ĐÔI LÚC CŨNG CẦN NÓI DỐ

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 36 - 39)

Nghe kỳ cục quá, tại sao phải nói dối chứ?

Ông bà ta từng dạy: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”. Chẳng thà “ăn cục nói hòn”, dù vụng về, thô kệch nhưng câu nói ấy chân chất, thật thà vẫn hơn cái kiểu “ăn xuôi nói ngược”, thêm thắt “hoa lá cành” một cách dối trá. Đành rằng, quan niệm này hoàn toàn đúng nhưng đôi lúc, ta cũng phải biết nói dối. Tuy nhiên lời nói dối ấy, trước hết phải xuất phát từ thiện ý vì biết nghĩ đến người khác. Nghĩ rằng, với lời nói dối ấy, nếu họ tin là thật, có thể trở thành động lực, nguồn vui sống khi đang chìm đắm trong cõi bi quan, hoang mang về sức khỏe, về niềm tin đã mất...

Tôi sực nhớ đến năm tháng cuối đời của thi sĩ lừng danh Hàn Mặc Tử. Những ngày ấy, ông sống trong tâm trạng đớn đau: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi lời thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da”. Làm thế nào để an ủi tinh thần người bệnh? Bấy giờ, nhà văn Trần Thanh Địch mới gửi thư giới thiệu Hàn Mặc Tử làm quen với một thiếu nữ xinh đẹp có cái tên nũng nịu, âm vang như thơ: Thương Thương. Từ đó, những cuộc giao thiệp qua thư từ đã diễn ra và khiến chàng thi sĩ hào hứng tột cùng để nảy sinh ra một nguồn thơ mới.

Do tin bạn đã giới thiệu, Hàn Mặc Tử hoàn toàn không biết Thương Thương chỉ là cô gái mới độ tuổi trăng rằm, nhưng qua trí tưởng tượng: “Em sẽ là Nàng Thơ của anh. Cứ nghĩ đến em, thế là vui sướng lắm rồi, quên hết cuộc đời tận khổ, gian lao. Mà sau này, văn thơ anh ảnh hưởng ở em, nếu có chút giá trị gì đối với văn học, cái công của em không phải là nhỏ”. Thật vậy, chính nhờ hình ảnh của Thương Thương, ông đã có cảm hứng để viết nên kịch thơ Duyên kỳ ngộQuần tiên hội.

Nếu khoảng thời gian Hàn Mặc Tử bi đát, đau đớn tột cùng của thể xác, Trần Thanh Địch không bịa ra chuyện Thương Thương, liệu ông có thể tìm được niềm yêu đời, sự hy vọng chói lòa: “Nương nương ơi! Biết nhau từ độ ấy/ Tóc xanh thêm và tình đậm đã nhiều...”? Nhiều bác sĩ bảo rằng, lúc bệnh hoạn nhưng nếu từ trong ý thức vẫn lạc quan, hoan hỷ, không âu sầu, lo lắng,

phiền muộn thì việc chữa trị sẽ có những tín hiệu tốt hơn.

Khi tiếp cận Truyện Kiều, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết, nhân vật ông không thích là thầy tướng số! Khi Kiều còn bé dại, thơ ngây lão ta đã gieo vào đầu: “Tinh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Theo thiền sư, “Ông thầy tướng số này nguy lắm. Người ta còn con nít mà nói như vậy là gieo một hạt giống đau khổ thắc mắc và lo sợ trong lòng người ta! Người ta yên trí rằng mình sẽ khổ suốt đời, đó là cái không hay”. Rõ ràng, phép ứng xử ở đời, đâu phải lúc nào cũng “nói toạc móng heo”, “nói thẳng ruột ngựa” là tốt đâu.

Nhiều lần trò chuyện, GS. NGND Hoàng Như Mai, vị thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên thường tâm tình: Một đứa trẻ, dù học chưa giỏi nhưng nếu được nghe những động viên, khuyến khích của các bậc phụ huynh, nó sẽ tự thân nỗ lực nhiều hơn nữa vì biết mình còn được tin cậy, chứ không phải loại “bỏ đi”. Nhưng nếu cứ bị nghe những lời chì chiết, chê bai ắt nó chán nản, buông xuôi vì nghĩ rằng, “số” mình đã là thế, không còn cách gì thay đổi được nữa.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, khó có thể truyền đạt kinh nghiệm sống của người này cho người khác, nếu tự thân không tự ý thức phải thay đổi. Thật kỳ diệu, đôi khi sự thay đổi ấy lại bắt đầu từ một lời nói dối nhằm khơi dậy tinh thần hướng thiện, sự tốt đẹp dù người đó đang đối mặt với chông gai, khó khăn tứ bề.

Đọc sử Việt, người Việt luôn tự hào về cuộc kháng chiến ròng rã mười năm chiến thắng giặc Minh của anh hùng Lê Lợi. Lúc khởi binh, qua tham mưu của thiên tài Nguyễn Trãi, ngài đã sai nghĩa quân dùng mỡ viết trên lá câu: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Kiến, sâu ăn dần theo vết mỡ, hiện ra dòng chữ đó, rồi lá rụng bay khắp nơi. Bàn dân thiên hạ đọc được, cho là “ý Trời” nên nườm nượp kéo về Lam Sơn tụ nghĩa.

Không riêng gì Á Đông, các nước phương Tây cũng vậy thôi. Có chuyện rằng, trước lúc xuất quân đánh một trận sống mái quyết liệt “được ăn cả, ngã về không”, một vị tướng đứng trước ba quân, trên tay ông nắm giữ hai đồng xu và bảo: “Ta sẽ thả xuống đất hai đồng xu này, nếu cả hai cùng xuất hiện mặt đỏ ắt trời đất linh thiêng phù hộ thắng trận; nếu một mặt trắng, một mặt đỏ, than ôi, thời vận của chúng ta đã kết thúc”.

Bốn bề lặng phắc như tờ, trong lồng ngực mỗi người nhịp tim đập thình thịch, lo lắng chờ đợi giây phút có tính chất quyết định ấy. Vừa dứt lời, vị tướng quân thả hai đồng xu xuống đất, tiếng vỗ tay hò reo như sấm: cả hai đồng xu đều xuất hiện mặt đỏ! Ba quân phấn kích xuất trận, họ đã thắng vì

tin rằng mình sẽ thắng. Tuy nhiên, không ai biết rằng cả hai mặt đồng xu ấy, trước đó, vị tướng quân đều sơn màu đỏ.

Nói dối không tốt, thậm chí còn là tính xấu, cần phải tu sửa. Trong quan hệ xã hội, nếu gặp những người lúc nào cũng nói những lời dối trá nhằm vụ lợi cá nhân, xúc xiểm chỗ này, “thọc gậy bánh xe” chỗ khác -nói như nhà văn Nam Cao thì “cái mặt ấy không chơi được”. Đáng ghét lắm.

Thế nhưng, một khi lời nói dối ấy được thực hiện vì lợi ích chung nhằm đạt đến kết quả tốt đẹp hơn; vì mong muốn người khác có thể vin vào đó vượt qua nỗi nguy khó trước mắt thì cũng có thể châm chước, thậm chí còn được đồng tình nữa là khác...

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)