qua tháng nọ? Thế thì, hãy thử im lặng xem sao. Ừ, hãy dành lấy cho mình một khoảng thời gian tự ngậm miệng. Không thốt ra một lời nào. Lúc ấy, có gì khác hay không? Tôi nghĩ, khi im lặng cũng là lúc người ta có thể hướng nội, tự mình soi rọi lại tâm thế chính mình. Việc làm ấy, mạo muội nghĩ rằng, nói như từ ngữ tin học, đó chính là lúc “defragmenter” các dữ kiện ngổn ngang trong tâm hồn.

Không phải ngẫu nhiên ở Nhật có những thiền viện heo hút nơi rừng thẳm non cao. Những lúc quá mệt mỏi, quá ngao ngán bởi từng ngày cuốn

theo dòng đời chảy xiết, thiền viện ấy là nơi người ta tìm đến. Nơi ấy, có những bậc thiền sư rao giảng về lẽ vô thường của cuộc đời? Nơi ấy, có tiếng chuông ngân nga, câu kệ trầm bổng an ủi chăng? Không. Bước vào phòng, chỉ có nến sáng, trầm thơm và một vài chậu bonsai phía trước mặt. Không có thêm gì nữa. Hãy ngồi xuống. Im lặng. Chỉ ngồi im lặng và làm chủ hơi thở. Thế là đủ. Vâng. Đôi khi trong đời chỉ cần có thế.

Mẹ tôi có kể câu chuyện này, ngày nọ, một cây to sum suê cành lá nói với với cây ăn trái: “Cuộc đời anh tẻ nhạt quá, chẳng được như tôi. Lúc nào tôi cũng có thể xạc xào, reo vui trong gió khiến nơi xa cũng có thể nghe đến”. Cây ăn trái khiêm tốn: “Tôi không cần những lời ồn ào, trái cây ngon ngọt đã thay lời tôi muốn nói mỗi ngày”.

Lâu nay, khi đọc tuyệt phẩm Mái tây của Vương Thực Phủ, thiên hạ năm châu bốn biển đều khoái trá với lời bình Kim Thánh Thán. Một trong 33 điều “Chẳng cũng sướng sao” của ông, tôi rất thích: “Qua phố thấy hai bác đồ gàn cãi nhau một chuyện... Cả hai đều đỏ mặt tía tai, tưởng không đội trời chung! Thế mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm “chi, hồ, dã, giả”... Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng một tráng sĩ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Há chẳng sướng sao!”.

Sự im lặng của hai bác đồ gàn đã cho thấy gì? Chỉ trong tích tắc ấy, có thể họ sững người, rồi lập tức nhận ra ngoa ngôn nãy giờ chỉ là những câu tranh cãi tầm phào!

Tôi không tin người ta có thể vừa ồn ào nói chuyện, vừa chuyên chú đọc sách. Không bao giờ. Nếu có, chỉ lướt trên mặt chữ, chứ không thể nhìn ra ánh sáng lấp lánh nằm giữa các dòng chữ. Nếu chọn lấy duy nhất, vâng, chỉ chọn một bài thơ Đường, bạn sẽ chọn bài thơ nào? Câu hỏi này khó quá, phải không? Tuy nhiên, nếu không thể thoái thác được, tôi xin chọn Tầm ẩn giả bất ngộ của thi sĩ Giả Đảo (788? - 843?):

Ngày nọ đứng bên cội tùng, khách hỏi chú tiểu đồng là thầy đang đâu, có ở nhà không? Tiểu đồng cho biết thầy đi hái thuốc. Rồi đưa tay chỉ vào cỏ nội mây ngàn, núi xanh rừng xanh thẳm. Khách nhìn theo, thấy trước mắt mây mù mịt, giăng kín núi non: “Núi này quanh quẩn không xa/ Mây che mù mịt biết là nơi đâu?”. Khách lặng lẽ, đứng nhìn mây tỏa mờ sương khói, không thốt một lời nào nữa. Sự im lặng ấy, với chúng ta có khó khăn quá không? Không à? Thế mà có đấy! Ít ra, là sự bực bội vì đã mất thời gian đến tìm cố nhân nhưng không gặp, bèn cằn nhằn một vài câu chứ gì? Nhân vật trong thơ Giả Đảo lại khác, biết tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên chính từ giây phút ấy.

Không nhớ rõ nhà hiền triết nào đã bảo, chúng ta mất vài năm học nói nhưng lại mất cả đời để học cách im lặng. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc sự im lặng lại đem đến sự bình an tâm hồn. Có câu chuyện thế này, anh chàng nọ vốn đệ tử số dzách của Lưu Linh bợm nhậu. Mỗi lần say, anh trở về nhà là quát mắng vợ con, tất nhiên vợ con cãi lại. Lần kia, mặc tình anh ta muốn nói gì thì nói, vợ con chỉ im lặng. Càng nói, anh càng nghe tiếng nói của chính mình dội ngược lại vào tai. Mình có thể thốt ra những lời thô lỗ, cục cằn này sao? Thử im lặng xem sao. Và anh ta nghe thấy những gì? Nghe thấy trẻ con hàng xóm vọng sang ê a tiếng học bài, nghe lời vợ dịu dàng ru con... Bước ra ngoài sân, anh ta còn nghe cả tiếng cựa mầm, nẩy lộc trong khoảnh khắc giao mùa.

Mùa xuân đến rồi đó ư? Sao bây giờ mới nghe được tiếng thì thầm da diết ấy? Vâng, tình xuân vẫn chan chứa từng ngày trong cuộc sống, có điều ta có biết lắng nghe hay không?

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)