BẰNG LÒNG VỚI NHỮNG GÌ ĐANG CÓ

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 70 - 73)

Trong cuộc sống, mỗi người một số phận. Có người lúc sinh đã nhà cao cửa rộng; có người lại “màn trời chiếu đất”. Với điểm “xuất phát” ban đầu, có phải sau này sự thành đạt của mỗi người sẽ khác?

Khó có thể đưa ra một kết luận rõ ràng, nhưng chắc chắn ông trời công bằng lắm, đã lấy của ai cái gì ắt lại đền bù cái khác. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, nhiều bậc thức giả dạy rằng: “Sống trên đời, không có một điểm tựa nào vững chắc nhất là tựa vào chính mình”. Tưởng rằng, những mỹ từ ấy chỉ là lý thuyết, “mô phạm” chứ sự vận động trong đời sống còn phức tạp hơn nhiều. Đúng thế. Nhưng đừng quên rằng, đã có những người vượt lên nghịch cảnh, sống tốt, thậm chí còn có nhiều cống hiến cho xã hội hơn người bình thường khác.

Nhà ngôn ngữ học tài ba Lê Ngọc Trụ thuở nhỏ bị đau lỗ tai và phải mổ mép xương tai trái, do đó, đau ốm luôn. Không thể vui chơi như bạn bè trang lứa, cụ ngồi nhà cặm cụi với sách vở. Dù không bằng cấp gì nhưng nhiều người có bằng cấp phải gọi cụ là thầy. Cụ viết nhiều, nhưng tựu trung Tầm nguyên tự điển Việt Nam vẫn là bộ sách giá trị nhất, đến nay, chưa ai có thể vượt qua.

Nhà bác học thiên tài John Edison thuở nhỏ ốm đau luôn, rồi do một lý do gì đó nên bị điếc, sau này ông hài hước: “Tôi rất nên cám ơn cái người đã vô tình làm cho tôi bị điếc. Trong cái thế giới ồn ào hỗn tạp này, chỉ có điếc mới giúp tôi yên tĩnh làm những việc mà mình thấy cần làm. Nếu không bị điếc, chắc có lẽ tôi cần phải nút lỗ tai chặt lại, may ra mới có thể làm việc được”. Rõ ràng, dù trong hoàn cảnh không may mắn nhưng ai cũng có thể tìm được sự hài lòng ở đó.

Sống trên đời, ai không mong khỏe mạnh như bao người, nhưng rồi cũng có lúc ốm đau. Nếu cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không có thời gian bị bệnh nặng, liệu cụ có “cơ duyên” trở thành Thánh y Việt Nam? Lúc ấy, thuốc thang mãi không khỏi, nghe tiếng thầy Trần Độc ở Thành Sơn (Nghệ An) là người giỏi thuốc, thi đậu Hương tiến nhưng thi mãi không đậu đại khoa nên lui về ở ẩn, cụ liền tìm đến dưỡng bệnh. Suốt một năm trời ở

đây, Lê Hữu Trác đã mượn thầy nhiều sách thuốc để nghiên cứu, càng đọc cụ càng “ngộ” ra rằng chỉ có nghề làm thuốc thì mới thật sự đem lại lợi ích cho mình và cho người. Đặc biệt, cụ được đọc bộ sách Phùng thị cẩm nang bí lục

của danh y Phùng Triệu Trương.

Do đó, khi luận bàn nghề thuốc với thầy, Lê Hữu Trác tỏ ra rất am hiểu lý luận âm dương, về phương dược, về thực tiễn lâm sàng... Trần Độc lấy làm kinh ngạc và truyền hết nghề làm thuốc cho cụ. Từ đây, cụ quyết chí đeo đuổi nghề cứu nhân độ thế mà sau này cụ tự hào: “Làm thuốc giỏi chẳng hơn là tu tiên, tu Phật hay sao?”.

Những mẩu chuyện này khiến chúng ta nhận ra rằng, một khi gặp điều gì không suôn sẻ thì chớ vội bi quan, chán nản, buông xuôi theo dòng đời. Có câu chuyện cổ tích, thuở nhỏ nghe thầy cô kể, nay tôi vẫn còn nhớ: Ngày kia, cây cổ thụ miệt thị cây lau sậy: “Cậu hèn kém lắm, biết bao giờ mới có thể ngẩng đầu hiên ngang nhìn lên bầu trời như ta?”. Cây lau sậy từ tốn: “Tớ bằng lòng với số phận của tớ. Dù không được như cậu nhưng tớ vẫn an toàn hơn”. Nghe câu trả lời ấy, cổ thụ cười ngạo nghễ: “Không ai có thể bứng ta ra khỏi gốc, vặn đầu ta xuống đất nổi”.

Đã có nhiều người luôn tự cao, tự đắc trong suy nghĩ hạn hẹp ấy. Vào một ngày, cổ thụ hối hận vì đã khoác lác, ngoa ngôn. Một cơn giông tố dữ dội lướt qua đã khiến nó ngã sóng soài, trong khi đó, sau lúc tan bão thì lau sậy vẫn bình thản vi vút reo theo tiếng gió.

Một khi đã ý thức như thế, hà cớ gì ta phải bận tâm, bực bội khi so sánh với ai khác? Mà nếu được thế, chắc gì ta đã cảm thấy hạnh phúc hơn, sung sướng hơn? Năm 1781, khi lên kinh đô chữa bệnh chúa Trịnh, cụ Lê Hữu Trác đã chẩn bệnh chính xác: “Còn như phú quý nhàn cư/ Ngày đêm yến tiệc ăn no lại nằm/ Rượu say rồi lại nhập phòng/ Khỏi sao tích trệ phạm phòng chết non?”. Rõ ràng, sống giàu sang trong phủ chúa nhưng nếu không ăn uống điều độ, sinh hoạt tình dục “xả láng sáng về sớm” thì phúc hay họa?

Lại có chuyện bà tỷ phú nọ đã khoe chỉ có mình sở hữu viên ngọc có trị giá nhất, không một ai sánh nổi. Tuy nhiên, một bà mẹ cần lao lại ẵm đứa con và bảo: “Đây mới là viên ngọc quý mà tôi được sở hữu”. Vâng, dù giàu nghèo thế nào, ai cũng có một niềm tự hào riêng, tùy theo suy nghĩ của mỗi người.

Đi tìm định nghĩa về “hạnh phúc” là điều vừa dễ lại vừa khó. Thế nào là hạnh phúc? Tôi tin chắc rằng nhiều người đồng tình rằng, hạnh phúc chính là lúc ta bằng lòng với những gì đang có, dù rằng cái sự bằng lòng ấy không là gì so với kẻ khác. Thử hỏi, một người nằm ngủ trong khách sạn năm sao, có

máy lạnh điều hòa, có mỹ nhân vỗ về, ve vuốt; một người nằm ngủ trên chõng tre ngoài vườn thì có gì khác nhau không? Chắc chắn là không, nếu cả hai cùng ngon giấc và hài lòng với chỗ nằm mỗi đêm. Thế thì, chẳng việc gì phải “đứng núi này, trông núi nọ” để so sánh rồi than thân trách phận. Đã từ lâu, nhiều người thuộc nằm lòng câu thơ của nhà thơ E.A. Evtushenko, bởi tác giả đã nói được một điều hiển nhiên: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?” (Bằng Việt dịch). Sự lạc quan ấy, tại sao ta lại không trang bị cho chính mình?

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 2 (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)