Tín ngưỡng, tôn giáo

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 45 - 47)

Ở TỈNH BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY 2.1 Khái quát chung về Bình Định

2.2.1.2. Tín ngưỡng, tôn giáo

Người Chăm H’roi ở Vâm Canh, Bình Định không chịu ảnh hưởng của riêng một tôn giáo nào ở phương Đông lẫn phương Tây mà theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật có linh hồn, gần với tín ngưỡng người nguyên thủy. Vị thần được sùng bái cao nhất là Thần Trời (Yang) rồi đến Thần Đất, Thần Nước, Thần Gió, Thần Núi Rừng, Thần Đá, Thần Cây Cối, v.v. Thần có mặt ở khắp mọi nơi. Có thần tốt cứu giúp con người, có thần xấu làm hại con người.

Khác với tín ngưỡng của người Chăm Ninh Thuận tôn thờ 3 vị thần Balamôn: Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần bảo tồn), Sciva (thần hủy diệt) và tôn thờ các vua Chăm có công, tôn thờ thánh mẫu Inơ Nagar. Khác với người Chăm theo đạo Bàni và đạo Islam ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ tôn thờ một thượng đế duy nhất là Allah và Môhamét là thiên sứ của người, lấy Thánh đường làm trung tâm tín ngưỡng, lấy thánh kinh Cô-ran để tu dưỡng đọa làm người và cầu nguyện hàng ngày. Và cũng khác với đời sống tín ngưỡng của người Bana. Tín ngưỡng của người Chăm H’roi mang bản sắc riêng, đa dạng và phức tạp hơn.

2.2.1.3. Lễ hội

Hầu hết, lễ hội của người Chăm H’roi đều gắn liền với các loại hình nông nghiệp vừa mang tính chất cộng đồng vừa mang tính chất hộ gia đình. Đối với các lễ tiết theo vòng đời của một con người, người Chăm H’roi không có lễ chính thức đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp trong đời người từ vị thành niên lên tuổi trưởng thành mà có các lễ như: lễ an thai, lễ đặt tên cho con, lễ cúng hồn vía con người, lễ cầu an, lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Đối với các lễ tiết theo vòng cây trồng, với ý niệm cầu mong các vị thần che chở trong sản xuất thì có các lễ như: lễ tìm được đất, lễ phát rẫy, lễ phát rẫy, lễ trỉa lúa, lễ cúng lơhươm, lễ cúng đập nước (P’Pzie), lễ cúng cầu cho cây lúa sinh trưởng, lễ cúng thu hoạch cuối

năm, lễ đưa lúa vào kho. Ngoài ra, còn có các lễ cúng khác trong năm như: Cúng Cham làng (cúng thần làng), cúng Đổ Đầu (vào dịp Tết Âm lịch), cúng đầu năm, lễ Xây cột đâm trâu (Prong cop-rao) là lớn nhất. Một số lễ hội tiêu biểu còn diễn ra trong cộng đồng người Chăm H’roi như:

Lễ xây cột đâm trâu (Prong cop-rao): là một trong những lễ hội lớn của người Chăm H’roi, thường được tổ chức vào ngày trăng rằm của những tháng mùa xuân, do cộng đồng hoặc gia đình tổ chức. Lễ này được tổ chức để trả nợ Yàng. Khi gia đình có việc nghiêm trọng phải cầu Yàng để được tai qua nạn khỏi thì xây cột để trả nợ. Người Chăm cho rằng, nợ Yàng là nợ lớn nhất, nếu khấn hứa với Yàng mà chưa trả được thì nợ này sẽ kéo dài đến đời sau, con cháu phải trả. Đối với buôn làng, lễ đâm trâu được tổ chức trong các dịp mừng nhà mới, mừng chiến thắng, mừng trúng vụ mùa, ... Lễ xây cột đâm trâu là lễ hiến tế, người Chăm quan niệm làm cho máu của vật hiến sinh đổ càng nhiều, vung vãi khắp nơi là dấu hiệu cho vụ mùa bội thu.

Lễ bỏ mả (Pơ thi Atâu): Là lễ cắt tang, cúng các loại đồ dùng sinh hoạt và gia súc cho người đã chết, với mục đích cho người quá cố siêu thoát và bảo hộ cho người sống, đồng thời chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống và người đã khuất. Lễ bỏ mả không quy định thời hạn, có thể ngay sau chôn cất, hoặc sau đó một vài năm tùy điều kiện kinh tế của gia đình người chết. Trong lễ Pơ thi Atâu, linh hồn người chết được mời về dự tiệc, uống rượu, ca múa, đánh cồng chiêng chung vui cùng với gia đình và buôn làng. Mọi của cải của người chết được mang ra nhà mồ nơi khu rừng thiêng dành riêng cho những người quá cố. Tại nhà mồ, ngoài các đồ dùng mang theo cho người chết, người sống còn tạc tượng gỗ, có thể là hình các loại chim, thú, hay nhiều hình người để bảo vệ người đã chết. Lễ Pơ thi Atâu là lễ rất quan trọng để trả nợ cho người chết và để trả ơn cho người sống. Mỗi khi tổ chức lễ, gia chủ phải giết một con trâu, vài con bò, cả chục con lợn và mấy ché rượu để buôn làng chung vui với người đã chết, lễ kéo dài đến hai, ba ngày. Sau lễ này, cuộc tiễn đưa người chết vào thế giới khác coi như chấm dứt, người sống và người chết chia xa vĩnh viễn.

Lễ cúng đầu phục (cúng cầu an hay cúng cổng làng): Thường diễn ra vào tháng 5 hay tháng 6 âm lịch, cúng đất nơi làng cư trú, cầu mong bình yên, dân làng khỏe mạnh. Lễ này cách 2 đến 3 năm thì được tổ chức một lần.

Lễ đổ đầu: Được tổ chức vào những ngày cuối năm âm lịch (dịp tết), tại nơi công cộng của làng nhằm cầu phúc cho mọi thành viên trong làng, cầu cho năm mới nhiều tốt đẹp.

Lễ cúng cơm mới: Diễn ra vào tháng 3 (lúa nước), tháng 10 (lúa rẫy) theo từng hộ gia đình, từ nhà này sang nhà khác. Lễ này để tạ ơn Yàng đã cho hạt lúa sinh ra trên nương rẫy, được các ban phát để nuôi sống con người. Trong lễ này, đồng bào cùng chung hưởng một niềm vui thu hoạch sau một mùa lao động vất vả.

Trong các lễ hội của đồng bào Chăm bao giờ cũng mang hai tính chất lễ và hội đan xen nhau. Lễ để cúng Yàng và hội để buôn làng chung vui. Đây là dịp các thành viên trong cộng đồng gặp gỡ nhau, cùng ăn mặc đẹp, cùng quây quần bên những ché rượu cần nồng ấm với những tiếng cồng chiêng rộn rã, với những câu ca điệu hát vang vọng, ngọt ngào làm say đắm lòng người. Trong lễ hội, tâm thức cộng đồng được trỗi dậy mạnh mẽ, cá nhân hòa vào cộng đồng, cùng sáng tạo và cùng nhau hưởng thụ sự sáng tạo đó.

Việc tham gia lễ hội là nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cá nhân và cộng đồng, đặc biệt đối với các thế hệ nối tiếp, lễ hội là dịp để họ tìm hiểu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, để họ học tập và tiếp thu những giá trị văn hóa của cha ông.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 45 - 47)