SAU CƠN MƯA, TRỜI LẠI SÁNG

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 54 - 57)

Không chỉ với tuổi mới lớn, bất kỳ ai một khi đã lao vào tình yêu như thiêu thân đắm đuối ánh đèn cũng đều có lúc cảm nhận cay đắng: “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn”. Buồn như thế nào? Buồn đến độ tuyệt vọng, có lúc tưởng rằng, nếu chết đi thì sung sướng biết bao nhiêu. Họ không thể chịu đựng nổi cảm giác: “Nhớ ai bồi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”. Làm sao có thể chịu đựng được vì trong lúc mình nhớ nhung da diết đến trằn trọc mất ăn mất ngủ, chàng/nàng lại tếch theo người khác, dung dăng dung dẻ hú hí nơi nào đó. Chỉ cần mường tượng đã giận sôi gan, nghiến răng kèn kẹt những muốn nhảy bổ vào ăn tươi nuốt sống ngay tắp lự.

Trước tình huống này, mỗi người có sự lựa chọn khác nhau, tùy theo tâm thế và bản lĩnh văn hóa. Tôi rùng mình khi đọc trên báo, biết rằng có những người giải quyết bằng cách “ăn thua đủ”. Sự bạo lực, máu me chảy dài trên trang báo, đọc và nhìn hình ảnh ấy khiếp quá. Chỉ có thể nhắm nghiền mắt mà tự nhủ “Nam mô A Di Đà Phật”; hoặc “Amen! Lạy Chúa tôi”.

Hôm nọ, có cô bé sinh viên hỏi rằng: “Chú ơi! Bản chất đích thực của tình yêu là gì?”. Tôi ngần ngừ, suy nghĩ và hỏi lại: “Theo cháu thì sao?”. Cô bé tròn xoe mắt trả lời: “Thưa chú, đó là sự chiếm hữu”. Nhiều người vẫn nghĩ như thế. Một khi đã yêu nhau, người đó phải hoàn toàn thuộc về mình. “Thuộc về” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với quan niệm ấy, kẻ khác đừng hòng có cơ hội nhảy vào “xâm chiếm”. Do đó, một khi “chủ quyền” có nguy cơ bị xâm phạm, phản ứng trước nhất của họ là gì? Là sử dụng bạo lực để giải quyết! Thậm chí, cho dù cả hai người cùng một điểm xuất phát, cùng một lúc “tấn công” chiếm lấy trái tim người đẹp, họ cũng xử sự không khác gì mấy.

Này nhá, lúc Sơn Tinh đã lọt vào “mắt xanh” nàng Mỵ Nương xinh đẹp, lập tức chàng Thủy Tinh: “Sóng cả gầm reo lăn như chớp/ Thủy Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng/ Cá voi quác mồm to muốn đớp/ Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng” (Nguyễn Nhược Pháp). Cảnh tượng giao chiến rợn da gà chứ đâu phải đùa. Sở dĩ vậy là do tâm lý ích kỷ khi nghĩ rằng, người đó là của

họ, bằng mọi giá phải tranh giành, chiếm lại cho bằng được. Lúc đó, khoảnh khắc đó, họ chỉ nghĩ đơn giản, cả vũ trụ này, cả Trái Đất này chỉ có chàng/ nàng là duy nhất, còn lại hàng tỷ người trên hành tinh chỉ là con số zero to tổ chảng. Phải nhanh chóng chiếm hữu về tay mình bằng mọi giá.

Thật ra, chiếm hữu không phải là bản chất của tình yêu. Đã thật sự yêu thì không bao giờ làm tổn thương người mình yêu, dẫu một lời chì chiết, đay nghiến chứ huống gì sử dụng đến sức mạnh của cơ bắp. Người khôn ngoan, lịch lãm không cho phép mình chọn lấy phép ứng xử ấy.

Không chỉ tình yêu, trong đời thường diễn ra nhiều tình huống tréo ngoe, oái oăm như trêu chọc, thử thách bản lĩnh con người ta. Đôi lúc thấy sờ sờ ra trước mắt là “mất”, là thiệt thòi nhưng biết đâu ấy lại là “được”, là may mắn. Ngày xưa, có một người nghèo, rất nghèo, gia tài quý báu nhất của ông chỉ có một nhúm gạo. Một hôm có người giàu sang, đi xe hơi đời mới ghé lại nhà và chìa tay xin: “Ông có gì ăn, cho tôi ăn với”. Người ta đã nghèo khó, bần cùng thế này mà còn đến xin với xỏ, bực mình quá, ông ta bèn nhón lấy cho một hạt gạo và tất nhiên, không quên rủa mắng vài câu bõ ghét. Tối hôm đó, khi mở bị gạo ra nấu cơm, ông kinh ngạc khi thấy lẫn lộn trong gạo có một viên ngọc. “Chà, nếu mình cho nhiều hơn thì đã nhận được ngọc nhiều hơn”. Ông ta tiếc rẻ nhưng làm gì còn có cơ hội.

Chị bạn tôi, lúc bị “đá giò lái” đã uất lên quyết một phen sống mái, “một mất một còn” với kẻ tình phụ. May nhờ người thân khuyên can, an ủi nên chị bình tâm trở lại, vết đau nhức nhối trong tim dần dần lành sẹo. Chị có chồng, sinh con đẻ cái và thỉnh thoảng gặp lại người cũ nhưng trong lòng nhẹ tênh, không một chút bận tâm gì. Đơn giản, người đàn ông đó không xứng đáng nhận lấy tình yêu chân thật của chị: “Thế mà ngày ấy, những tưởng có thể chết đi được nếu không lấy được người đó làm chồng”, chị tâm sự. Ngược lại, nhiều đấng mày râu cũng có cảm giác ấy. Có kẻ quan niệm “không ăn được, phá cho hôi”, có người xử sự như câu thơ của Pushkin: “Cầu mong em được người tình như tôi đã yêu em”. Ai cao thượng hơn?

Sau cơn mưa rồi trời lại sáng. Sự vận động trong trời đất cũng không khác gì lòng người. Lúc giông bão cuồn cuộn có thể biến mình thành kẻ khác, nếu không bình tâm mọi việc sẽ xấu đi. Có người ngậm ngùi hối tiếc: “Biết thế này, lúc ấy đã giải quyết theo cách khác”.

Vâng, có nhiều cách nhìn nhận, tháo gỡ một cuộn chỉ đang rối.

Nếu đã nhẫn nại tìm mọi cách mà vẫn không thể, cách tốt nhất hãy buông bỏ. Đừng nuối tiếc giữ lại. Đời người chỉ sống một lần, vậy hà cớ gì phải ôm lấy sự buồn tủi, oán hận ấy theo suốt năm tháng còn lại? Có một

người ngao ngán với thất bại não nề, cay đắng ê chề trên đường đời, đường tình đã hỏi vị thiền sư: “Thưa thầy, con không muốn sống nữa”. “Tại sao?”. Người này thở dài: “Con không thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hiện tại”. Vị thiền sư đáp: “Đâu phải con đang sống với hiện tại, con đang sống với quá khứ”. “Thầy nói đúng. Nhưng quá khứ của con đâu phải đều xấu?”. Có tiếng nói nhẹ nhàng vang lên: “Con cần phải từ bỏ quá khứ, không phải vì nó xấu mà nó đã chết rồi”.

Một bài học giản dị, thức tỉnh nhưng mấy ai đã nhìn ra? Một khi quá khứ đã chết, ôm giữ mãi trong lòng liệu ích gì cho nhịp sống hiện tại? Buông bỏ đi, nếu vật ấy đã không còn thuộc về mình. Chấp nhận sự thật và buông bỏ, mới có thể dẫn dắt chính mình ra khỏi ngõ cụt đặng tìm đến một con đường khác. Sau cơn mưa, rồi trời lại sáng.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)