Di tích lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 38 - 45)

Ở TỈNH BÌNH ĐỊNH HIỆN NAY 2.1 Khái quát chung về Bình Định

2.2.1.1. Di tích lịch sử văn hóa

a) Tháp Chămpa

Tháp Chămpa (theo tiếng Chăm là kalan) là tên gọi phổ biến của nhân dân địa phương và các nhà nghiên cứu từ xưa đến nay. Về chức năng, có nhiều ý kiến cho tháp Chămpa là đền thờ hay lăng mộ. Nhìn chung đó là công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng để đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng dân cư Chăm

trong lịch sử tạo nên sức mạnh tinh thần đoàn kết cộng đồng. Tháp Chăm ở Bình Định nhiều và tập trung. Do tác động của sự biến đổi xã hội và tự nhiên nên các tháp Chămpa còn lại ở Bình Định không mấy nguyên vẹn, đa phần bị hư hỏng, không giữ được dáng vẻ ban đầu. Dù vậy, về cơ bản các tháp ở đây vẫn cung cấp những tài liệu tốt cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tháp Chămpa nói chung và tính chất đặc thù của nhóm tháp Bình Định nói riêng.

Theo số liệu thống kê của Sở văn hóa thể thao du lịch Bình Định (2011) tháp Chămpa hiện nay chỉ còn 14 tháp ở 8 địa điểm như sau:

Bảng 2.1: Thống kê tháp Chămpa ở Bình Định (2011)

STT Tên thường gọi Số lượng

tháp Địa điểm (xã – huyện)

Niên đại (thế kỷ)

1 Bình Lâm 1 Phước Hòa – Tuy Phước XII

2 Bánh Ít 4 Phước Hiệp – Tuy Phước XI - XII

3 Cánh Tiên 1 Nhơn Hậu - An Nhơn XII - XIII

4 Phú Lốc 1 Nhơn Thành – An Nhơn XIII

5 Thủ Thiện 1 Bình Nghi – Tây Sơn XII - XIII

6 Dương Long 3 Bình An – Tây Sơn XII - XIII

7 Tháp Đôi 2 Đống Đa – Quy Nhơn XII

8 Hòn Chuông 1 Núi Bà – Phù Cát ?

Tổng cộng 14 tháp

(Nguồn: Sở văn hóa thể thao du lịch Bình Định) Nhìn vào bảng thống kê ta thấy các tháp Chăm được phân tích chủ yếu ở trung tâm đồng bằng Bình Định, có niên đại từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII.

Ở Bình Định hiện nay còn nhiều dấu tích của các tháp đã bị sụp đổ, hủy hoại. Dù vậy, với quy mô lớn của vật liệu xây dựng còn để lại là vẻ đẹp của các tác phẩm điêu khắc liên quan đến tháp tìm được trong các phế tích, cùng với sự đa dạng của các thành phần kiến trúc khác cho nên phế tích của tháp để lại khá rõ ràng, dễ nhận biết các loại di vật liên quan đến chúng. Trong quá trình bảo tồn văn hóa Chămpa ở Bình Định ngoài các tháp hiện còn các phế tích tháp cũng được quan tâm. Những cuộc khai quật phế tích tháp ở Khánh Lễ, tháp Mắm, mới đây nhất là phế tích tháp Rừng Cấm không chỉ cung cấp tư liệu cụ thể về các tháp này mà còn cung cấp nhiều tư liệu quý về di tích Chămpa nói chung trong giai đoạn Vijaya. Vì vậy, việc bảo tồn các phế tích tháp tại Bình Định bằng việc khảo sát, khai quật ngoài việc cung cấp thêm các tư liệu vật chất để hiểu văn hóa Chămpa mới đây còn

giúp cho việc hoạch định công tác bảo tồn lâu dài trong đó có việc tổ chức khai quật khảo cổ.

Ngoài cuộc khai quật tại phế tích tháp Mẫm chủ yếu để tìm hiện vật do Clayes (học giả người Pháp ở Trường Viễn Đông Bác Cổ) tiến hành từ năm 1934, sau này cũng chỉ có thêm phần tư liệu khảo sát của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Viện Khảo cổ học tiến hành từ năm 1987 – 1988. Mãi đến năm 2011, mới có cuộc khai quật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại phế tích tháp Mẫm (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), làm xuất lộ các nền móng kiến trúc chứng minh nơi đây từng tồn tại nhiều kiến trúc tháp chính (tháp Nam, tháp Bắc và tháp Giữa), tháp phụ (tháp Tây), tháp cổng, tháp hỏa, tháp bia, nhà dài, hệ thống tường bao xung quanh… và thu được hàng trăm hiện vật có giá trị.

Năm 2013, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã chủ trì khai quật khu phế tích Gò Tháp Lai Nghi (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn), thu được hơn 600 hiện vật gạch đất nung, phù điêu voi, tượng tròn voi, phù điêu Kala, phù điêu Makara, đầu tượng, mảnh tượng thú. Ngoài ra, có thêm phát hiện mới về cách xây dựng khi mỗi tháp trong khu tháp Lai Nghi cách nhau đến 20m, trong khi ở các khu tháp Chăm khác thì mỗi tháp thường chỉ cách nhau từ 3,5m - 4m.

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vừa báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học phế tích tháp Rừng Cấm (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) vào tháng 7/2014. Cuộc khai quật thu được 679 hiện vật gốm đất nung, gốm men, đá trang trí, tai trang trí đất nung và đá, ngói âm dương, ngói mũi lá, gốm Chăm và gốm Trung Quốc. Đặc biệt, còn tìm thấy một chiếc đĩa đồng, là hiện vật kim loại hiếm thấy trong các di tích Chămpa. Các hiện vật tìm được đã giúp xác định tháp Rừng Cấm có niên đại từ cuối thế kỷ XII đầu XIII. Kỹ thuật xây dựng khu tháp Rừng Cấm có điểm khác với các khu tháp thuộc phong cách Bình Định, đó là không theo hàng lối mà xây khá ngẫu hứng.

Theo khảo sát thống kê của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (2015), có đến 52 phế tích Chăm ở các địa phương trong tỉnh. Sau đây là một số khu phế tích tháp tiêu biểu:

STT Tên phế tích tháp Địa điểm (xã, huyện)

1 Long Triều Phước Hiệp, Tuy Phước

2 Chà Cây Phước Hiệp, Tuy Phước

3 Khánh Vân Phước Quang, Tuy Phước

4 Xóm Miếu Nhơn Hậu, An Nhơn

5 Gò Tam Tháp Nhơn Hậu, An Nhơn

6 Tháp Mẫn Nhơn Hậu, An Nhơn

7 Châu Thành Nhơn Thành, An Nhơn

8 Lộc Thuận Nhơn Hạnh, An Nhơn

9 Tháp Mắm Nhơn Thành, An Nhơn

10 An Hòa Nhơn Khánh, An Nhơn

11 Thông Hòa Nhơn Khánh, An Nhơn

12 Khánh Lễ Nhơn Khánh, An Nhơn

13 Thập Tháp Nhơn Thành, An Nhơn

14 Tân Kiều Nhơn Mỹ, An Nhơn

15 Chà Rây (Hòn Nóc) Nhơn Lộc, An Nhơn 16 Gò Tháp Lai Nghi Bình Nghi, Tây Sơn

17 Rừng Cấm Bình Nghi, Tây Sơn

(Nguồn: Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định) Trong số các phế tích tháp hiện còn, có những phế tích có quy mô lớn và có khả năng cung cấp những tài liệu quý cho việc bảo tồn, phát huy di tích văn hóa Chămpa.

Một số đặc trưng cơ bản của tháp Chămpa ở Bình Định:

Về phân bố các di tích tháp: Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng khá lớn di tích tháp và mật độ tập trung cao trên một địa bàn hẹp. Ở đây có 23 địa điểm tìm thấy tháp, nhiều địa điểm là một quần thể kiến trúc gồm nhiều tháp có quy mô lớn, như khu phế tích tháp Chà Rây (3 tháp), Châu Thành (3 tháp), Tân Kiều (4 tháp) và Thập tháp. Ở Bình Định, các tháp được xây dựng trên các đồi gò và thường phân bố ven các con sông lớn, tập trung tương đối dày đặc gần các thành cổ.

Dưới góc độ tín ngưỡng tôn giáo, các gò đồi được coi là biểu tượng của núi Mê Ru – nơi ngự trị của các thần linh. Về mặt địa hình, đây là nơi cao nhất trong từng khu vực. Nếu như giai đoạn trước, các tháp thường được xây dựng tập trung trong những thung lũng như Mỹ Sơn, Đồng Dương hay phân bố ở vùng đồng bằng như Tháp Lưu Cốc, Bằng An, Khương Mỹ, ... thì Bình Định mở đầu cho việc xây dựng các tháp trên các gò đồi hoặc các gò đất cao một cách rầm rộ; mà giai đoạn sau nó tiếp tục được phát triển ở các tháp khác như Poklong (Gia Lai), Poromô (Ninh Thuân).

Các tháp được xây dựng ven các thành cổ, nơi đông người – trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng.

Về cấu trúc các tháp: ngoài đặc trưng chung, tháp Chămpa ở Bình Định có đặc thù riêng. Một là, phần đế tháp giai đoạn này được xây cao hơn, bề thế, ít tạc hoa văn, vẻ đẹp của đế tháp được tạo bởi ngôn ngữ hình khối hợp lý. Khác với giai đoạn trước là đế tháp thấp, tạc hoa văn khá hoàn chỉnh, tỉ mỉ. Bên cạnh bình đồ của tháp là kiểu hình vuông, các góc vuông vức quy chỉnh, hệ thống cửa đối xứng qua tâm vốn phổ biến trong kiến trúc tháp Chăm thì giai đoạn này xuất hiện thêm loại bình đồ đa cạnh như tháp Dương Long.

Thân tháp cao, mỗi mặt tường thân tháo thường có năm cột ốp trang trí. Các cột áp tường có sự biến đổi từ kiểu trụ tường áp xẻ rãnh, ở giữa có trang trí hoa văn (Tháp Bình Lâm) sang loại cột kép không trang trí hoa văn (tháp trung tâm khu Bánh Ít) rồi tiến tới cột ốp tường trơn, để trơn không trang trí. Các cột ốp tường có xu hướng vươn lên giáp diềm mái. Hệ thống cửa giả nhô ra giữa thân với nhiều lớp cột, các vòm cửa nhọn dần hình mũi lao với nhiều lớp, đến giai đoạn sau biến thành vòm cung gãy khúc đơn giản như mũi lao tù.

Diềm mái chuyển từ hoa văn trang trí (Bình Lâm, Bánh Ít) sang để trơn không trang trí.

Mái tháp về cơ bản thuộc loại mái nhiều tầng, xong chúng chia thành hai xu hướng. Một là, nhóm tháp có nhiều tầng xây theo truyền thống Chămpa, mỗi tầng là hình ảnh thu nhỏ của thân tháp, các tháp trang trí góc tạo nên dáng vẻ thanh thoát cho các tầng mái như: Bình Lâm, Phú Lốc, Cánh Tiên, Thủ Thiện, Bánh Ít. Hai là, nhóm tháp có bộ mái hình khối hộp thu nhỏ dần, các góc tháp biến mất, không sử dụng hình trang trí điểm góc như đã gặp ở các tháp Dương Long, Tháp Đôi. Riêng Tháp Đôi là một sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các kiến trúc tháp truyền thống Chămpa (bình đồ tháp vuông, hệ thống cửa nhiều lớp mũi lao nhọn nhô lên, hệ thống cột ốp trơn thẳng) với bộ mái ảnh hưởng kiến trúc Khmer (bộ mái nhiều tầng khối hộp thu nhỏ dần vươn lên, các tháp góc trang trí bộ mái biến mất, thay vào đó là tượng Garuda gắn góc tháp để cho bộ mái bớt nặng nề).

Các tháp ở đây xây dựng chủ yếu bằng gạch, nhưng vai trò của vật liệu đá là quan trọng như đã gặp ở tháp Dương Long, Tháp Đôi. Kỹ thuật xây dựng tháp khá cao. Gạch xây tháp được mài, xếp liền khít, khó nhận thấy chỗ chúng tiếp xúc với nhau. Nhìn chung tháp Chămpa Bình Định là một tổng thể kiến trúc hoàn mỹ, kết hợp tài tình giữa nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc.

Ở Bình Định còn có một số lượng tháp phế tích khá lớn. Mặc dù các khu phế tích này chưa được khai quật nhiều, sông đó là những tư liệu quý cho việc xác định niên đại, góp phần phục dựng dáng vẻ của tháp, cũng như hoạch định các dự án nghiên cứu trong tương lai. Đối với công tác bảo tồn, những phế tích này là một trong những đối tượng nghiên cứu quan trọng, không thể thiếu được trong tổng thể di tích văn hóa Chămpa còn lại đến ngày nay.

b) Thành Đồ Bàn

Thành cổ Đồ Bàn nằm ở phía bắc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc trên đất các thôn Nam Tân, Bắc Thuận và Bá Canh của xã Nhơn Hậu và cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng bắc.

Đồ Bàn là kinh đô của vương quốc Chămpa, vốn tên là Vijaya, được xây dựng từ năm 1000. Trong các sử liệu thường phiên âm là Đồ bàn, Xà Bàn, Trà Bàn hay Chà Bàn.

Theo sử sách ghi lại, thành do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan đứng ra xây dựng, kiến trúc thật kiên cố. Bên trong có dựng tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn án ngữ mặt tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Thành vị phế bỏ kể từ năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông mang đại binh vào đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn và cả châu Vijaya.

Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho xây dựng lại và mở rộng thêm thành Đồ bàn làm sở chỉ huy của nghĩa quân. Đến năm 1778, thành Đồ Bàn được đổi tên là thành Hoàng đế và giữ vai trò Đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786. Từ năm 1786 đến năm 1793, thành Hoàng đế là kinh đô của chính quyền trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đứng về phương diện lịch sử, thành Hoàng đế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng đó lại là một kiến trúc quân sự quan trọng gắn liền với quá trình phát triển thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong giai đoạn đầu.

Căn cứ vào những di tích còn lại, thành Hoàng đế gồm ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và tử cấm thành.

Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, không thẳng, chu vi đo được 7400m. Hiện nay, quốc lộ 1A chạy qua góc đông bắc của thành ngoại và đường xe lửa thì cắt qua góc tây bắc và cạnh nam của thành. Thành mở 5 cửa, cạnh nam mở hai cửa là cửa Vệ hay cửa Nam và cửa Tân Khai. Ba cạnh đông, tây, bắc thì mở ba cửa đông, tây và bắc. Thành ngoại đắp bằng đất, phía trong và phía ngoài bó đá ong.

Thành nội có tên là Hoàng thành, được xây chếch về hướng tây nam của thành ngoại và hầu như đã bị san phẳng hoàn toàn. Thành nội cũng hình chữ nhật, chu vi đo được 1600m. Hai cạnh đông và tây, mỗi cạnh dài 430m, hai cạnh bắc và nam, mỗi cạnh dài 370m. Thành nội cũng đắp bằng đất, bên ngoài và bên trong bó bằng đá ong, chân thành rộng từ 7 – 9m. Thành nội mở ba cửa: Cửa Tiền hay cửa Nam ở chính giữa cạnh nam nhìn thẳng ra cửa Vệ của thành nội.

Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi đo được gần 600m. Thành chỉ mở một cửa phía nam, rộng chừng 15m, gọi là cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng.

Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên là thành Quy Nhơn, lệ thuộc vào kinh đô Phú Xuân. Năm 1799, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định. Năm 1823, Gia Long phế bỏ thành Bình Định, cho chuyển ly sở về thôn Kim Châu và thôn An Ngãi, cách đó chừng 4km về phía nam (nay là thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn). Thành Bình Định hoang phế và bị hủy hoại theo thời gian.

Thành cổ Đồ Bàn hay thành Bình Định từ ấy đến nay chỉ còn trơ một dãy gò sỏi đá cùng ngọn tháp Chàm Cánh Tiên ngạo nghễ với nắng mưa. Đó đây lác đác vài cây cổ thụ dáng dấp mệt mỏi u buồn cùng những bụi cây gai xương xẩu. Những ao nước như Ao Liệt, Bàu Vệ, Bàu Nóc… là những nét chấm phá, điểm tô cho toàn cảnh bức tranh Đồ Bàn ngày nay.

Ở trong khu cổ thành, những kiến trúc còn lại hầu hết đều thuộc đời nhà Nguyễn Gia Long. Đó là lăng mộ và đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng

Châu. Đền chỉ thu hẹp thành một tiểu đình mỗi cạnh 2m20, là di tích lầu Bát Giác nơi Võ Tánh tự thiêu mình.

Hiện nay, thành cổ Đồ bàn, còn gọi là thành Hoàng Đế hay là thành Bình Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia cần được bảo tồn và trở thành nơi tham quan du lịch và nghiên cứu đầy hấp dẫn của Bình Định.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Chămpa ở Bình Định hiện nay (Trang 38 - 45)