Ở TỈNH BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY 2.1 Khái quát chung về Bình Định
2.2.1.5. Văn hóa trang phục
Người Chăm H’roi có trang phục truyền thống riêng. Đặc điểm chung của áo Chăm là cổ tròn, màu trắng, thân và tay áo dài, không hoa văn, không có khuy và cúc. Đàn ông thường mặc áo đen, ngắn tay, xẻ nách. Hai bên khuy áo viền lai màu đỏ hoặc trắng. Sau lưng áo có một đường viền, trước bụng cột dây màu đỏ thay cho cúc áo. Phụ nữ Chăm mặc áo và váy. Áo màu giống áo bà ba của người Kinh. Trong lễ hội, người phụ nữ mặc áo màu trắng có thêu hoa văn qua ngực. Váy có 2 loại, loại thường và loại có hoa văn sặc sỡ. Loại thường có màu nâu và đen để mặc ở nhà và đi làm nương rẫy. Váy có hoa văn thường mặc trong các dịp lễ và những ngày quan trọng. Váy của người phụ nữ Chăm do chính họ dệt, gồm hai phần: tấm váy và dây thắt lưng. Tấm váy dùng để quấn quanh người, một mép dấu kín, một mép phô ra, mép trên được thắt chặt vào thắt lưng. Thắt lưng vừa quấn quanh bụng, vừa thả rũ hai đầu xuống đùi tạo nét duyên dáng cho người phụ nữ.
Ngày nay, phần lớn người Chăm mặc Âu phục. Trang phục truyền thống chỉ được sử dụng ở một số người lớn tuổi hay được sử dụng trong các dịp lễ hội. Cùng với trang phục là một loạt các đồ dùng trang sức có giá trị thẩm mỹ như cồng bằng đồng, kiềng bạc, hạt cườm, ... vừa là đồ trang sức vừa là vật kỷ niệm, đồng thời có tác dụng phòng trừ ma quỷ.
2.2.1.6. Chữ viết và văn học nghệ thuật
a) Ngôn ngữ – chữ viết
Đối với người Chăm H’roi tại Bình Định, Hội đồng khoa học chuyên ngành đã nghiệm thu đề tài “Xây dựng và hoàn chỉnh chữ viết, biên soạn sách và phục vụ
dạy và học tiếng Bana Kriêm, Hrê, Chăm H’roi ở Bình Định” do nhóm tác giả Nguyễn Văn Lợi biên soạn. Công trình đã góp phần phục hồi lại ngôn ngữ truyền thống của người Chămpa, giáo dục cho người Chăm ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình thông qua ngôn ngữ, tiếng nói của cội nguồn dân tộc.
b) Văn học, nghệ thuật
Kho tàng văn học dân gian của người Chăm ở miền núi Bình Định rất phong phú, nhiều truyện kể, trường ca (Chi Lơ Kok, Chi Liêu, ...) có giá trị văn hóa sâu sắc đã và hiện đang được lưu truyền trong đời sống tinh thần của người chăm. Ngoài ra, còn nhiều loại hình thơ ca dân gian với những làn điệu hát ru da diết, những điệu dân ca trữ tình, bay bổng, thấm đượm tình yêu đôi lứa.
Song song với những lời ca, điệu hát là hệ thống các loại nhạc cụ dân gian như: nhóm nhạc cụ vỗ, gõ có: cồng, chiêng, trống; nhóm nhạc cụ gảy, kéo là các loại đàn và nhóm nhạc cụ hơi là kèn, sáo, ... Đặc biệt là trống Pal Kơ toan là một nhạc cụ đặc trưng của người Chăm, gồm một cặp trống do một đôi nam nữ biểu diễn. Nhạc cụ này được sử dụng phổ biến trong các dịp lễ hội, lúc biểu diễn có thể bày tỏ ý nghĩ, tình cảm của mình bằng những nhịp điệu âm thanh. Âm nhạc của người Chăm H’roi vừa phản ánh sự giao lưu văn hóa với các cộng đồng thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên, đồng thời mang nét riêng chỉ có ở người Chăm H’roi. Đó là kết quả của việc sinh sống lâu đời ở vùng cao, bên cạnh người Ba-na, Ê- đê, ... nhưng vẫn giữ lại những đặc trưng của dân tộc Chămpa.
Múa Chăm là một loại hình sinh hoạt của cộng đồng, gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng nhằm phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Nó vừa thể hiện giá trị của nét đẹp, của niềm vui và sự chan hòa, đồng thời còn là phương tiện của ngôn ngữ thay cho lời giao tiếp của người với người, giữa người với Yàng và giữa người với thiên nhiên trong bầu không khí tưng bừng của lễ hội. Ở Bình Định, vũ điệu múa của người Chăm được xếp thành các dạng phổ biến như múa hội làng, múa đâm trâu và múa đám cưới. Động tác múa có lúc dồn dập, náo nức, lúc trang trọng dịu dàng, ... thể hiện tâm tư tình cảm của người Chăm với thiên nhiên và cuộc sống. Nghệ thuật múa của người Chăm Bình Định đã góp phần làm phong phú thêm cho nền tảng văn nghệ dân gian của cộng đồng Việt Nam.