Luật tục của người Chăm

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 28 - 29)

Luật tục là chuẩn mực của đạo đức, lối sống và nếp sống của người Chăm. Ngoài phong tục, luật tục còn bao gồm cả đạo đức, phép ứng xử. Tuy gắn liền với đạo đức, phép ứng xử nhưng luật tục khác với lời khuyên, các bài dạy về luân lý, bài bài gia huấn ở chỗ nó có hình thức thưởng phạt, nó được xem như là những chuẩn mực xã hội. Như vậy, luật tục là những chuẩn mực được xã hội hóa và được các thành viên trong cộng đồng chấp nhận, nhẹ thì phê phán chê cười, từ chối tiếp xúc; cao hơn là khai trừ khỏi cộng đồng, tùy từng trường hợp còn trừng phạt về kinh tế, chính trị như tước quyền ứng cử, bầu cử, phải nộp phạt, cúng tạ thần linh, đền bù cho người thiệt hại.

Luật tục Chăm bên cạnh cơ chế xã hội còn có cơ chế tâm linh, các vị thần linh trong tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo có vai trò quan trọng về nhiều phương diện trong luật tục, họ là người nắm giữ mối dây liên kết chặt chẽ giữa người, súc vật, cây cối và thần linh, người nào làm đứt mối quan hệ hài hòa này thì cuộc sống sẽ bị đe dọa. Nội dung luật tục Chăm phong phú từ những quy định chung, cách thức phân xử và phạt vạ; quy định về các loại tài sản; khai hoang đất, quyền sử dụng và kế thừa ruộng đất; tội ăn cắp và gây rối; nguyên tắc chung về hôn nhân; những trường hợp kết hôn trái với luật tục; đa thê, ly hôn; tội loạn luân; v.v.

Luật tục Chăm là phép ứng xử trong các mối quan hệ xã hội trong đó quan hệ gia đình, hôn nhân rất được quan tâm, nó kịch liệt phản đối và nghiêm khắc với tội lừa đảo, ăn cắp, ... Cách phân xử của người Chăm rất chặt chẽ mang tính cộng đồng cao với 3 cấp độ từ gia đình, họ tộc đến làng mang tính dân chủ, thuyết phục theo lộ trình từ thấp đến cao gắn với sự giáo dục và tự giáo dục, không chú trọng nhiều đến hình phạt vật chất mà chủ yếu nghiêng hẳn về tinh thần, ít quan tâm đến cơ chế xã hội mà quan tâm nhiều đến cơ chế tâm linh để ngăn ngừa, răn đe và giáo dục tội phạm, hướng họ đến cái thiện, làm cho các thành viên trong cộng đồng có ý thức thực hiện và bảo vệ luật tục một cách công minh, bằng cả lương tâm và danh dự. Có thể nói đó là đặc trưng cơ bản của luật tục Chăm.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(62 trang)
w