MÂY BAY TRONG ĐẦU

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 48 - 51)

Mây bay trong đầu ư? Làm sao có thể diễn ra điều đó? Có lẽ, gã nhà thơ lơ tơ mơ này lẩn thẩn rồi chăng? “Mây che trên đầu và nắng trên vai”

mới đúng là ca từ của Trịnh Công Sơn chứ? Lại nữa, câu thơ trong Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu, Tản Đà dịch: “Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Tất nhiên, mây phải bay ngang trời, chứ không thể... trong đầu được. Các bạn nói đúng, nhưng ở đây xin bàn đến một khía cạnh khác.

Một ngày kia, nhân buổi chiều mưa lại đang nhàn rỗi, ngồi soạn lại các đĩa VCD chất đầy trong ngăn tủ, lâu nay bỏ mặc, không quan tâm đến, tôi tình cờ tìm thấy và xem được bộ phim này. Đại khái, có một gia đình nông dân nghèo, vì sinh kế họ phải từ bỏ quê nhà lên Paris lập nghiệp. May mắn, cậu con trai được nhận vào nấu bếp tại quán ăn hạng xoàng, đối diện là một nhà hàng sang trọng. Từ khi cậu đứng bếp, lập tức đã có một sự thay đổi lớn: các thực khách đều tìm qua quán ăn này, còn nhà hàng đối diện ngày một vắng teo, vắng tanh như chùa Bà Đanh. Bí quyết nấu ăn của cậu ở đâu? Câu hỏi này đã khiến nhiều người tò mò. Phải tìm ra câu trả lời cho bằng được.

Trong một cuộc thi thể hiện tài nấu bếp, cậu và tay đầu bếp nhà hàng kia cùng làm bánh bông lan. Bánh của cậu, khi ăn, ai cũng khen ngon. Vị béo của trứng, vị ngọt của đường quyện nhuần nhuyễn với bột. Cắn một miếng, vị ngon thơm tho cứ lưu luyến mãi không thôi. Ăn một miếng, lại muốn ăn thêm. Cậu “bật mí”: “Khi thực hiện bất kỳ món ăn gì, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến niềm vui, sự ngon miệng của thực khách. Muốn được thế, tâm hồn tôi phải nhẹ nhàng, thanh thoát, toàn tâm toàn ý với món sẽ nấu. Thâm tâm vướng víu đến sự bực dọc, hằn học, cay cú thì cái bánh này đây, các vật liệu sẽ không trộn lẫn, hòa nhập ưng ý đến thế. Nói cách khác, nếu ý nghĩ trong đầu mỗi người là mây thì tôi chọn lấy mây trắng thong dong, thảnh thơi bay; chứ không chọn những đám mây đen ùn ùn kéo đến sẵn sàng tạo ra cơn giông tố, những tiếng sấm sét kinh hãi”.

Khi nghe tôi kể lại mẩu chuyện trên, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh - chuyên gia ẩm thực từng hướng dẫn nấu ăn trên đài truyền hình và cũng là tác

giả tập sách An lạc mùa chay, chị rất tán thành: “Thật vậy, khi nấu ăn với tâm thế giận dữ, cau có, buồn phiền chắc chắn chất lượng của nó sẽ khác hẳn lúc ta thực hiện bằng niềm vui, bằng sự tự nguyện mong muốn người thân, người thương ăn ngon miệng. Vì thế, những lúc nấu hàng trăm suất ăn từ thiện, giúp đỡ người nghèo, bao giờ tôi cũng cho mở nhạc nho nhỏ, réo rắt, reo vui. Những người nấu bếp thả hồn theo tiếng nhạc, tâm hồn thơ thới, hoan hỷ thì chất lượng của từng món ăn cũng ngon hơn”.

Cuộc sống này kỳ diệu quá phải không?

Tôi có đọc một tài liệu nghiên cứu của người Mỹ: Tại một cô nhi viện, các trẻ mồ côi đều có hoàn cảnh xuất thân như nhau là bị bố mẹ bỏ rơi lúc vừa lọt lòng. Tại đây, các em được nuôi dưỡng, giáo dục cùng một chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, người ta phân ra làm hai loại, một nhóm trẻ được nuôi nấng bằng sự yêu thương, trìu mến, được các bảo mẫu tâm tình nhắc nhở như mẹ dành cho con; một nhóm trẻ cũng được nuôi ăn nhưng hoàn toàn không có sự quan tâm về tình cảm. Về sau, tính nết, sự thông minh, thái độ chan hòa với mọi người của hai nhóm trẻ không hề giống nhau.

Không phải ngẫu nhiên, các nhà thực vật cho rằng, trên cùng một mảnh đất, cùng phân bón, cùng hạt giống nhưng sau khi gieo trồng, các cây sẽ lớn lên khác nhau bởi nó còn tùy thuộc vào tình cảm của người chăm sóc.

Rõ ràng suy nghĩ hướng thiện hoặc tối tăm dù xuất hiện trong đầu nhưng cũng có tác động đến những vật mà ta cứ ngỡ “vô tri vô giác”. Ngay cả cái bánh bông lan kia, chất lượng nó cũng khác vì còn tùy thuộc vào tình cảm của người thực hiện. Từ đó, tôi cũng nghiệm ra rằng, suy nghĩ của mỗi người, chỉ nghĩ đến, chỉ hiện hữu trong óc nhưng nó lại có tác động sự vật bên ngoài. Các suy nghĩ này dù thoáng nhẹ như mây, nhưng nếu ta cứ suy đi nghĩ lại mãi, chắc chắn nó sẽ hằn một vết sâu rồi về dài lâu khó tẩy xóa. Chi bằng, một khi đã gặp những điều không hài lòng, ta nén lòng lại và tặc lưỡi bỏ qua, có phải tốt hơn không?

Trong nhịp sống hiện đại, có lẽ một trong những mối quan tâm “đau đầu” nhất đã khiến nghiều người vấp phải, chính là sự mất ngủ. Nằm trên giường, dù chăn êm nệm ấm bên cạnh vợ/chồng nhưng nào có chợp mắt được đâu vì lúc ấy, những đám mây xám xịt đang lởn vởn trong đầu. Nào là tiền nợ ngân hàng, công việc sắp đến ngày nghiệm thu nhưng vẫn còn dang dở, chưa đâu vào đâu, rồi nhớ lại những lời mắng mỏ của sếp mà uất lên đi mất... Suy tư ấy cứ lẩn quẩn nên khó có thể chợp mắt. Vậy phải làm gì? Có nhiều bác sĩ hướng dẫn cách nằm thả lỏng người và tập thở. “Hít vào bụng phình ra, thở ra bụng tóp lại”, thở thật chậm, thở thật sâu. Nhưng rồi nhiều người vẫn...

không ngủ được!

Có lần, bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn cho biết, với những “ca” như vậy ông thường kể cho họ nghe một đối thoại về thiền: Vào ngày đẹp trời có nhà vua đến viếng vị thiền sư, thọ giáo về thiền. Ngài mời nhà vua thưởng thức trà ướp sen thơm ngát, có điều, tách trà của nhà vua đã đầy nhưng ngài vẫn tiếp tục rót thêm. Nhà vua ngạc nhiên cho đến lúc không kiềm được bèn nói: “Đầy quá rồi. Đừng rót nữa”. Thiền sư trả lời: “Muôn tâu bệ hạ, giống như cái tách này, trong đầu bệ hạ cũng đầy ắp những quan niệm, tư tưởng của bệ hạ. Làm sao hạ thần có thể bày tỏ được thiền cho bệ hạ, trừ phi bệ hạ cạn cái tách của bệ hạ trước”.

Vâng, nếu còn giữ lấy u ám trước đó đã có, làm sao có thể tiếp nhận được những gì tích cực khác? Nếu trong đầu các bóng mây tăm tối cứ lượn lờ qua lại, không riêng gì mình mệt mỏi, mà chính nó cũng tác động đến cả sự vật chung quanh nữa. Hiểu thế và biết thế cũng không ngoài mục đích khi bắt tay vào một việc làm gì, dù nhỏ thì bao giờ cũng chọn lấy một tâm thế thư thái, sảng khoái nhất.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)