Người trần mắt thịt, chứ có phải ông thánh đâu mà có thể đối diện với sự thù hằn bằng tấm lòng từ bi hỷ xả? Khi thua thiệt, bị ai đó lừa gạt, chơi xấu điều gì đó, ngay đầu đã cay cú nghĩ đến sự trả thù. Phải “ăn miếng trả miếng”, phải “ơn đền oán trả” sòng phẳng. Ít có ai, tự nhủ một cách nhẹ nhàng “thôi kệ”, rồi xí xóa mọi chuyện. Thậm chí, khi kẻ có lỗi, làm sai, làm quấy đến xin lỗi rồi nhưng người ta vẫn cố chấp, vẫn khư khư giữ rịt sự oán ghét, không “trả đũa” lúc này thì sẽ lúc khác.
Do đó, khi nghe ai đó khuyên can “chín bỏ làm mười”, ta liền nghĩ rằng “giáo điều” quá, “khẩu hiệu” quá. Hằng ngày, kiếm cái ăn, cái mặc cho chính mình rồi lo cho vợ/chồng, con cái đã bở hơi tai, thế mà có kẻ nhẫn tâm cướp giật mất, thử hỏi sao không giận, không oán hờn? Sự căm giận ấy như lửa gặp gió, chỉ chờ có cơ hội là bùng phát dữ dội. Khi trả thù được ắt lòng hả hê, vui sướng vì mọi việc xem như đã giải quyết xong? Chắc gì. Biết đâu oán lại chồng chất thêm oán.
Thế nhưng, kỳ diệu thay trong đời vẫn còn có những con người biết trút bỏ gánh nặng ấy nhẹ nhàng như không.
Chắc nhiều người còn nhớ đến tập truyện ngắn Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương (NXB Trẻ) của nhà văn Nguyễn Trí -đoạt giải Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013. Tác giả dẫn bạn đọc vào thế giới của những con người bần cùng, khốn khổ, muốn có miếng cơm phải trả bằng mồ hôi và máu. Nhân vật của anh là những tay giang hồ khét tiếng, bặm trợn; những người sống bằng nghề đãi vàng sẵn sàng giết nhau nơi rừng thiêng nước độc. Dù tranh giành miếng ăn, chém giết để tồn tại nhưng rồi họ “ngộ” ra: sống trên đời cần một tấm lòng. Chính tấm lòng chân thành dành cho nhau mới có thể khiến họ vui sống, biết sống, vượt qua gian khó chứ không phải cay cú hơn thua bằng mọi cách nhằm chiếm đoạt, lọc lừa nhau...
Do chính cảm nhận như thế, nhà văn Nguyễn Trí mới dám đối đầu với nỗi đau tột cùng của người làm cha. Ngày đó, con gái anh bị kẻ xấu đâm chết. Hung thủ là cô gái mới 17 tuổi. Khi ra tòa, vợ anh phải ẵm con cho bị cáo. Còn anh ngồi trầm ngâm thầm mong tòa giảm án cho kẻ đã giết con mình.
Anh tâm sự: “Khi ta “chấp” thì địa ngục ở trong lòng, khi ta hỷ xả thì lòng ta thanh thản. Nhưng quan trọng nhất là vợ tôi, bà nói: “Thôi, bỏ đi. Tha thứ cho người ta thì linh hồn con mình cũng nhẹ nhàng và siêu thoát”.”
Phiên tòa kết thúc, hung thủ lặng người, níu chặt tay vợ chồng anh, khóc ngất: “Con đội ơn tấm lòng trời biển của hai bác vì đã tha thứ và xin giảm án cho con. Hai bác đã sinh ra con một lần nữa...”.
Nhà văn hóa Lacordaire (1802 - 1861) có nói một câu thật chí lý: “Bạn muốn vui trong chốc lát: cứ trả thù; bạn muốn yên vui mãi mãi: nên tha thứ”. Nghe dễ dàng nhưng thực hiện sao lại khó khăn quá đi thôi. Vậy phải làm gì? Khi nghe tôi đặt câu hỏi này, một lão nông ở Quảng Nam dù ít học, chữ nghĩa không đầy lá mít, cả một đời chỉ biết “trên đồng cạn dưới đồng sâu” đã trả lời bằng câu chuyện thật hay.
Cho phép tôi được chia sẻ: Có người nông dân sau khi thu hoạch mùa màng, có chút ít tiền, ông lên thành phố tìm mua một ít vật dụng. Chẳng may, ông bị kẻ xấu lợi dụng tính tình chất phác, quê mùa của ông lừa lấy sạch tiền của. Trở về nhà, nghe vợ con cằn nhằn, láng giềng chê cười, ông thong thả đáp: “Đây cũng là điều may mắn vì tôi bị cướp tiền, chứ không bị cướp đi mạng sống. Tuy nhiên, điều may mắn hơn cả, chính tôi bị ăn cướp chứ không phải là kẻ cướp”.
Rõ ràng, bất kỳ tình huống nào, con người ta cũng có cái nhìn tích cực hơn dù đang bế tắc, bi quan. Sự thanh thản ấy, giúp ích gì? Ít ra, người nông dân ấy không phải canh cánh trong lòng sự buồn bực, tức tối và tìm cách trả thù, mà chắc gì đã thỏa mãn được ý nguyện đó? Chi bằng, dù thiệt thòi, mất mát mà cứ sống với tâm niệm hỷ xả vẫn tốt hơn.
Tâm lý này, có phải cũng là “phép thắng lợi tinh thần” trong kiệt tác A.Q chính truyện của văn hào Lỗ Tấn không? Tôi quyết rằng không. Thời đi bộ đội, chính trị viên của tôi thường dặn dò: “Tư tưởng không thông, vác bi đông cũng nặng”. Câu nói ấy nghe tếu táo mà lại rất đúng. Có gánh nặng nào nặng hơn nỗi lòng đang mang vác?
Thử đứng nhìn vào tấm gương soi đang đặt trước mặt. Lúc ấy, ta sẽ nghe những lời thì thầm gì từ tâm tưởng vọng ra? Một nhà hiền triết cho rằng, cái bóng nói với thân thể: “Anh thấy không, tôi là người bạn chí cốt, thân thiết của anh. Bất kỳ ở đâu, dù anh đang trên đỉnh cao của sự hoan lạc, dù anh cheo leo mong manh đối mặt với cái chết thì tôi vẫn không lìa khỏi anh”.
Thân thể đáp lại: “Vâng, hình bóng của đôi ta tuy hai mà một, không ai có thể tách rời. Đó là lúc có ánh sáng. Còn khi gặp cảnh tối tăm, tôi chẳng thấy anh đâu. Đã là bạn bè chân chính thì phải có nhau trong những lúc tăm
tối ấy chứ?”. Cái bóng đáp: “Lúc ấy, tôi vẫn cận kề bên anh đó thôi, nhưng sự giận dữ, tức tối, oán ghét, căm giận đã choáng ngợp trong lòng anh, làm sao anh có thể tìm thấy được chính mình?”.
Tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính mình. Tại sao? Vì không còn phải đau đáu vác một gánh nặng u ám từ ngày này qua tháng nọ. Chà, câu nói đó, lại “giáo điều”, “sách vở” nữa rồi. Không phải đâu. Ngày nọ, khi sang thăm lại chiến trường xưa trên quê hương Chùa Tháp, nơi tôi đã trú quân làm nghĩa vụ quốc tế thời trai trẻ. Với tư cách nhà báo, tôi đã hỏi người bà đàn bà bất hạnh đã bị bọn diệt chủng Khmer đỏ tàn sát chồng con vào năm 1979: “Xin hỏi thật, đến nay bà có còn muốn trả thù bọn sát nhân đó không?”. Bà trả lời: “Phải nhổ sạch cỏ, mới có thể gieo hạt lúa. Xóa bỏ đi sự oán hận, lòng mới có thể thanh thản”. Chỉ câu nói ấy, bà không nói gì thêm nhưng tôi hiểu rằng bà đã “ngộ” ra lẽ sống ở đời.
Chắc hẳn các bạn cũng đồng tình rằng, có thể tìm thấy niềm vui trong sự tha thứ. Niềm vui ấy cao thượng và trong sạch biết chừng nào.