Đổi mới, hoàn thiện hệ thống giám sát từ xa; phối hợp chặt chẽ

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN (Trang 79 - 82)

thanh tra tại chỗ với giám sát từ xa.

Căn cứ cả cơ sở lý luận cũng như cơ sở thực tiễn đều dã khẳng định giám sát từ xa cung cấp thông tin, “chỉ điểm” cho thanh tra tại chỗ; giám sát theo dõi NHTM một cách thường xuyên giữa các kỳ thanh tra tại chỗ... Còn thanh tra tại chỗ sẽ kiểm toán các thông tin đầu vào của giám sát từ xa, đồng thời kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát từ xa. Để vận hành tốt cơ chế phối hợp đó cần phải đổi mới nhận thức mối quan hệ giữa hai phương thức này. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi của từng phương thức sao cho thông tin đầu ra của bộ phận này sẽ là đầu vào của bộ phận kia và ngược lại. Việc quy định thành hai bộ phận là để có điều kiện chuyên môn hoá về kỹ năng, nhưng phải thống nhất trong một công nghệ thanh tra của cơ quan TTGSNH .

Một hệ thống TTNH có hiệu quả phải có sự kết hợp chặt chẽ hai hình thức thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa. Trên cơ sở báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo kiểm tra kiểm toán nội bộ và các loại thông tin quan trong khác do các Tổ chức tín dụng cung cấp, TTNH sẽ tiến hành đánh giá, phân tích thực trạng hoạt động của NHTM. Hệ thống chỉ tiêu giám sát từ xa thông thường được thiết lập trên cơ sở các nhóm yếu tố chủ chốt về tài chính và tính tuân thủ trong hoạt động của các NHTM, qua hệ thống chỉ tiêu này có thể xác định các vấn đề và rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của các NHTM khi chưa tiến hành thanh tra tại chỗ được, bằng cách này đưa ra các phát hiện sớm và

kế hoạch sửa chữa ngay trước khi các vấn đề trở nên nghiêm trọng. Mô hình giám sát từ xa hiện nay đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện, chứa đựng đầy đủ những nội dung cần thiết để tiến hành đánh giá xếp loại các NHTM. Mục tiêu quan trọng nhất của phương thức giám sát từ xa là sử dụng nó như một phương tiện cảnh báo trước, từ đó góp phần sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực thanh tra, dành ưu tiên tiến hành thanh tra tại chỗ tại các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn hoặc các NHTM mà các chỉ số rủi ro qua giám sát đang gia tăng đáng kể. Những báo cáo và phân tích của giám sát từ xa sẽ giúp ích cho thanh tra tại chỗ tập trung vào các lĩnh vực đang có vấn đề cần được quan tâm xem xét, tránh bị dàn trải, góp phần cảnh báo sớm những rủi ro có thể xảy ra đối với từng NHTM và từ đó ảnh hưởng đến toàn hệ thống NH.

Hoạt động của TTNH sẽ phải từng bước đổi mới theo hướng lấy thanh tra theo phương thức giám sát từ xa làm trọng tâm, đặc biệt là khi chuyển dần từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro cho phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế về NH. Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát từ xa thì TTNH cần chủ động phối hợp với Cục Công nghệ tin học NH nâng cấp và xây dựng đổi mới phần mềm giám sát từ xa thành hệ thống chỉ tiêu phân tích chuẩn mực, áp dụng thống nhất cho mọi loại hình TCTD theo sự phát triển mới, đa dạng hơn của các TCTD hiện nay. Qua chuẩn mực này các chỉ tiêu giám sát phải được xây dựng trên cơ sở các tỷ lệ an toàn đối với hoạt động của các NHTM , được quy định trong Luật NHNN và Luật các TCTD và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Có như vậy các chỉ số giám sát mới phản ánh chính xác kết quả hoạt động của các NHTM.

Để đảm bảo đủ thông tin phục vụ công tác TTGS, Cơ quan TTGSNH từng bước xây dựng kho thông tin dữ liệu, cập nhật tình hình từ hoạt động thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa, báo cáo kiểm toán độc lập, thông tin từ báo cáo hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ TTNH. Đầu năm 2010, Thống đốc

NHNN đã phê duyệt dự án “Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ cho hoạt động giám sát từ xa”, đó là điều kiện tiên quyết cho nâng cao chất lượng giám sát từ xa.

Bên cạnh đó, bộ phận giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ cần phối hợp hoạt động và xây dựng các sản phẩm báo cáo giám sát. Quy trình giám sát cụ thể cũng cần được xây dựng nhằm chỉ rõ các bước công việc và đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu quả cho công tác giám sát, được bắt đầu bằng các hoạt động thu thập thông tin của bộ phận giám sát từ xa thông qua các báo cáo tài chính của các TCTD được giám sát gửi định kỳ và các nguồn thông tin khác. Các thông tin thu thập được một mặt cần được lưu trữ tại Cục quản lý thông tin của NHNN mặt khác, cần được bộ phận giám sát từ xa sử dụng để phân tích, đánh giá tổng thể hệ thống ngân hàng trong báo cáo giám sát vĩ mô, lập danh sách những TCTD có những dấu hiệu bất thường trong báo cáo cảnh báo sớm và tiến hành xếp hạng cho từng Tổ chức tín dụng trong báo cáo đánh giá xếp hạng. Các báo cáo này được xây dựng và gửi cho bộ phận thanh tra tại chỗ.

Dựa trên kết quả ban đầu của báo cáo cảnh báo sớm và báo cáo đánh giá xếp hạng bộ phận giám sát từ xa, bộ phận thanh tra tại chỗ lên kế hoạch thanh tra với các bước công việc của báo cáo tiền thanh tra, tiến hành thanh tra thực tế tại NHTM, sau đó đánh giá bổ sung, điều chỉnh xếp hạng trong báo cáo đánh giá xếp hạng và đưa ra những khuyến nghị hoặc yêu cầu đối với NHTM bị thanh tra. Tiếp theo, Cơ quan TTGS của NHNN phải giám sát việc thực hiện các yêu cầu và khuyến nghị đối vớiNHTM. Sau khi báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu của Tổ chức tín dụng thì quy trình thanh tra, giám sát đối với một NHTM trong một kỳ giám sát được tạm thời kết thúc và tiếp tục bắt đầu cho một kỳ giám sát mới với NHTM theo các bước được lặp lại.

Một phần của tài liệu HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG THANH TRA CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN (Trang 79 - 82)