-Luật Thanh tra ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2011 với một số điểm mới so với Luật thanh tra năm 2004, vì vậy Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra 2010, bảo đảm hoạt động thanh tra được thực hiện một cách thống nhất.
Luật Thanh tra- văn bản có tính pháp lý cao nhất về hoạt động thanh tra, phù hợp hơn với hoạt động thanh tra hành chính. Bên cạnh đó, Luật Thanh tra quy định những vấn đề về hoạt động thanh tra nói chung cũng phù hợp với phương pháp thanh tra tuân thủ, không phù hợp với thanh tra trên cơ sở rủi ro. Vì vậy việc ra đời một Luật Thanh tra chuyên ngành thể hiện được tính đặc thù trong hoạt động thanh tra, giám sát các TCTD -một đối tượng hết sức nhạy cảm, là rất cần thiết.
-Luật các TCTD số 47/2010/QH12, Luật NHNN Việt Nam số 46/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011. Chính phủ cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy pham pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật để 02 Luật mới trên phát huy được hết tác dụng cũng như để NHNN và các TCTD áp dụng Luật chính xác, hiệu quả.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Cơ quan TTGSNH với các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan trong trao đổi, cung cấp thông tin liên quan trong quá trình TTGSNH:
Hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, bền vững, ổn định là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước, là mục tiêu chính của nhiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống giám sát tài chính đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo môi
trường phát triển thuận lợi và lành mạnh cho các định chế tài chính. Khi hệ thống TTGS thất bại trong việc điều tiết, giám sát hệ thống tài chính, chia sẻ thông tin và phối hợp công tác giữa các cơ quan giám sát quốc gia, cái giá phải trả cho sự thất bại này là rất lớn. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính gần đây cũng đã chứng minh điều đó. Sự bất ổn của hệ thống tài chính làm suy giảm nền kinh tế của các nước một cách trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nghiêm trọng hơn là khủng hoảng lòng tin và bất ổn xã hội. Do đó, việc cải tổ, nâng cấp thậm chí thay đổi hệ thống TTGS tài chính phù hợp hơn là đòi hỏi hết sức cấp bách đối với các quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng thay đổi này.
Để việc TTGS hoạt động NH có hiệu quả, Chính phủ cần sớm thiết lập một cơ chế phối hợp hoạt động và trao đổi thông tin hiệu quả giữa các cơ quan chủ chốt: NHNN, Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi, và Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia. Cơ chế phối hợp này sẽ giúp các cơ quan TTGS tài chính không bị chồng chéo công việc, đảm bảo giám sát tốt hơn các tổ chức đa ngành. Có như vậy mới xác định rõ chức năng, trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị, cơ quan trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH thuộc trách nhiệm được giao phục vụ cho công tác TTGS của NHNNVN.